Hà Nội: Phấn đấu xây dựng cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - phát triển đô thị

Linh Nguyễn - Trần Long (ảnh: Thanh Hải)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 11/3, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII tiếp tục xem xét các Chương trình công tác toàn khóa. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông đã trình bày Dự thảo Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025”.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông, mục tiêu được đặt ra tại Chương trình này là nhằm cụ thể hóa, thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ TP: Trong giai đoạn 2021-2025, TP tập trung thực hiện tốt mục tiêu tổng quát đến năm 2025 phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; đến năm 2030 Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; đến năm 2045 Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững, là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.
 Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông trình bày Dự thảo Chương trình số 05-CTr/TU tại hội nghị
Về các chỉ tiêu chủ yếu phấn đấu đạt được đến hết năm 2025, trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, TP phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt 60-62%; các tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch phân khu đô thị, hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện và hoàn thành phê duyệt hoặc điều chỉnh các quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch chi tiết điểm dân cư nông thôn đều đạt 100%. Đồng thời, sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - phát triển đô thị.
Trong quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phấn đấu các tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, nông thôn đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; chất thải nguy hại được xử lý; chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề có trạm xử lý nước thải đều đạt 100%. Đồng thời, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 50-55%.

Về phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu, phấn đấu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê tương ứng mực nước lũ thiết kế trên sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Đáy…; đảm bảo thoát nước khu vực nội thành nhanh về các nguồn tiêu với trận mưa có cường độ dưới 100mm/2h (đối với hệ thống cống) và dưới 310mm/2 ngày (đối với toàn bộ hệ thống) để có giải pháp tiêu thoát kịp thời tại khu vực nội thành. Cùng đó, triển khai chống úng thắng lợi cho khu vực ngoại thành khi có mưa dưới 300mm/3 ngày vào giữa vụ, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi ở mức thiết kế; kiềm chế số vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra, trong đó số vụ cháy lớn, cháy nghiêm trọng, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng không quá 3% tổng số vụ cháy.
Để triển khai thực hiện tốt Chương trình này, Thành ủy Hà Nội đã xác định 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhóm giải pháp chủ yếu. Theo lộ trình tổ chức thực hiện, trong quý I/2021 sẽ triển khai phổ biến, quán triệt nội dung Chương trình tới các cấp, ngành và nghiên cứu xây dựng, hoàn chỉnh cơ bản các đề án, kế hoạch công tác của Chương trình. Từ quý II/2021 đến quý IV/2023 tổ chức triển khai, thực hiện các đề án, kế hoạch công tác; báo cáo đánh giá rà soát sơ kết 3 năm thực hiện và điều chỉnh bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thành tốt mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình. Từ quý I/2024 đến quý IV/2025 sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đánh giá và rút kinh nghiệm việc thực hiện Chương trình, định hướng cho giai đoạn tiếp theo. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần