Hà Nội phát triển bảo hiểm y tế hộ gia đình, tác động tích cực đến người dân

Thảo Nguyên - Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình không những đề phòng rủi ro bệnh tật, mà còn được giảm mức đóng. Vận động người dân tham gia BHYT, nhất là đối tượng tham gia theo hộ gia đình, là việc làm thường xuyên của BHXH Hà Nội, nhằm tăng tỷ lệ bao phủ người có thẻ BHYT.

May mắn vì có thẻ BHYT
Gia đình chị Nguyễn Thị Lan ở Thanh Trì (Hà Nội) là lao động tự do, thu nhập không ổn định. Gia đình anh có 4 khẩu, gồm 2 vợ chồng và 2 con trai, 2 con trai anh Cường tham gia BHYT học sinh và BHYT trẻ em dưới 6 tuổi. Năm 2018, qua những cuộc tuyên truyền của ngành bảo hiểm huyện Thanh Trì và cũng từng chứng kiến nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi có người bị bệnh nặng mà không có thẻ bảo hiểm y tế nên chị  đã thuyết phục chồng cùng tham gia BHYT. “Cả 2 vợ chồng tham gia mua thẻ BHYT hết hơn 1 triệu đồng. Không ai mong muốn ốm đau, bệnh tật hay gặp rủi ro nhưng nếu chẳng may phải vào viện thì cũng có tấm thẻ BHYT để giảm bớt gánh nặng về kinh tế” - chị Lan chia sẻ.
Trong câu chuyện của mình, anh Trương Văn Tuấn (Lĩnh Nam) nhắc đi nhắc lại: “Thực sự tôi thấy may mắn khi có BHYT. Anh cho biết, từ khi có chính sách mua thẻ BHYT tự nguyện theo hộ gia đình, 2 vợ chồng anh cùng tham gia. Vợ anh bị tuyến giáp phải điều trị thường xuyên tốn khá nhiều chi phí. Còn anh, cách đây 4 tháng, bỗng dưng bị đột quỵ phải nằm viện cả tháng trời, chi phí lên tới cả trăm triệu. “Nếu không có BHYT thì kinh tế gia đình không trụ được lâu. Có thẻ BHYT rồi chúng tôi cũng yên tâm hơn khi lỡ có ốm, đau bệnh tật”, - anh Tuấn khẳng định.
 
Cũng như anh Tuấn, có nhiều trường hợp đã được BHYT chi trả số tiền lớn. Như trường hợp của anh Nguyễn Xuân Cường, (ở Cát Linh, Hà Nội), qua động viên từ gia đình, bạn bè đầu năm 2018, anh đến UBND phường mua thẻ BHYT. Vừa qua, anh mắc phải căn bệnh “ung thư vòm họng”, điều trị tại Viện U Bướu, Hà Nội, anh Cường được BHYT chi trả số tiền cho một đợt điều trị hàng chục triệu đồng. Vợ anh Cường cho hay, may nhờ có BHYT, gia đình đã bớt đi gánh nặng trong quá trình chữa trị của người chồng.
Nhiều lợi ích khi tham gia BHYT hộ gia đình
Tham gia BHYT theo hộ gia đình không những đề phòng rủi ro bệnh tật, mà còn được giảm mức đóng. Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định mức và thời hạn đóng bảo hiểm y tế theo diện hộ gia đình, thành viên thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ 2, thứ 3, thứ 4 mức đóng giảm lần lượt bằng 70%, 60%, 50% của người thứ nhất. Từ thành viên thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Cụ thể, hiện nay, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng, mức đóng BHYT theo hộ gia đình 2019 là: Người thứ nhất đóng 4,5% mức lương cơ sở, tức 750.600 đồng/năm; tương đương 67.050 đồng/tháng. Người thứ 2 đóng 563.220 đồng/năm; 46.935 đồng/tháng. Người thứ 3 đóng 482.760 đồng/năm; 40.230 đồng/tháng. Người thứ 4 đóng 402.300 đồng/năm; 33.525 đồng/tháng. Người thứ 5 trở đi đóng 321.840 đồng/năm, tương đương mức đóng theo tháng là 26.820 đồng.
So sánh với việc tham gia BHYT cho từng cá nhân đơn lẻ, có thể thấy rõ lợi ích kinh tế của người đóng phí BHYT khi tham gia BHYT theo hộ gia đình. Nếu gia đình càng có nhiều thành viên cùng tham gia BHYT theo hộ gia đình thì chi phí mua thẻ càng giảm.
Từ ngày 1/1/2015, quy định về nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình được xem là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu BHYT toàn dân. Để hoàn thành nhiệm vụ bao phủ BHYT theo đúng lộ trình kế hoạch được giao, thời gian qua, BHXH Hà Nội tích cực triển khai nhiều giải pháp phát triển loại hình bảo hiểm này với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền địa phương.
Trong đó, tập trung tham mưu cho các sở, ngành, địa phương phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia BHYT; thường xuyên phối hợp với Bưu điện mở rộng hệ thống đại lý.. Song song với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT, việc nâng cao trình độ nghiệp vụ cho CBCCVC để thực hiện tốt các chế độ chính sách; cải cách hành chính công… cũng là “điểm sáng” của BHXH Hà Nội. Tăng cường kiểm tra, giám sát các đại lý thu, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh.
Theo Điều 22 của Luật BHYT năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2012 và hướng dẫn của Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức hưởng của người tham gia BHYT theo hộ gia đình là 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nếu đi khám, chữa bệnh đúng tuyến. Trường hợp khám, chữa bệnh vượt tuyến, người bệnh được thanh toán 40% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 60% nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% nếu khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần