Hà Nội - Nhật Bản: Rộng mở cơ hội hợp tác đầu tư

Bài, ảnh: Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN Nhật Bản đầu tư vào Hà Nội có hiệu quả..

Đây là khẳng định của Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại hội nghị “Trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản” do UBND TP Hà Nội phối hợp với VCCI, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức ngày 23/3.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại diễn đàn.
Nhiều dự án được triển khai

Số liệu của Sở KH&ĐT Hà Nội cho thấy, Nhật Bản hiện là quốc gia hàng đầu trong đầu tư trực tiếp và hỗ trợ ODA với 32 dự án và tổng vốn đã cam kết gần 3 tỷ USD (chiếm 58,8% giá trị vốn ODA cam kết cho Hà Nội) và là quốc gia đứng thứ 2 về số lượng dự án và tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội... Các dự án từ nguồn vốn của Nhật Bản đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô như: tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, cầu Nhật Tân, cảng hàng không quốc tế Nội Bài, các khu công nghiệp... Bên cạnh đó, các DN Nhật Bản đã đầu tư hơn 950 dự án với tổng mức vốn trên 5,4 tỷ USD, đã và đang hoạt động sản xuất kinh doanh thành công trên địa bàn Hà Nội. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt trên 4 tỷ USD.
Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chứng kiến ký kết các biên bản hợp tác giữa DN Nhật Bản với HPA.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Hội nghị “Trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư, du lịch giữa Hà Nội và Nhật Bản” đã trở thành hội nghị thường niên, qua đó đã có 226 dự án được cấp mới cho các nhà đầu tư, DN Nhật Bản tại Hà Nội với tổng số vốn đăng ký 981 triệu USD. Các hợp tác ghi nhớ đã trở thành hiện thực như: Dự án xây dựng Trung tâm thương mại Aeon tại Hà Đông được khởi công chỉ trong 9 tháng sau khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư; Dự án TP thông minh trên trục đường Nhật Tân - Nội Bài của Tập đoàn Sumitomo; Dự án của Tập đoàn Nidec tại Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc sẽ hoàn thiện các thủ tục đầu tư trong thời gian tới. Thông qua kết quả hoạt động đầu tư, thương mại, du lịch thời gian qua và kế hoạch hợp tác, phát triển thời gian tới, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư quan trọng, hàng đầu tại TP Hà Nội.

"TP Hà Nội hứa hẹn sẽ là địa điểm đầu tư, kinh doanh, du lịch hấp dẫn, thành công cho các DN Nhật Bản. Các bên sẽ hợp tác, chia sẻ lợi ích với những yêu cầu, đòi hỏi chặt chẽ và niềm tin cùng hướng về tương lai. Về phần mình, chính quyền TP cam kết tạo những điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các nhà đầu tư và DN." - Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Nguyễn Đức Chung


"TP Hà Nội tiếp tục ưu tiên và kêu gọi đầu tư qua các hình thức FDI, PPP, xã hội hóa… cho các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, năng lượng sạch, dịch vụ đạt chuẩn quốc tế trong các lĩnh vực xây dựng và phát triển các khu đô thị vệ tinh; hệ thống đường giao thông kết nối nhanh, lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi, hệ thống trục đường hướng tâm; các dự án y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc tế; các dự án kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường; khách sạn, cơ sở lưu trú phục vụ du lịch… Về du lịch, thường xuyên trao đổi, liên kết trong việc phối hợp tổ chức các đoàn FAMTRIP, PRESSTRIP giữa Nhật Bản và TP Hà Nội." - Phó Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Ngô Văn Quý


"Năm nay là năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Năm vừa qua đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong mối quan hệ Nhật - Việt, thể hiện qua những chuyến thăm thường xuyên của lãnh đạo cấp cao hai nước. Thông qua hội nghị lần này, tôi hy vọng quan hệ hợp tác giữa DN Việt Nam và những DN Nhật Bản có kỹ thuật tiên tiến cùng bí quyết công nghệ sẽ được thúc đẩy, đất nước Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng ngày càng phát triển. " - Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản Ijma Isao

Khi nói về sức hút đầu tư vào Hà Nội đối với DN Nhật Bản, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio nêu rõ: Trong thời gian qua, số lượng các DN Nhật Bản là thành viên của Hiệp hội DN Nhật Bản tại Hà Nội đã tăng khoảng 26% (183 DN) so với 5 năm trước đây và hiện tại là 696 DN. Các dự án đầu tư không tập trung vào một lĩnh vực nhất định mà trải rộng nhiều lĩnh vực khác nhau. “Hiện các nhà đầu tư Nhật Bản cũng nhìn thấy được sức hấp dẫn của Việt Nam như là một thị trường tiềm năng với sức mua của người tiêu dùng đang ngày càng tăng. Do đó, đầu tư của các DN Nhật Bản vào lĩnh vực dịch vụ cũng đang gia tăng nhanh chóng” - ông Umeda Kunio khẳng định.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nhật đầu tư

Giới thiệu những cơ hội đầu tư tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết: TP Hà Nội có nhiều thuận lợi và tiềm năng để phát triển đầu tư thương mại và du lịch với bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến, với gần 6.000 di tích lịch sử. Bên cạnh đó, Hà Nội có khoảng 1.300 làng có nghề; trên 100 trường đại học, cao đẳng, gần 300 cơ sở dạy nghề; có nguồn nhân lực với số lượng lao động trẻ ở độ tuổi vàng (chiếm trên 60% lực lượng lao động) và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 60%, cao nhất trong cả nước. Một điểm thuận lợi quan trọng là Hà Nội có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và phát triển; là đầu mối giao thông, trung tâm kinh tế của miền Bắc và là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp 16% tổng sản phẩm, khoảng 20% thu ngân sách, tổng vốn đầu tư của cả nước. Hà Nội nằm trong Top 10 TP tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, thuộc top đầu điểm đến dẫn đầu xu thế du lịch 2017...

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, chính quyền TP đặc biệt quan tâm đến hoạt động thu hút đầu tư và cam kết tiên phong về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đồng hành cùng DN. Xác định rõ lấy người dân và DN là trung tâm để phục vụ, lãnh đạo TP luôn sẵn sàng tiếp đón và trả lời yêu cầu của các DN, các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư. TP chỉ đạo quyết liệt về xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm thời gian, chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ cho DN. Đến nay, thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh giảm 30%, lĩnh vực đầu tư giảm 40 - 50%, lĩnh vực quy hoạch, đất đai giảm 30 - 50%… Những nỗ lực cải cách hành chính của TP Hà Nội đã được cộng đồng DN trong nước và quốc tế ghi nhận thông qua Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội tăng liên tiếp trong 5 năm qua, xếp thứ 13/63 tỉnh thành; Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 3/63 tỉnh, thành. Hà Nội xếp thứ 2 cả nước về mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông. Theo đánh giá của VCCI, Hà Nội là một trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước được các DN đầu tư nước ngoài ưu tiên lựa chọn.

Trả lời câu hỏi của các nhà đầu tư Nhật Bản, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Hà Nội khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào khu vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, công viên có ứng dụng công nghệ thực tế ảo phục vụ cho người dân Thủ đô. Mới đây, Tập đoàn Hello Kitty và BRG hợp tác xây dựng khu vui chơi giải trí đáp ứng phần nào nhu cầu vui chơi của người dân Hà Nội và du khách. Về đầu tư khu nghỉ dưỡng, hiện Hà Nội có suối khoáng nóng tại Thuần Mỹ (Ba Vì) nhưng hiện nay chủ yếu do tư nhân, hộ gia đình đầu tư nhỏ lẻ. Khu vực này chưa có nhà đầu tư lớn nên chưa hấp dẫn du khách. Nếu nhà đầu tư Nhật Bản có nguyện vọng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội sẽ liên hệ để giới thiệu các dự án Hà Nội có nhu cầu kêu gọi đầu tư.