Hà Nội- Nghị quyết 15 và chặng đường tiếp theo

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị quyết 15 về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh liên quan là một quyết định mang tầm vóc lớn, có ảnh hưởng và tác động lâu dài và nhiều mặt đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của Thủ đô.

Chặng đường 10 năm thật sự là ngắn so với tiến trình lịch sử xây dựng và phát triển Thủ đô. Song, đây là một chặng đường có ý nghĩa hết sức quan trọng. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng chia sẻ như vậy tại cuộc tọa đàm với chủ đề “Hà Nội: Nghị quyết 15 và chặng đường tiếp theo” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng (ảnh giữa) cùng các khách mời chia sẻ tại cuộc tọa đàm.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, những ngày đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, có rất nhiều băn khoăn, lo lắng đặt ra khi Đảng bộ, chính quyền Thủ đô Hà Nội đón nhận và giải quyết những nhiệm vụ trọng đại mà Đảng và Quốc hội giao cho. Trong đó, phải kể đến quy mô diện tích, dân số, đơn vị hành chính tăng nhiều; điều kiện địa lý, dân cư, thói quen khác nhau; tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo lớn, vùng núi còn khó khăn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa phát triển, khoảng cách giàu nghèo còn lớn; hầu hết các đơn vị hợp nhất về Hà Nội kinh tế - xã hội còn khó khăn… Có thể nói khối lượng công việc phải thực hiện sau hợp nhất rất lớn. “Nhưng với tinh thần và trách nhiệm, ngay từ những ngày đầu triển khai Nghị quyết 15 của Quốc hội, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã xác định quyết tâm thực hiện Nghị quyết với phương châm “Đoàn kết - Hợp tác - Trách nhiệm” và tinh thần: Tất cả vì công việc chung, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô”, Phó Chủ tịch UBND TP nêu.
Sau Nghị quyết số 15 của Quốc hội, nhiều văn kiện quan trọng từ Bộ Chính trị, từ Chính phủ, Quốc hội đã được ban hành, trong đó có Luật Thủ đô được thông qua, đã có giá trị chỉ đạo và định hướng rất cơ bản để Hà Nội xây dựng, phát triển nhanh và bền vững. Theo Phó Chủ tịch UBND TP, Hà Nội cũng đã kiến nghị Chính phủ và các cơ quan T.Ư một số nội dung về tiếp tục thực hiện Luật Thủ đô; tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản, kết luận đã ban hành; tăng phân cấp cho Hà Nội trong công tác tổ chức cán bộ; bổ sung một số cơ chế, chính sách tài chính; tăng cường sự phối hợp của các Bộ, ngành T.Ư với TP.
 
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cũng cho biết, thực tế phát triển đang thôi thúc những kế hoạch tăng trưởng bằng các giải pháp sáng tạo và bền vững. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung những giải pháp mang tính khả thi, hiệu quả để thúc đẩy các kế hoạch tăng trưởng của TP. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 8 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố đã đề ra. Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống và cuộc sống bình yên của nhân dân; bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, các sự kiện của quốc gia và quốc tế; thay mặt cả nước làm tốt công tác đối ngoại. Phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp theo các tiêu chí đã đề ra sớm hơn cả nước.
10 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng tự hào, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, diện mạo Thủ đô bước đầu có nhiều thay đổi mạnh mẽ. Đồng thời, quá trình thực hiện Nghị quyết cũng đã và đang đặt ra cho TP những yêu cầu, thách thức mới, trong đó phát triển kinh tế tri thức là một trong những yêu cầu mang tính thời đại. "Để hoàn thành mục tiêu ấy, cùng với nỗ lực quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền TP, Hà Nội luôn cần cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự chia sẻ, ủng hộ của các Bộ, Ban, Ngành T.Ư, các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt rất cần cộng đồng trách nhiệm của người dân Thủ đô", Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.