Hà Nội phải đi đầu cả nước trong phát triển khoa học và công nghệ

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hà Nội - với vai trò là địa phương có nhiều tiềm năng, là Thủ đô của cả nước, phải đi đầu cả nước về nghiên cứu KH&CN”, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng nhấn mạnh trong buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban KHCN&MT với UBND TP Hà Nội.

Chiều 23/4, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường (KHCN&MT) Quốc hội do đồng chí Phan Xuân Dũng - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TP về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN). Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý thay mặt UBND TP làm việc với đoàn.
Toàn cảnh hội nghị.
Tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội Phùng Đức Tiến đánh giá, sau khi đi khảo sát 2 DN, Hà Nội có cách làm mà cả nước phải học tập khi đã ươm tạo thành công các DN KHCN. Hà Nội cũng tận dụng tốt nguồn lực các trường đại học, viện nghiên cứu; ban hành nhiều văn bản, chính sách cụ thể...

Theo Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Lê Ngọc Anh, chiến lược phát triển KH&CN của TP Hà Nội đến năm 2020 đã chỉ ra hướng phát triển là tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp tập trung vào những khâu có giá trị tăng cao như: Giống cây trồng, giống vật nuôi; canh tác, nuôi trồng, chế biến, bảo quản sau thu hoạch ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm sạch, năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

TP đã tích cực triển khai các nội dung hướng dẫn thực hiện Luật KH&CN năm 2013 với mục tiêu: Phát triển đồng bộ khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và công nghệ; đưa KH&CN thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đến năm 2020, Hà Nội là trung tâm phát triển công nghệ cao với tiềm lực KH&CN, năng lực nghiên cứu, phát minh, sáng chế, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và có uy tín trong khu vực.

Đáng chú ý, TP đã ban hành và thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ cho các DN đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển và đổi mới công nghệ. Để khuyến khích, hỗ trợ các DN, nhất là DN vừa và nhỏ đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ, thời gian qua, TP đã triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách cụ thể như: Hỗ trợ triển khai áp dụng chương trình các hệ thống quản lý chất lượng; Chương trình hỗ trợ DN đổi mới công nghệ; Hỗ trợ DN công nghiệp phụ trợ;…

Bên cạnh đó, để hỗ trợ ươm tạo DN KH&CN, từ năm 2012 - 2017, TP đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt cho hơn 11 DN và 1 hợp tác xã tham gia 15 dự án thuộc các chương trình quốc gia; hỗ trợ các DN thương mại hóa sản phẩm, giới thiệu các DN KH&CN tham gia các giải thưởng có uy tín…

Ngoài ra, TP đã phối hợp với Bộ KH&CN và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh mẽ DN khởi nghiệp sáng tạo. Xây dựng, thúc đẩy các hoạt động ứng dụng, nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội nghị.
Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đảm bảo tính đồng bộ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc Hội Lê Quang Huy cho rằng, thời gian qua, Hà Nội đã thực hiện tốt các văn bản pháp luật về khoa học kỹ thuật, công tác xã hội hóa tốt; phát triển các DN KHCN. Tuy nhiên hiệu quả ứng dụng KHCN vào phát triển kinh tế - xã hội chưa cao.

“Khó khăn nhất là cơ chế đầu tư tài chính gắn với thực thi các đầu tư về khoa học công nghệ, vẫn còn nặng về hành chính và nặng về tiểu tiết, không đốc thúc sự phát triển, đánh giá hiệu quả không đạt được. Nguyên nhân là do các văn bản hướng dẫn chậm ban hành, không thống nhất, còn chồng chéo, quy trình thủ tục còn phức tạp”, ông Lê Quang Huy chỉ rõ.

Nhằm phát huy vai trò của KH&CN trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, TP đã đưa ra một số đề xuất kiến nghị với Quốc hội chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định tại các Luật có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, quản lý tài sản công, thuế để đảm bảo tính đồng bộ với Luật KH&CN…

TP kiến nghị với Chính phủ nghiên cứu và ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành nhằm cụ thể hóa các quy định Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công năm 2017 để sớm triển khai thực hiện trên thực tế; kiên quyết sáp nhập hoặc giải thể những tổ chức hoạt động không hiệu quả, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải…

TP kiến nghị với Bộ KH&CN hỗ trợ, tạo điều kiện tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực KH&CN ở trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại hội nghị.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý, các đề tài nghiên cứu khoa học của TP mặc dù đã và đang được triển khai mạnh mẽ nhưng tính ứng dụng chưa cao, cơ chế thu hút DN bỏ tiền nghiên cứu chưa hấp dẫn, thị trường KHCN chưa phát triển, chưa phát huy được lợi thế của Hà Nội trên cơ sở đã có nhiều trường, viện nghiên cứu KHCN, chưa huy động được “chất xám” trên địa bàn.

“Chủ yếu là các đề tài, nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tế còn hạn chế”, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý chỉ rõ. Vì thế, liên quan một số kiến nghị, TP đề nghị các Bộ hoàn thiện các nghị định hướng dẫn, có cơ chế hợp tác giữa DN và nhà nước trong nghiên cứu khoa học; tạo cơ chế tài chính đề nghiệm thu đề tài khoa học.

Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng đánh giá cao các hoạt động KHCN trên địa bàn TP. Trên cơ sở hệ thống pháp luật của Quốc Hội, TP đã kịp thời ban hành các hệ thống văn bản và chỉ đạo trực tiếp để điều chỉnh hoạt động KHCN của TP, tạo ra các sản phẩm khoa học mang dấu ấn của Thủ đô. Dù thế, ông Phan Xuân Dũng mong muốn, Hà Nội - với vai trò là địa phương có nhiều tiềm năng, là Thủ đô của cả nước, phải đi đầu cả nước về nghiên cứu KH&CN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần