Hà Nội – nghiên cứu thí điểm cho xe buýt đi vào làn đường BRT

Tin và ảnh: Anh Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (28/4), chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 4 tập thể UBND TP, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã cho ý kiến như vậy. Lý do, lượng khách đi xe BRT đạt chưa cao.

Thí điểm cho xe buýt, xe ưu tiên đi vào làn BRT
Tại phiên họp, đại diện Sở GTVT đã trình bày dự thảo quyết định thay thế Quyết định 06/2013/QĐ – UBND ngày 25-1-2013 của UBND TP về hoạt động các phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn TP. Một trong điểm mới của dự thảo này là, mở rộng thêm một số phương tiện được đi vào làn BRT như xe cứu thương, các loại xe ưu tiên..., nguyên nhân lượng khách đi xe buýt làn BRT chưa cao. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP cho biết, đến nay theo lộ trình, theo giờ, số xe hoạt động trung bình thấp nhất mỗi xe chỉ có 34 khách, cao nhất chưa đạt 48 khách trong khi sử dụng làn xe riêng là chưa hợp lý. “Trước mắt đưa xe buýt thường đi vào đây. Sở GTVT nghiên cứu, làm việc với TCty vận tải để trước mắt thí điểm 6 tháng việc cho các loại xe buýt khác đi vào làn BRT. Sau đó nghiên cứu mở rộng thêm các phương tiện khác”, Chủ tịch UBND TP nói.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì phiên họp tập thể UBND TP tháng 4/2017. Ảnh: Anh Quý

Dự thảo cũng đề cập vấn đề mở rộng các đường giao thông; quản lý xe ba bánh; thời gian hoạt động của các phương tiện... Thảo luận nội dung này, các ý kiến đề nghị bổ sung việc quản lý xích lô, không để tình trạng đón trả, mời chào khách tràn lan, gây mất mỹ quan.

Đồng tình với các kiến nghị, Chủ tịch UBND TP giao Sở Du lịch chủ trì làm việc với 5 DN đang kinh doanh phương tiện này theo tiêu chí sẽ giảm dần số xe theo lộ trình xuống còn 50 xe. Sở Du lịch cần làm đầu mối kết nối để các DN này liên kết với các khách sạn; có điểm đỗ, gắn với các tuyến du lịch rõ ràng. “Giữ lại xe xích lô du lịch- nét đặc trưng của thủ đô là cần, nhưng phải bảo đảm trật tự giao thông đi lại. Do vậy, phải siết chặt quản lý, đưa vào quản lý. Thay thế dần theo lộ trình”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Không để người dân thiếu nước sinh hoạt

Về kế hoạch cấp nước hè 2017, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết hiện trạng tổng nguồn cấp nước đạt 926.000 mét khối/ ngày đêm từ nguồn nhà máy nước mặt sông Đà, các nhà máy nước ngầm.Tuy nhiên, vào thời gian cao điểm mùa hè, nhu cầu dùng nước tăng mạnh (10-12% so với ngày thường), tương ứng nhu cầu khoảng 1.040.000 - 1.060.000m3/ngày đêm. Vì thế, trong giai đoạn cao điểm, lượng nước thiếu hụt sẽ ở mức 70.000 - 100.000m3/ngày đêm. Trong khi đó, hệ thống đường ống cấp nước sông Đà (hiện chiếm 23,4% tổng sản lượng nước của Hà Nội) lại tiềm ẩm nguy cơ cao xảy ra sự cố vỡ ống. Bên cạnh đó, hệ thống này đang vận hành với tần suất thấp, càng hạn chế khả năng cung cấp nước sạch cho các khu trung tâm. Để khắc phục tình trạng trên, Sở Xây dựng đề nghị Công ty CP Viwasupco (đơn vị cấp nước sông Đà) phải thường xuyên tuần tra, nhất là kiểm tra 7 điểm đấu nối; phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố rò rỉ, vỡ ống… Thời gian sửa chữa không được quá 10 giờ/1 điểm vỡ...

Góp ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, các đơn vị, cần nâng cao chất lượng nước khi sản xuất, trong quá trình vận hành, kiểm soát nước đầu ra từ đường ống đến bể chứa; có giải pháp tiết kiệm, quản lý nước...Khẳng định đây là vấn đề cấp bách, Chủ tịch UBND TP lưu ý Sở Xây dựng cần có quy hoạch phát triển mạng lưới.

Về những nội dung liên quan, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo, về giải quyết khi tình trạng thiếu nước khi năng nóng, cần đấu nối hệ thống; tăng công suất hoạt động các nhà máy nước, như Nhà máy nước sông Đà cần khẩn trương làm ngay trạm điều áp để tăng công suất thêm 100.000 mét khối ngày đêm. Mặt khác, Sở Xây dựng cần đốn đốc chủ đầu tư, các đơn vị thi công: Nhà máy nước mặt sông Hồng, sống Đuống, bắc Thăng Long Vân Trì, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành theo kế hoạch.

Về phát triển mạng lưới, Sở Xây dựng, cần bám vào quy hoạch thủ tướng phê duyệt về tổng thể nước cho Hà Nội; Cùng với đó, tiếp tục làm quy hoạch, xây dựng ngay các nhà máy mới, chú trọng phát triển mạng lưới nước để bảo đảm cấp nước cho TP. Ở những vùng chưa cấp được bằng hệ thống, cần triển khai xã hội hóa, cấp nước theo nhóm hộ, thôn, xã theo công nghệ Đức (CHLB Đức) đã được thử nghiệm thành công ở huyện Sóc Sơn. Đồng thời, khẩn trương sơ kết như ở huyện Thạch Thất làm mất 6 tháng, vừa thiết kế vừa thi công. Hỗ trợ giảm lãi xuất với các DN.

Chủ tịch UBND TP đặc biệt, lưu ý các đơn vị về chất lượng nước sạch. Yêu cầu, các nhà máy nước phải thường xuyên cung cấp mẫu xét nghiệm hàng tháng. Chỗ nào để chất lượng nước kém, để nước bẩn phải xử phạt nghiêm. Với những nơi, thường xẩy ra sự cố thiếu nướcc, cần có phương án bổ sung như cấp nước xe téc. Bên cạnh đó, cần các giải pháp tăng cường quản lý, chống thất thoát nước, tình trạng thất thoát nước vẫn còn. “Ở tư nhân chỉ có 8%, nước thất thoát, mà nhà nước vẫn ở mức 21% dù năm nay có giảm 3% so năm ngoái. Cần xem lại”, Chủ tịch TP nhấn mạnh.

Phiên họp cũng xem xét một số nội dung thuộc thẩm quyền để trình kỳ họp HĐND tới xem xét, thông qua. Như xem xét một số phí lệ phí thuộc thẩm quyền HĐND; quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình “xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội... Phần lớn, các đại biểu đồng tình với dự thảo trình bày. Chủ tịch UBND TP yêu cầu, các đơn vị soạn thảo các Tờ trình, Đề án tổng hợp các ý kiến góp ý, để hoàn thiện.