Nguyên nhân sự khác biệt chất lượng không khí các ngày trong tuần qua

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tuần qua tại Hà Nội, khoảng thời gian có chất lượng không khí tốt tập trung vào các ngày giữa tuần. Trong khi đó, những ngày đầu và cuối tuần chỉ số đo chất lượng không khí tăng cao, cá biệt nhiều khu vực ở mức kém.

Theo thống kê tổng hợp chỉ số chất lượng không khí (AQI) tuần từ ngày 14/10/2018 đến ngày 20/10/2018 trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, chất lượng không khí đều có sự chênh lệch rõ rệt giữa các ngày trong tuần; tuy nhiên, so với tuần trước đó chất lượng không khí tuần này đã được cải thiện hơn.
Cụ thể, số ngày AQI đạt mức tốt tại các điểm quan trắc có xu hướng tăng nhẹ, số ngày AQI chạm ngưỡng kém tại các trạm quan trắc giao thông giảm (55.6%), nhưng nhìn chung, chất lượng không khí ở phần lớn các điểm vẫn duy trì ở mức trung bình. Theo ghi nhận, Tân Mai là khu vực có chất lượng không khí tốt nhất tuần này.
Chỉ số chất lượng không khí trong tuần từ ngày 14/10 đến 20/10 dao động trong khoảng 36 - 154. Trong đó, các trạm nền đô thị AQI dao động trong khoảng 36 - 74, các trạm quan trắc giao thông AQI dao động trong khoảng 40 - 154.
Tại các điểm quan trắc không khí nền đô thị như Trung Yên 3, Kim Liên, Mỹ Đình, Tân Mai và Tây Mỗ, trong tuần này chất lượng không khí vẫn duy trì ở mức trung bình; số ngày AQI đạt mức tốt tăng. Cụ thể, Tân Mai là trạm có số ngày AQI đạt mức tốt cao nhất chiếm 57.1%, tiếp theo là các trạm: Kim Liên và Mỹ Đình (42.9%), Trung Yên 3 (28.6%), trạm cận đô thị Tây Mỗ (14.3%).
AQI là chỉ số được tính toán từ các thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí, nhằm cho biết tình trạng chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, được biểu diễn qua một thang điểm.

Theo Quyết định 878/QĐ-TCMT ngày 01/07/2011 của Tổng cục Môi trường, AQI tính toán dựa trên các thông số quan trắc là SO2, NO2, CO, PM10, PM2.5, O3. Trong đó sử dụng giá trị lớn nhất ứng với chỉ số chất lượng không khí của điểm quan trắc trong 24h làm chỉ số báo cáo.
Tại 2 điểm quan trắc giao thông tại UBND phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông, trong tuần này chất lượng không khí đã được cải thiện, số ngày AQI ở mức kém lần lượt giảm còn 28.6% và 14.3%. Diễn biến cụ thể như sau, vào ngày 14/10 chỉ số chất lượng không khí vẫn duy trì ở mức khá cao và chạm ngưỡng kém. Tuy nhiên, từ ngày 15/10 chỉ số chất lượng không khí tại cả hai trạm giảm mạnh (trạm Minh Khai: từ 154 giảm còn 88, trạm Phạm Văn Đồng: 129 còn 79), nhưng đến ngày 19/10 chỉ số chất lượng không khí lại có xu hướng tăng và ngày 20/10 AQI tại trạm quan trắc Minh Khai tăng lên 116, chạm ngưỡng kém. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm này lần lượt là 154 và 129.
Tại các điểm quan trắc giao thông nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công, theo ghi nhận trong tuần này chất lượng không khí không có sự biến động nhiều so với tuần trước đó. Cụ thể, tại trạm Hàng Đậu vẫn còn một ngày AQI chạm ngưỡng kém, chiếm 14.3% còn lại ở mức trung bình; cả 2 trạm Hoàn Kiếm và Thành Công có số ngày AQI đạt mức tốt chiếm là 28.6% còn lại ở mức trung bình.
Từ bảng thống kê chỉ số chất lượng không khí tuần này tại các điểm quan trắc cho thấy sự chênh lệch AQI khá rõ rệt giữa các ngày trong tuần. Nguyên nhân do ngày 14/10 thời tiết vẫn hơi hanh khô, âm u, không có mưa, các khí thải khói bụi không phát tán được lên cao để pha loãng và phát thải mà bị giữ lại tại bề mặt đô thị khiến chỉ số không khí trong tuần luôn ở mức khá cao.
Nhưng từ sáng ngày 15/10 thời tiết có sự thay đổi nắng to, gió nhẹ, đến chiều cùng ngày do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, trên toàn TP xuất hiện mưa vừa rải rác làm cho bề mặt đô thị sạch hơn giúp cho không khí xung quanh ở gần mặt đất chứa ít các chất gây hại tới sức khỏe con người; đồng thời gió mùa đã làm tăng cường sự đối lưu không khí tạo điều kiện thuận lợi để các chất thải, khói, bụi khuếch tán lên các tầng khí quyển cao hơn khiến chất lượng được cải thiện rõ rệt.
Tuy nhiên, từ chiều ngày 18/10 thời tiết không còn mưa, âm u đã khiến chỉ số chất lượng không khí tại tất cả các điểm quan trắc đều tăng.
Có thể thấy, chất lượng không khí biến động theo diễn biến thời tiết. Ngoài lượng chất gây ô nhiễm phát thải vào khí quyển, nồng độ các chất trong môi trường không khí xung quanh cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi điều kiện khí tượng.