Hà Nội phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2018

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Tháng hành động An toàn, vệ sinh lao động có ý nghĩa quan trọng, là điểm nhấn để nhắc nhở các cấp, ngành, đoàn thể tăng cường quản lý, tổ chức chỉ đạo, kiểm tra giám sát công tác ATVSLĐ” – Trưởng ban tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh.

Sáng nay 5/5, tại Cụm công nghiệp Ninh hiệp (xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm), UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2018 với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”.
 Trưởng ban tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ TP Hà Nội Ngô Văn Quý trao tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho 9 tập thể làm tốt công tác ATVSLĐ.
Đến dự có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý – Trưởng ban tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ TP Hà Nội; Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà; Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành – Phó Trưởng ban tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ TP Hà Nội; cùng đại diện các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể và 1.200 công nhân lao động.

Phát biểu tại Lễ phát động, Trưởng ban tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, đảm bảo điều kiện và môi trường lao động lành mạnh là một trong những yêu cầu quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh góp phần đảm bảo an toàn trong lao động. Cũng như giảm và ngăn ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN). Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, các cấp chính quyền, tổ chức công đoàn, cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn TP đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ để nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa, khắc phục nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
 Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà trao tặng Bằng khen của UBND TP Hà Nội cho 8 cá nhân làm tốt công tác ATVSLĐ.
Từ sự chuyển biến về ý thức, nhận thức đến những hành động cụ thể, thiết thực, TNLĐ, BNN, đặc biệt là trong một số lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ rủi ro cao được kiềm chế và giảm dần cả về số vụ TNLĐ nghiêm trọng và số người chết.

Các hoạt động huấn luyện, kiểm định, đo kiểm môi trường lao động và khám sức khỏe định kỳ, khám BNN cho người lao động được chủ sử dụng lao động quan tâm, tổ chức ngày một tốt hơn.

Vì thế, năm 2017, trên địa bàn TP đã xảy ra 254 vụ TNLĐ làm 269 người lao động bị thương vong (nạn nhân thuộc đối tượng có giao kết hợp đồng lao động). Trong đó, có 29 vụ TNLĐ nghiêm trọng làm 31 người chết và 4 người bị thương nặng; 112 vụ TNLĐ (nạn nhân là đối tượng không theo hợp đồng lao động) làm 8 người chết và 9 người bị thương nặng. So với năm 2016, năm 2017 tổng số vụ TNLĐ tăng 149 vụ nhưng số vụ TNLĐ chết người giảm 12 vụ, giảm 12 người chết vì TNLĐ.
Các lực lượng tham gia lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018.
Trước thực tế các vụ TNLĐ gây hậu quả nghiêm trọng chết người, thiệt hại lớn về tài sản vẫn còn xảy ra; cũng như để công tác ATVSLĐ được quan tâm duy trì thường xuyên, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNLĐ về người và tài sản, Trưởng ban Tổ chức Ngô Văn Quý phát động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ TP Hà Nội năm 2018 với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”, gồm 6 nội dung.

Thứ nhất, tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa nội dng của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018; các quy định của Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, TP về ATVSLĐ.

Thứ hai, phát động phong trào thi đua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động đảm bảo ATVSLĐ.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền ATVSLĐ; lồng ghép các chương trình chuyên đề, sự kiện nổi bật.
 
Thứ tư, tăng cường xây dựng văn hóa an toàn lao động và các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, BNN tại nơi làm việc. Tập trung đẩy mạnh các hoạt động huấn luyện ATVSLĐ; kiểm định các máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; đo kiểm tra môi trường lao động; khám và chăm sóc sức khỏe định kỳ cho người lao động.

Thứ năm, các cấp, ngành, tổ chức tích cực triển khai công tác ATVSLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động. Người lao động cần chủ động, tích cực, tự giác thực hiện các quy định, biện pháp phòng ngừa TNLĐ, BNNN.

Cuối cùng, tăng cường công tác quản lý nhà nước; hoạt động thanh tra, kiểm tra và an toàn lao động, đặc biệt trong các ngành có nguy cơ cao. DN vừa và nhỏ, làng nghề. Kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời và công khai các DN, cá nhân vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng…