Hà Nội phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Tiềm năng rộng mở

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hà Nội là nơi hội tụ các điều kiện kinh tế - xã hội đầy đủ nhất cả nước để phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Nếu chần chừ, Hà Nội sẽ bị tụt hậu” - GS.TS Lê Huy Hàm - Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp đã nói như vậy về tiềm năng phát triển nông nghiệp CNC của Hà Nội.

Những bước đi đầu
Phát triển nông nghiệp CNC là xu thế tất yếu trong bối cảnh diện tích đất canh tác giảm dần và điều kiện thời tiết, khí hậu ngày càng khắc nghiệt, cực đoan. Đồng thời, đây cũng là giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nông sản và giá trị sản xuất nông nghiệp. Do đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC là một trong những vấn đề được TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo suốt thời gian qua, song đây thực sự là một bài toán khó không chỉ riêng với Thủ đô mà cả nước. Tín hiệu tích cực ghi nhận được là trên địa bàn TP đã hình thành một số mô hình nông nghiệp CNC, dù quy mô chưa thực sự lớn, song đây là những viên gạch quan trọng đặt nền móng cho bước phát triển đột phá sau này.
 Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao của Công ty CP Đầu tư phát triển CNC Toàn Cầu tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Quang Thiện
Trong số các địa phương, Đan Phượng là huyện khá thành công khi mời gọi được một số DN về đầu tư phát triển nông nghiệp CNC như Vingroup, Công ty CP Đầu tư phát triển CNC Toàn Cầu… Đến thăm khu trồng hoa CNC của Công ty Toàn Cầu nằm trên địa bàn thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng mới thấy được sự chuyển mình đáng kinh ngạc của đồng đất và hơi thở CNC lan tỏa về nông thôn. Tổng diện tích của mô hình khoảng 3,4ha nhưng vốn đầu tư lên tới hơn 200 tỷ đồng. Ngoài phòng thí nghiệm nuôi cấy mô, khu nhà kính sản xuất hoa rộng 2.000m2 đang trồng hàng ngàn cây lan xanh tốt. Chị Nguyễn Kim Cúc, cán bộ phụ trách sản xuất của Công ty cho biết, đơn vị đang sản xuất hơn 50 loại hoa các loại, chủ yếu là lan hồ điệp và cattleya, bắt đầu cho sản phẩm bán từ Tết Nguyên đán 2017 với giá trung bình 250.000 đồng/cây.

Ngoài hoa lan, hiện nay, một số dự án trồng rau, lúa, nấm ăn ứng dụng CNC cũng đang được triển khai tại một số xã khác của huyện Đan Phượng như Tân Lập, Tân Hội, Song Phượng… Liên quan đến mô hình nông nghiệp CNC trong trồng trọt, đáng chú ý trong thời gian gần đây, tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ đã xuất hiện mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống quan trắc thời tiết vào sản xuất rau an toàn. Ông Hoàng Văn Thám - Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết, khu sản xuất rau an toàn có Trạm thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G với hệ thống quan trắc và camera truyền hình ảnh về khu nhà điều hành. Hệ thống này cho phép cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất. Ngoài Chương Mỹ, ở một số vùng sản xuất rau an toàn khác như Tráng Việt (Mê Linh), Tiền Yên (Hoài Đức)… cũng đã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, mới đây, ngành nông nghiệp Hà Nội đón tin vui khi khánh thành Trung tâm Sản xuất tinh bò chất lượng cao tại xã Phù Đồng, huyện Gia Lâm. Dự án có quy mô 40 – 50 bò đực giống sản xuất tinh với dây chuyền máy móc, thiết bị sản xuất tinh bò đông lạnh cọng rạ tiên tiến, hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu. Công suất dự kiến 300.000 – 400.000 liều tinh/năm, tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng. Sự ra đời của trung tâm này được kỳ vọng là mở ra bước phát triển mới cho ngành chăn nuôi Thủ đô. Theo đó, không chỉ nghiên cứu, cung cấp con bò giống chất lượng cho người chăn nuôi ở ngoại thành mà tiến tới Hà Nội sẽ trở thành trung tâm sản xuất, cung ứng giống bò cho các tỉnh, TP.

Nhiều điều kiện thuận lợi

Theo đại diện Sở NN&PTNT, hiện nay, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC toàn TP mới đạt 25%. Trong đó, với lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè đạt tỷ lệ 17,9%, trong chăn nuôi đạt 33,5% và thủy sản 13%. Theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng đầu tư ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội là rất rộng mở. Trước hết, diện tích đất sản xuất nông nghiệp tương đối lớn, trên 150.000ha. Tính đến nay, toàn TP đã thực hiện dồn điền đổi thửa được gần 79.000ha, tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng CNC, cơ giới hóa vào sản xuất. Hơn nữa, sau dồn điền đổi thửa, trên địa bàn TP đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, có hạ tầng kỹ thuật về giao thông, thủy lợi khá đồng bộ.

Đặc biệt, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho các DN, cá nhân đầu tư vào phát triển nông nghiệp CNC. Cụ thể, ngoài các chính sách của T.Ư, Hà Nội còn ban hành một loạt các chính sách riêng, tiêu biểu như Nghị quyết 25/2013/NQ-HĐND ngày 4/12/2013 của HĐND TP về chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung TP Hà Nội giai đoạn 2014 – 2020, Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐND của HĐND TP về một số chính sách thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC TP Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020… Nội dung chủ yếu của các chính sách này là hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, hỗ trợ đầu tư giống, xây dựng mô hình trình diễn…

GS.TS Lê Huy Hàm đánh giá, Hà Nội là nơi hội tụ các điều kiện kinh tế - xã hội đầy đủ nhất cả nước để phát triển nông nghiệp CNC. Bởi lẽ, Hà Nội tập trung các viện nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế và nông nghiệp hàng đầu. Ngoài ra, số lượng các DN, nhất là những “ông lớn” có tiềm lực đầu tư, rồi ngân hàng và các tổ chức quốc tế cũng tập trung khá đông ở TP. Theo GS.TS Lê Huy Hàm, nông nghiệp CNC còn là một cơ hội rất lớn cho phát triển Thủ đô do thị trường tiêu thụ và du lịch phát triển rất nhanh. “Đối với Hà Nội nên phát triển nông nghiệp CNC bắt đầu với 2 phương thức là xây dựng Công viên nông nghiệp CNC và quy hoạch, xây dựng các khu nông nghiệp CNC ở các địa bàn có thế mạnh đặc thù” – GS.TS Lê Huy Hàm gợi ý.

Đặc biệt, năm 2017 được Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” lựa chọn là năm chuyên đề mở rộng quy mô phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, ứng dụng CNC. Trong đó, giao Sở NN&PTNT chủ trì xây dựng 1 điểm nông nghiệp ứng dụng CNC cấp TP, đồng thời mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 điểm và TP sẽ có cơ chế hỗ trợ ưu đãi. Đây là thuận lợi rất lớn cho các DN khi bắt tay đầu tư vào nông nghiệp CNC của Hà Nội.

"Phát triển nông nghiệp CNC không thể làm một sớm một chiều và cần phải có lộ trình cụ thể. Để thu hút DN đầu tư, trước mắt, các địa phương cần có cơ chế tạo quỹ đất cho DN. Đồng thời phối hợp với DN thực hiện tốt các chương trình, đề án nông nghiệp đang triển khai trên địa bàn. Trong quá trình kêu gọi DN đầu tư, không thể thiếu HTX là cầu nối cực kỳ vững chắc để tổ chức cho các hộ nông dân sản xuất và liên kết với DN." - Ông Phạm Văn KhươngPhó Giám đốc Sở KH&ĐT

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần