Hà Nội: Phá dỡ hơn 300m tường gốm sứ là việc bất khả kháng

Ngọc Hải thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến việc phá dỡ hơn 300m tường gốm sứ trên đường Nghi Tàm (Tây Hồ), Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường. Ông Cường khẳng định: “Việc phá dỡ hơn 300m con đường gốm sứ ở Nghi Tàm là bất khả kháng”.

 Phó Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường
Xin ông cho biết, vì sao phải phá dỡ một phần bức tường gốm sứ và đoạn phá dỡ dài bao nhiêu?
- Đây là một phần của Dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - Thanh Niên và mở rộng đường đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân. Giai đoạn 1, cầu vượt đã được xây dựng xong, một phần tuyến đường đã được mở rộng bằng cách thay thế đê đất cũ bằng tường chắn bê tông cốt thép.
Giai đoạn 2, dự án sẽ tiếp tục mở rộng đường từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật Tân (chiều dài 3,7km). Trong đó, có đoạn mở rộng, đồng bộ tuyến đường Nghi Tàm - Âu Cơ; hạ độ cao đường Âu Cơ hiện trạng để thay thế một phần kết cấu đê đất bằng tường bê tông cốt thép (phía ngoài đê), kết hợp với mở rộng mặt đường đê, cải tạo và chỉnh trang hệ thống đường gom dân sinh. Để mở rộng được mặt đường, buộc phải phá dỡ một phần bức tường gốm sứ; đoạn phá dỡ cũng chỉ dài hơn 300m.
Theo ông, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, có phát huy hiệu quả như mong muốn không?
- Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng giai đoạn 1 của Dự án, đoạn từ nút giao Yên Phụ - nút giao khách sạn Thắng Lợi trong tháng 10/2018, đã phát huy hiệu quả rất rõ rệt, giải quyết tình trạng UTGT và tai nạn giao thông trên tuyến. Tạo được tuyến phố khang trang sạch đẹp, đồng thời củng cố gia cường khả năng chống lũ tuyến đê Nghi Tàm. Chính từ hiệu quả thiết thực đó, UBND TP Hà Nội mới có cơ sở để tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 như hiện nay.
Công trường giai đoạn 2 của dự án. Ảnh: Ngọc Hải
Việc phá dỡ một đoạn bức tường gốm sứ có được thẩm định và phê duyệt đầy đủ không, thưa ông?
- Vấn đề này, Ban QLDA đã họp và lấy ý kiến các sở, ngành liên quan đầy đủ, xem xét kỹ lưỡng trong quá trình thẩm định, được cơ quan chức năng phê duyệt phương án. Mặt khác, mặc dù chúng tôi đã nghiên cứu nhiều phương án nhưng vẫn phải phá thay thế một đoạn đê gốm sứ, vấn đề này là bất khả kháng.
Ban QLDA cũng đã báo cáo và UBND TP Hà Nội đã có chủ trương, sau khi hoàn thành xây dựng xong tường chắn đê bê tông cốt thép sẽ có kế hoạch gắn tranh gốm sứ lên mặt tường chắn mới, có tiết diện lớn hơn hẳn. Do đó, đoạn tường cũ phải phá dỡ sẽ được thay thế, nhằm duy trì và phát triển con đường gốm sứ ngày càng đẹp hơn, xứng đáng là một biểu tượng, là nét đẹp văn hóa độc đáo của Hà Nội.
Xin ông cho biết thêm một số thông tin về giai đoạn 2 của Dự án?
- Giai đoạn 2 được đầu tư nhằm hoàn chỉnh trục giao thông quan trọng kết nối Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài về trung tâm chính trị Ba Đình và trung tâm TP, kết nối giao thông phía hữu sông Hồng giữa các cầu: Nhật Tân, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì. Việc thi công được chia làm 4 đoạn. Cụ thể, đoạn 1 từ Khách sạn Thắng Lợi đến lối vào đường Xuân Diệu có chiều dài 341,59m. Đoạn 2, từ lối vào đường Xuân Diệu đến ngõ 123 Âu Cơ, chiều dài 215m. Đoạn 4 từ nút giao Lạc Long Quân đến nút giao cầu Nhật Tân có chiều dài 643m. Dự kiến, 3 đoạn tuyến nêu trên sẽ hoàn tất vào cuối năm nay. Riêng đoạn 3 có chiều dài khoảng 2,5km hiện đang rà soát, nghiên cứu phương án, giải pháp thi công đáp ứng yêu cầu phòng, chống lũ theo kiến nghị của Bộ NN&PTNT. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thiện vào quý I/2021.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần