Hà Nội: Người dân đón Tết trong không khí vui tươi, an toàn, tiết kiệm

Trần Long - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 17/2, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, Thường trực Thành ủy đã họp để nghe báo cáo về tình hình TP trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Cùng dự có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy.
 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp
Theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thủ đô đón Tân Sửu năm 2021 trong không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm và mọi người, mọi nhà đều có Tết. Thành phố thực hiện tốt chính sách đối với các gia đình có công, người nghèo, cán bộ hưu trí, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc. Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 được tăng cường. 
Cụ thể, tính đến sáng 9/2/2021 (tức ngày 28 tháng Chạp), TP đã cơ bản hoàn thành việc tặng quà cho các đối tượng. Toàn TP đã trao tặng 1.450.264 suất quà cho các đối tượng chính sách, người có công; người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền hơn 616 tỷ đồng (trong đó, nguồn vận động xã hội hóa là hơn 133 tỷ đồng và chiếm 21,7 % tông kinh phí quà tặng). Do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đến đời sống kinh tế-xã hội nói chung nên số lượng quà tặng năm nay so với Tết Nguyên đán năm trước có giảm nhẹ (giảm khoảng 0,9%) tương đương giảm khoảng 5,6 tỷ đồng với 36,4 nghìn suất quà. Tuy nhiên, kết quả quà tặng toàn TP so với kế hoạch vẫn đạt ở mức cao với tỷ lệ đạt 166,1% kế hoạch.
Bên cạnh đó, tình hình cung cầu hàng hóa ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến, lợi dụng khan hiếm hàng hóa giả tạo để thu lợi bất chính. Thành phố đã chỉ đạo quyết liệt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đảm bảo an toàn thực phẩm, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại đối với các sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng có nhu cầu sử dụng lớn trong dịp Tết.
 Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh phát biểu tại cuộc họp
Công an TP chủ động chủ động triển khai 100% lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với Công an các quận, huyện, thị xã tập trung điều hành, hướng dẫn giao thông tại các nút giao thông trọng điểm; bố trí các tổ tuần tra kiểm soát để xử lý các vi phạm, phòng chống ùn tắc giao thông cục bộ các ngày trước, trong và sau Tết; tăng cường xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc và tai nan giao thông, đặc biệt là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Công tác vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, vận tải hành khách liên tỉnh phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân được thực hiện tốt. 
Kết quả, tai nạn giao thông tiếp tục được giảm 2 tiêu chí về số vụ và số người chết; không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy; không xảy ra đua xe trái phép. Cụ thể, xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 5 người chết, 1 người bị thương (giảm 1 vụ, giảm 1 người chết, bằng người bị thương so với cùng kỳ năm 2020). Các lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý 1.369 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, phạt hành chính 593.745.000 đồng, tạm giữ 93 phương tiện, 92 bộ giấy tờ, tước 29 GPLX.
Trong dịp Tết Nguyên đán, trên địa bàn TP xảy ra 35 vụ phạm tội về trật tự xã hội (giảm 68 vụ = 66% so với các ngày kề trước đó và tăng 5 vụ = 16,6% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020). Điều tra, khám phá 27 vụ, bắt 52 đối tượng phạm tội về trật tự xã hội và điều tra mở rộng 2 vụ trộm cắp tài sản (đạt tỷ lệ 82,8%).
Khách du lịch đến Hà Nội đạt thấp trong tình hình triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong nước và các địa phượng sau khi đợt dịch trong cộng đồng đợt cuối tháng 1/2021. Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội cơ bản không có. Thời tiết nắng ấm cùng với dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, công tác phục vụ Tết được siết chặt, đảm bảo mọi điều kiện trong phòng chống dịch bệnh từ các cơ sở kinh doanh du lịch, Thủ đô Hà Nội tiếp tục thu hút du khách nội địa. Dự kiến, 7 ngày Tết nguyên đán, Hà Nội đón khoảng 122.000 lượt khách (đạt khoảng 50% lượng khách cùng kỳ năm 2020). Từ 0 giờ ngày 16/2/2021, TP đã chỉ đạo thực hiện đóng cửa tất cả các điểm du lịch không thực hiện đón khách.
Bộ Tư lệnh Thủ đô phối hợp UBND quận Hai Bà Trưng và các đơn vị liên quan tích cực làm tốt công tác bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ và TP Hà Nội. Kết thúc bắn bảo đảm an toàn tuyệt đối...

Không chủ quan, lơ lờ trong công tác phòng chống dịch

Liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tính đến 12 giờ ngày 17/2, Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc mới. Lũy tích đợt 4 (từ ngày 27/1/2021 đến nay), toàn TP ghi nhận 35 ca mắc, 0 ca tử vong. Lũy tích từ đầu năm 2020 đến nay, TP có 240 ca mắc, chưa có tử vong. Thành phố đã rà soát lấy mẫu xét nghiệm người về từ các khu vực có dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh tổng số 18.286 người. Kết quả, có 4 trường hợp dương tính (BN1694, BN1814, BN1815, BN1819) và còn lại đều âm tính. Đáng chú ý, tại các địa điểm liên quan đến BN2229 và khách sạn Sommerset WestPoint (quận Tây Hồ), đã lấy 585 mẫu, trong đó có 2 ca dương tính (BN2234, BN2240) và còn lại 583 mẫu âm tính.

Đối với việc cung cầu hàng hoá trong dịp Tết, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Thường trực Thành uỷ, UBND TP đã có nhiều cuộc họp để chỉ đạo công tác đảm bảo mọi mặt để người dân đón Tết vui tươi, phấn khởi, an toàn. Vì vậy, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát những ngày gần Tết nhưng TP đã có những phương án chủ động nên mọi hoạt động của Hà Nội diễn ra bình thường và được người dân đánh giá cao. 

 Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan báo cáo tại cuộc họp

Đối với ngành Công Thương, việc đảm bảo cung ứng hàng hoá cho Nhân dân được triển khai từ trước Tết 3 tháng. Do đó, khi dịch bùng phát ở Hải Dương (vùng cung cấp nông sản, thực phẩm lớn) thì Hà Nội không bị động trong việc cung ứng hàng hoá Tết. Tại các chợ, trung tâm thương mại đều đảm bảo tốt công tác phòng dịch để người dân yên tâm mua sắm. Các đơn vị phân đối đánh giá, thị trường mua sắm của Hà Nội dịp Tết luôn đạt mức tăng trưởng số 1 của cả nước. Tỷ lệ tăng trưởng bình quân đạt 7 - 10% và có những hệ thống đạt đến 27%. Ngay sau Tết, các hệ thống phân phối lại đầy ắp hàng để phục vụ nhu cầu của người dân.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh biểu dương các cấp, ngành của TP đã tổ chức thực hiện việc phục vụ Tết rất chủ động, sáng tạo. Điều này giúp người dân TP đón Tết vui tươi, phấn khởi, an toàn trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại. 

Theo Chủ tịch UBND TP, mặc dù TP đã cơ bản khống chế được dịch nhưng thời gian tới cần tăng cường tuyên truyền để người dân không chủ quan, lơ lờ trong công tác phòng chống dịch. Đồng thời, cả hệ thống chính trị của TP vẫn phải tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội để góp phần hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Khẩn trương bắt tay vào công việc ngay sau nghỉ Tết

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành, đơn vị trong việc tích cực, chủ động chuẩn bị, tổ chức để Nhân dân Thủ đô vui Xuân, đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh, bình yên và đảm bảo mọi người, mọi nhà đều có Tết.

Nổi bật, người dân đánh giá cao công tác tổ chức phục vụ người dân Thủ đô đón Tết; không có trọng án, ngộ độc thực phẩm nhất là ngộ độc rượu; tai nạn giao thông giảm; công tác thông tin, tuyên truyền được tăng cường; tình hình cung cầu hàng hoá ổn định, đa dạng và không có việc đội giá…

Nhấn mạnh tinh thần phải khẩn trương bắt tay vào công việc ngay sau kỳ nghỉ Tết, Bí thư Thành ủy yêu cầu, các ngành, các cấp tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp. Tích cực chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Đảng bộ TP để thông qua 10 chương trình công tác lớn năm 2021 của Thành ủy. 

“UBND TP chỉ đạo các cấp, các ngành bắt tay ngay vào công việc, khắc phục tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm vội vàng”. Tập trung thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cả năm ngay từ những ngày đầu, quý đầu. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ. Rà soát lại các kịch bản tăng trưởng các ngành, nhất du lịch, dịch vụ để có kế hoạch thực hiện” - Bí thư Thành ủy đề nghị. 

Hà Nội: Người dân đón Tết trong không khí vui tươi, an toàn, tiết kiệm - Ảnh 4
 Quang cảnh cuộc họp
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo T.Ư, TP về công tác phòng chống dịch Covid-19 và đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Ưu tiên cả nguồn lực về kinh phí, thời gian để Hà Nội khống chế dịch và đảm bảo an toàn cho người dân. Sớm có kết quả nguồn lây và giải mã gen của BN2229 để có thể nới lỏng các điều kiện chống dịch trên địa bàn TP trên nguyên tắc không đánh đổi việc phòng chống dịch để phát triển kinh tế - xã hội.

“Cần có kế hoạch hoạt động sau nghỉ Tết để đảm bảo tất cả các ban chỉ đạo từ TP đến cơ sở vận hành thông suốt, đối phó kịp thời mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Trong công tác chỉ đạo, kết luận phải rõ ràng, cụ thể, thống nhất để kiểm soát, xử lý vi phạm. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, kể cả ở những địa bàn chưa có ca nào dương tính với Covid-19” - Bí thư Thành ủy yêu cầu.

Đồng thời yêu cầu, tiếp tục tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các nơi đông người như nhà ga, bến tàu. Quản lý tốt vấn đề nhân khẩu, hộ khẩu, xuất nhập cảnh, người nước ngoài cư trú trên địa bàn. Kiểm soát chặt tại các khu công nghiệp khi công nhân trở lại làm việc trên tinh thần “không ngăn sông cấm chợ nhưng phải đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch”…

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, Thường trực Thành uỷ đồng ý chủ trương giao Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo các Sở Y tế, Sở Công Thương có gói hỗ trợ kịp thời cho tỉnh Hải Dương. Trước mắt, kết nối cung cầu để tiêu thụ tối đa sản phẩm nông sản tồn đọng; hỗ trợ trong việc vật tư xét nghiệm. Đặc biệt, nhất trí về việc hỗ trợ, tăng cường kinh phí về phòng chống dịch trên địa bàn TP. 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần