Căn cứ điều 2 và 72 của Luật hoạt động giám sát Quốc hội và HĐND quy định giải trình là hoạt động giám sát của HĐND TP giữa 2 kỳ họp. Giải trình là cá nhân liên quan giải thích làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo yêu cầu của chủ thể giám sát, bao gồm HĐND, Thường trực HĐND, các ban, các tổ đại biểu và các đại biểu HĐND.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, Thường trực HĐND TP lựa chọn nội dung thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức, người lao động trong các cơ quan TP Hà Nội; Quy tắc ứng xử nơi công cộng và công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn TP bởi Hà Nội là trung tâm chính trị kinh tế văn hóa, là biểu tượng của đất nước trong mở rộng quan hệ đối ngoại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh với các giá trị nhân văn sâu sắc để văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng của Thủ đô cũng như của cả nước là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết.
Trước yêu cầu đó, để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ lần thứ 15 và 16, nội dung phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh đều được đưa thành chương trình riêng trong 8 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ trong tòan TP.
Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu mở đầu phiên giải trình. Ảnh: Phạm Hùng |
Nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh đã trải qua nhiều thời kỳ và có nhiều giải pháp thực hiện. Đặc biệt, UBND TP đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan TP Hà Nội; quy tắc ứng xử nơi công cộng nhằm tạo bước đột phá trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Tuy nhiên, kết quả đạt được ban đầu vẫn chưa được như mong muốn. Vẫn còn trường hợp vi phạm của cán bộ ứng xử với đồng nghiệp, người dân gây bức xúc trong dư luận. Tình trạng bạo lực gia đình, ứng xử thiếu văn minh, mê tín dị đoan vẫn còn diễn ra.
Thứ hai, qua các cuộc giám sát và tiếp xúc cử tri cho thấy, hơn 40% ý kiến của cử tri trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, rất nhiều người dân quan tâm, trăn trở rất muốn HĐND TP giám sát và chất vấn chuyên đề này.
Trên cơ sở đó, HĐND TP chọn 2 nội dung trên với mục đích làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của từng cấp, từng ngành các cá nhân, tổ chức. Đồng thời, đề xuất các lộ trình khắc phục những hạn chế nhằm tạo ra sự chuyển biến và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô.
Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà điều hành phiên giải trình |
Thường trực HĐND TP đề nghị các ĐB HĐND TP, lãnh đạo các sở ngành quận huyện lưu ý: Đối tượng giải trình là các thành viên UBND TP, Chủ tịch UBND quận, huyện thị xã và lần này TP đổi mới là mời thêm Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tham gia giải trình.
Đề nghị các ĐB HĐND tập trung nêu rõ nội dung cần giải trình, nội dung cần bám sát và yêu cầu mà Thường trực đã đặt ra,không hỏi những lĩnh vực khác. Với những đơn vị được mời giải trình, cần giải trình rõ những vấn đề do Thường trực HĐND TP yêu cầu và ĐB HĐND TP hỏi, trong đó làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, lộ trình khắc phục những tồn tại và đề xuất những kiến nghị với Thường trực HĐND TP. Những câu hỏi của ĐB ngoài nội dung mà Thường trực HĐND TP đã nêu thì các đơn vị không trả lời trực tiếp tại phiên họp và trả lời bằng văn bản.
Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: "Căn cứ kết quả giải trình của các sở ngành quận huyện và phương hướng lộ trình giải pháp, Thường trực HĐND TP sẽ xem xét biểu quyết, thông qua kết luận phiên giải trình và tổ chức giám sát việc tổ chức thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến trong thực hiện Quy tắc ứng xử của TP, tạo sự vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân Thủ đô trong sự phát triển văn hóa xã hội và xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh với những giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm văn hóa lớn, phát triển bền vững và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cử tri Thủ đô".
Sau khi xem đoạn băng video về việc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội; Quy tắc ứng xử nơi công cộng và công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn TP, các đại biểu HĐND đặt câu hỏi đến các đơn vị có trách nhiệm.
ĐB Trần Thế Cương đặt câu hỏi |
Bao nhiêu lãnh đạo ký văn bản xin lỗi vì chậm trễ trong giải quyết TTHC?
ĐB Trần Thế Cương - Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP đặt câu hỏi đến Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, ông nêu vấn đề: Hà Nội là TP tiên phong của cả nước xây dựng, ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử, đến nay đã triển khai được 1 năm, thể hiện là một giải pháp quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền TP Hà Nội trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh. Vậy đề nghị Giám đốc VH-TT cho biết kết quả đến nay, và với tư cách tổng tư lệnh ngành văn hóa Thủ đô, ông cho biết thực tế 2 quy tắc này đã đi vào cuộc sống hay chưa?
Đại biểu Duy Hoàng Dương - Phó Trưởng ban Văn hóa Xã hội HĐND TP đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ với trách nhiệm là cơ quan chủ trì tham mưu cho TP trong công tác cải cách hành chính cho biết: tổng số hồ sơ TTHC bị quá hạn trong năm 2017 là bao nhiêu? Có bao nhiêu tổ chức đơn vị được nhận văn bản xin lỗi và bao nhiêu thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan ký văn bản xin lỗi cá nhân, tổ chức vì đã để xảy ra chậm trễ trong giải quyết TTHC?
Liên quan đến trách nhiệm của Sở Nội vụ, Đại biểu Nguyễn Hoài Nam đề nghị làm rõ tình hình triển khai việc cụ thể hóa các chế tài xử lý CB,CC, VC, NLĐ vi phạm? “Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được các văn bản xử lý, vẫn dừng lại ở việc ký cam kết, kiểm tra, nhắc nhở. Nếu như vậy chúng ta sẽ không thể tạo chuyển biến tốt trong ứng xử của cán bộ” – Đại biểu Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.
Ngoài ra, đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ làm rõ chủ trương lắp đặt các camera kiểm soát tại các BPMC đã triển khai thế nào? Qua kiểm tra công vụ thì có chiết xuất để đánh giá?
Đồng thời, làm rõ cách đánh giá sự hài lòng của người dân qua việc thủ tục hành chính công, từ đó, tham mưu cho TP như thế nào.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi |
Đại biểu Đoàn Việt Cường Cường đặt câu hỏi về việc UBND TP đã ban hành quyết định số 522, tháng 1/2017 về quy tắc ứng xử của cán bộ công chức TP trong đó giao thủ trưởng các cơ quan có trách nhiệm triển khai và quán triệt quy tắc ứng xử đến từng cán bộ kiểm tra, giám sát đưa vào tiêu chí để xếp loại thi đua hàng năm.
Tuy nhiên, qua hơn 1 năm thực hiện vẫn còn xảy ra một số hành vi ứng xử chưa đúng như phóng sự đã trình chiếu tại xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai và phường Dịch Vọng Hâu, quận Cầu Giấy. Vậy đề nghị Chủ tịch UBND xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai và phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy cho biết nguyên nhân, làm rõ kết quả tổ chức triển khai cũng như công tác kiểm tra giám sát cán bộ công chức tại đơn vị mình. Liên quan đến vấn đề này, đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND quận, huyện nêu trên cho biết trách nhiệm của quận, huyện, biện pháp chấn chỉnh để đảm bảo quy tắc ứng xử đạt hiệu quả với mục đích xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động Thủ đô kỷ cương, trách nhiệm, tận tình, thân thiện?
Chưa tạo ra nét văn hóa ứng xử và hình ảnh riêng biệt của người Hà Nội
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thế Cương, Giám đốc Sở VHTT Tô Văn Động cho biết, sau 2 năm thực hiện 2 bộ Quy tắc ứng xử đã bước đầu đi vào cuộc sống, nhưng mới chỉ là kết quả ban đầu.
Ngay sau khi Chủ tịch UBND TP ban hành 2 bộ quy tắc ứng xử thì Sở VHTT đã ra 6 văn bản hướng dẫn để triển khai 2 bộ quy tắc ứng xử này. Hà Nội là một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện. Ban đầu, việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử rất khó khăn nhưng đã thực hiện được.
Trong năm 2017, việc triển khai 2 bộ quy tắc ứng xử đã trở thành một sinh hoạt chính trị trên khắp TP. Trong đó, 100% các quận huyện sở ngành TP thực hiện 2 bộ quy tắc này và có nhiều chuyển biến. Đặc biệt, bộ quy tắc ứng xử của CB, CC, VC, NLĐ trong cơ quan đã có kết quả rõ nét hơn. Các CB, CC, VC đã luôn chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, không sử dụng phương tiện công vào việc riêng, thái độ ứng xử tiếp dân đã đúng mực, nhất là ở các BPMC ở phường…
Còn đối với bộ quy tắc ứng xử ở nơi công cộng, tại các nơi công cộng, quảng trường, công viên, người dân đã ý thức hơn trong việc không ngắt hoa bẻ cành, vứt rác bừa bãi. Tại các cơ sở tôn giáo, người dân có ý thức chấp hành các quy định, tôn trọng tự do tín ngưỡng; khi tham gia giao thông đã có những hành vi ứng xử tốt hơn.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở VHTT cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại hạn chế. Cụ thể, đối với kết quả thực hiện bộ quy tắc ứng xử của CB, CC, VC, NLĐ thì chưa có chuyển biến rõ rệt, chưa tạo ra nét văn hóa ứng xử và hình ảnh riêng biệt của người Hà Nội. Công tác tuyên truyền còn chưa sinh động. Một số cán bộ còn chưa nắm rõ được nội dung quy tắc, chưa thực hiện đúng và đầy đủ các quy định mà bộ quy tắc đề ra.
Đối với bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng thì vẫn còn hành vi chưa đẹp, chưa nhân văn. Thậm chí, có hành vi vi phạm gây mất trật tự xã hội, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh Thủ đô.
Giám đốc Sở VHTT Tô Văn Động giải trình |
Để 2 bộ quy tắc ứng xử đã đi vào cuộc sống, Giám đốc Sở VHTT cho rằng cần phải kiên trì hơn để tiếp tục để tạo sự đồng thuận và đồng hành của người dân. Vì thế, năm 2018 Sở chọn nội dung này là trọng tâm và xác định những giải pháp cụ thể và tin tưởng rằng trong năm nay sẽ có kết quả rõ nét hơn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng: Về thẩm quyền, việc ban hành các hệ thống chế tài này thuộc các cơ quan của T.Ư. Tuy nhiên, để thực hiện được việc Ban Chỉ đạo giao, Sở Nội vụ đã chủ động xây dựng dự thảo một bộ chế tài xử lý cụ thể, bước đầu đưa ra 114 tình huống, vừa rồi chúng tôi đã báo cáo Ban chỉ đạo Chương tình 04 vì thẩm quyền chúng ta không phải cấp ban hành nên trước mắt cho thí điểm tạm thời triển khai thực hiện trên địa bàn TP và Ban Chỉ đạo đã đồng ý. Nên, khi có chủ trương cho phép tạm thời thí điểm thì chúng tôi sẽ đưa ra lấy ý kiến các cơ quan liên quan để làm thí điểm và tiếp tục kiến nghị với các cơ quan T.Ư cụ thể hóa các nội dung chế tài này theo đúng quy định pháp luật.
Về lắp đặt camera, TP đã làm 6-7 năm nay tại các khu vực Một cửa, việc này hỗ trợ rất tích cực, qua nối mạng thì lãnh đạo các đơn vị đều theo dõi, kiểm soát hành vi, thái độ ứng xử của CBCC với người dân, DN, nên đây là một nội dung tốt mà nhiều tỉnh, TP học tập Hà Nội. Chủ trương này rất tốt và tới đây, TP sẽ tiếp tục nối mạng để người dân tham gia giám sát.
Về đánh giá sự hài lòng của người dân, quy tắc ứng xử này mới ban hành hơn 1 năm và qua kết quả bước đầu cho thấy có chuyển biến. Nếu tới đây TP có một hệ thống chế tài nữa thì sẽ là “gương soi” để làm cho các hành vi của các CBCC trực tiếp giải quyết công việc tốt hơn. Những nội dung TP tiến hành, từ tuyên truyền, đưa ra các quy tắc ứng xử cũng như chế tài, sẽ từng bước giúp việc thực hiện cách ứng xử của CBCC sẽ tốt hơn, thể hiện qua các Chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng của người dân đã tốt hơn.
Cán bộ chưa đảm bảo về yêu cầu năng lực phẩm chất, kỹ năng giao tiếp, ứng xử
Trả lời câu hỏi về tổng số hồ sơ TTHC bị quá hạn trong năm 2017 là bao nhiêu? Có bao nhiêu tổ chức đơn vị được nhận văn bản xin lỗi và bao nhiêu thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan ký văn bản xin lỗi cá nhân, tổ chức vì đã để xảy ra chậm trễ trong giải quyết TTHC? Giám đốc Sở Nội Vụ cho biết, năm 2017, tổng số hồ sơ giải quyết TTHC tiếp nhận trên địa bàn TP là hơn 8 triệu hồ sơ, bao gồm cả hồ sơ tiếp nhận không hiệu quả, trong đó, khối cơ quan sở, cấp huyện hơn 4 triệu hồ sơ. Trong đó, khối sở 481.569 hồ sơ, cấp huyện là 728.734 hồ sơ, cấp xã là 2.859.793 hồ sơ. Đây là khối lượng cực lớn, tỷ lệ giải quyết đúng hạn toàn TP là 97,33%, tỷ lệ giải quyết quá hạn là 2,67%, bao gồm có 108.672 hồ sơ quá hạn.
Về niên quá hạn, về khách quan, một số quy định hiện hành về TTHC tổ chức triển khai cơ chế Một cửa liên thông vẫn còn chồng chéo, bất cập. VD: Nghị định 78, Nghị định 46. Các hồ sơ giải quyết TTHC trong lĩnh vực lao động, liên thông nhiều cấp, nhiều ngành, đặc biệt nhiều hồ sơ phải giải mã của các ngành liên quan hoặc tra cứu tài liệu từ kho lưu trữ của các tổ chức hoặc các cá nhân. Nhiều hồ sơ thuộc các lĩnh vực đầu tư phải xin ý kiến của nhiều cơ quan đơn vị. Trong khi đó, một số cơ quan đơn vị phối hợp tham gia ý kiến trả lời chậm, nhiều hồ sơ phức tạp, như lĩnh vực đầu tư xây dựng. Ngoài ngân sách phải xin ý kiến các cấp từ TP đến T.Ư.
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng |
Về chủ quan, nguyên nhân do nhận thức của một số cấp, một số đồng chí lãnh đạo cấp ủy chính quyền, thủ trưởng từ các sở ban ngành về chủ trương thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông gắn với kết quả nên có tình trạng chưa đưa các TTHC ra cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Chưa quan tâm, đôn đốc, kiểm tra, tiếp nhận giải quyết TTHC của tổ chức công dân hoặc bố trí cán bộ làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chưa đảm bảo về yêu cầu năng lực phẩm chất, kỹ năng giao tiếp, ứng xử dẫn đến chưa giám sát chặt chẽ quá trình giải quyết hồ sơ của cá nhân và tổ chức.
Một số sở, ngành còn chưa quan tâm, hướng dẫn, kiểm tra việc giải quyết TTHC thuộc ngành, lĩnh vực quản lý ở cấp huyện, cấp xã. Một số sở còn chậm tham mưu, công bố, TTHC khi các văn bản quy định về TTHC sửa đổi, bổ sung thay thế dẫn đến khó khăn trong quá trình cấp dưới tổ chức thực hiện. Một số UBND cấp huyện không kịp thời rà soát, cập nhật TTHC để tổ chức thực hiện tại cơ quan đơn vị mình và cấp dưới trực thuộc.
Điều này dẫn đến hồ sơ TTHC một số lĩnh vực gặp khó khăn trong quá trình giải quyết. Sự phối hợp trong giải quyết hồ sơ hành chính giữa các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả còn thiếu chặt chẽ, chưa đầy đủ. Số lượng hồ sơ lớn, thời gian giải quyết hồ sơ đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ công chức thụ lý hồ sơ. Một số công chức thiếu ý thức về phẩm chất, đạo đức, lối sống.
Về giải pháp khắc phục, trong năm 2017, 2018, Sở Nội vụ đã có những nội dung kế hoạch của năm 2018, trong đó, tiếp tục tăng cường tổ chức và nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng trình đọ, chuyên môn nghiệp vụ , kỹ năng giao tiếp, giải quyết công việc cho đội ngũ cán bộ CC, đặc biệt là CC tham gia vào quá trình tiếp nhận giải quyết TTHC.
Đẩy mạnh công tác rà soát, cập nhật đơn giản hóa TTHC, quy định hành chính, tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của CC tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Tăng cường kênh thông tin tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, DN về quy định hành chính và việc giải quyết TTHC.
Việc thực hiện quy định xin lỗi đối với quá trình, hồ sơ quá hạn, giải quyết, theo báo cáo và qua kiểm tra, các cơ quan đơn vị đã thực hiện nghiêm quy định về việc lập văn bản xin lỗi đối với hồ sơ quá hạn, giải quyết thuộc trách nhiệm, làm quá hạn của cơ quan đơn vị mình. Các hồ sơ quá hạn, giải quyết được các cơ quan trong đơn vị có văn bản xin lỗi thông tin lý do chậm, muộn đến tổ chức và công dân và hẹn ngày trả kết quả.
"Xin hứa quyết tâm sẽ không để xảy ra những trường hợp tương tự"
Tại phiên giải trình còn có các lãnh đạo xã, phường còn hạn chế trong việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ trực tiếp trả lời giải trình về sự việc cụ thể.
Chủ tịch UBND xã Thạch Thán (Quốc Oai) giải trình |
Chủ tịch UBND xã Thạch Thán (Quốc Oai) trả lời về việc người dân đến làm TTHC nhưng không có lãnh đạo trực, Chủ tịch xã Thạch Thán chia sẻ: "Bản thân tôi thấy đó là thiếu sót trong việc chưa kịp thời giải quyết TTHC cho công dân, vi phạm quy tắc ứng xử của CBCCVC TP. Vì vậy, nhận được chỉ đạo khắc phục sửa chữa của UBND huyện, UBND xã đã tổ chức họp rút kinh nghiệm, kiểm điểm trong CBCCVC và CBCC một cửa, khắc phục với 3 giải pháp trong thời gian sớm nhất: Nâng cao nhận thức cho CBCC về quy tắc ứng xử mà trước hết là lãnh đạo đơn vị; quy định rõ ràng về quy trình, công việc, thời gian giải quyết TTHC; tăng cường kiểm tra từ cán bộ lãnh đạo đến CBCC trực tiếp giải quyết TTHC cho công dân. Thời gian tới, chúng tôi cố gắng giải quyết cho công dân trong thời gian ngắn nhất theo quy định, phục vụ tốt nhất các giao dịch của công dân".
Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) Nguyễn Quang Thắng cho biết về sự việc ngày 10/1/2018 trong clip nêu về việc cán bộ trả lời dân lãnh đạo đi vắng, không biết khi nào trả hồ sơ: "Tập thể phường Dịch Vọng Hậu đã kiểm điểm lại nội dung sự việc, yêu cầu cán bộ viết kiểm điểm, rút kinh nghiệm phải phát thông báo trong lúc lãnh đạo đi họp. Ngoài ra, phường đã đưa ra phương án có đồng chí văn phòng luôn trực để mang hồ sơ đã đầy đủ và cần xử lý ngay lên phòng họp ký trong trường hợp lãnh đạo họp. “Xin hứa quyết tâm sẽ không để xảy ra những trường hợp tương tự” – Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu khẳng định.
Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Quang Thắng |
Sau phần trả lời của các lãnh đạo xã có cán bộ còn tồn tại (Hoài Nam) – 6 năm nay lắp đặt camera, vậy hiện nay việc lắp camere thế nào, tại sao khi đoàn kiểm tra đến các đồng chí mới biết sai phạm của cán bộ mình?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Quang Thắng, Chủ tịch phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) cho biết, phường có lắp camera nhưng chỉ xem được hình, không nghe được tiếng nên chưa giám sát được giao tiếp của cán bộ với nhân dân.Hiện tượng cò mồi có xảy ra tại các cơ sở y tế công lập không?
Tiếp tục đặt câu hỏi, Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề nghị Giám đốc Sở VHTT làm rõ với trách nhiệm là cơ quan thường trực có giải pháp nào để công tác thông tin tuyên truyền bộ quy tắc đi vào thực chất. Bên cạnh đó, Sở đã bổ sung các tiêu chí liên quan đến 2 bộ quy tắc để đánh giá cán bộ không? Nếu đã có rồi thì có đánh giá lại những cán bộ để xảy ra vi phạm hay không?
ĐB Vũ Mạnh Hải dẫn hình ảnh trong phóng sự các đại biểu và nhân dân vừa được xem qua truyền hình, có hiện tượng người dân không cần đến cơ sở y tế mà thông qua dịch vụ cò thì vẫn được cấp GCN về sức khỏe. Vậy giám đốc sở Y tế cho biết hiện tượng này có xảy ra tại các cơ sở y tế công lập không, và nếu có thì trách nhiệm thuộc về ai?
Đại biểu Nguyễn Bích Thủy đặt câu hỏi: Với TP Hà Nội đã thực hiện số lượng TTHC lớn, 100% thủ tục được thực hiện tại BPMC. Tuy nhiên còn một số nơi BPMC và phòng chuyên môn còn thực hiện chưa chặt chẽ. Vẫn còn nơi để xảy ra trường hợp thu nhận tại phòng chuyên môn như clip nêu. Đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục tình trạng trên?
Khắc phục trình trạng cấp giấy khám sức khỏe khống
Về câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết: Ngay từ ngày đầu tháng đầu, CB, CC TP đã bắt tay ngay vào việc, theo tinh thần Chỉ thị 01 và Kế hoạch 69 của UBND TP đã ban hành. Sở đã đề ra cơ cấu điểm đánh giá cán bộ, trong đó về thái độ trách nhiệm ứng xử của CB rất cao, khoảng 25%, tạo ra tiến bộ vượt bậc so với những năm trước đây. Trong thời gian tới, Sở tiếp tục xây dựng chế tài củ thể vào đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của CB, CC bằng bộ tiêu chí đánh giá cụ thể theo đề án vị trí việc làm.
Trả lời câu hỏi về hiện tượng cấp giấy khám sức khỏe khống, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, về vấn đề liên quan đến ứng xử của CBCCVC tại cơ quan và nơi công cộng, ngành y tế đã triển khai rất nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong đó các lực lượng thanh niên xung kích cũng được huy động, song chưa đáp ứng hết nguyện vọng người dân. Về hiện tượng cấp GCN sức khỏe khống, khẳng định là có trong thực tế, đã diễn ra tại Trung tâm Giám định y khoa và Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, nhưng đều ở ngoài khu vực bệnh viện, chúng tôi đã kiểm tra xử lý, kể cả một số đối tượng cò mồi trong khám chữa bệnh, chứ không chỉ về GCN sức khỏe.
Tại Bệnh viện Hà Đông đến nay cơ bản không còn nữa; tại Trung tâm Giám định y khoa thì chúng tôi xin tiếp thu ý kiến và tiếp tục chỉ đạo. Trong phóng sự vừa phát phản ánh tình trạng này tại Bệnh viện Nam Thăng Long, dù không thuộc quản lý của Sở Y tế, chúng tôi cũng tiếp thu và sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, phối hợp chặt cùng cơ quan Công an khắc phục hạn chế và đảm bảo phục vụ bệnh nhân tốt hơn.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền |
Kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất về hai bộ quy tắc ứng xử tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà nhận xét, trong nửa buổi sáng, nhóm vấn đề về 2 bộ quy tắc ứng xử của TP đã có 8 lượt ĐB HĐND TP nêu câu hỏi và 10 lượt ý kiến đại diện cho UBND TP, sở, ngành, cơ quan, đơn vị, quận, huyện, xã, phường… tham gia làm rõ và giải trình. Nhìn chung, “các ĐB HĐND TP thể hiện rất tâm huyết, trách nhiệm; đặt những câu hỏi rất rõ ràng, bám sát các vấn đề còn ý kiến tranh luận, để chỉ ra các tồn tại, hạn chế cũng như làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Các đại diện cơ quan, đơn vị, địa phương cũng thể hiện sự nghiêm túc, trả lời thẳng thắn vào các vấn đề mà ĐB quan tâm và nhận trách nhiệm của đơn vị mình. Trên cơ sở đó, một số ý kiến của các ĐB đã cơ bản giải trình, chỉ ra lộ trình để khắc phục những hạn chế tồn tại đó và rất quan tâm để có phương hướng tới đây chuyển biến tích cực hơn nhằm thực hiện tốt 2 bộ quy tắc ứng xử này.
Tiếp tục cập nhật...