Hà Nội: Quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Tâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã ký ban hành Kế hoạch số 38/KH-BCĐ389/TP về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018 trên địa bàn.

Năm 2018, nền kinh tế cả nươc dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng và ổn định. Tuy nhiên sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức; hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp yêu cầu công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn TP Hà Nội cần có giải pháp cụ thể, hiệu quả, thiết thực và quyết liệt nhằm góp phần ổn định thị trường và an sinh xã hội. Qua thực tế, phát hiện những bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Theo Kế hoạch, trong năm 2018, trước mắt tập trung thực hiện tốt kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 theo chỉ đạo của BCĐ 389 Quốc gia và UBND TP.
Quán triệt chỉ đạo toàn lực lượng chức năng trong BCĐ 389/TP chấp hành nghiêm chủ trương của TP Hà Nội về Chủ đề năm 2018 “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trên tinh thần 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách và đặc thù trên địa bàn quản lý, các sở, ngành thành viên BCĐ 389/TP và BCĐ 389 quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2018.

Kế hoạch của các sở, ngành thành viên BCĐ 389/TP và BCĐ 389 quận, huyện, thị xã cần nêu rõ các giải pháp, lộ trình cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại năm 2017 và đề ra các chỉ tiêu, tiến độ thực hiện nhiệm vụ năm 2018; các báo cáo định kỳ năm 2018 phải đánh giá cụ thể kết quả khắc phục cảc tồn tại. Các sở, ngành thành viên BCĐ 389/TP và BCĐ 389 quận, huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch chuyên đề đảm bảo bám sát diễn biến tình hình thực tế, xác định rõ tuyến, địa bàn, lĩnh vực, phương thức thủ đoạn hoạt động, đối tượng trọng điểm và nhóm các mặt hàng cần tập trung kiểm tra, kiểm soát.

Về mặt hàng, chú trọng kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm hàng cấm (ma túy, vật liệu nổ, pháo, tài liệu phản động, động vật, thực vật hoang dã, vàng, ngoại tệ, máy móc thiết bị đã qua sử dụng); các mặt hàng có thuế suất cao, thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế (thuốc lá, rượu, xăng dầu); các mặt hàng tiêu dùng là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống Nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường (thực phẩm, tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, chất cấm trong chế biến thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, hóa chất và các loại chất cấm trong thức ăn chăn nuôi...)

Về địa bàn, tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên các tuyến đường từ khu vực biên giới phía Bắc và các tỉnh lân cận về Hà Nội; đường hàng không, đường thủy... các chợ đầu mối, trung tâm thương mại; các kho tàng, bến bãi, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm như: chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), chợ Hòa Bình (quận Hai Bà Trưng), ga Hà Nội, ga Giáp Bát, ga Gia Lâm, sân bay quốc tế Nội Bài... nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại.

Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng thuộc Hà Nội, giữa các lực lượng chức năng Hà Nội với các lực lượng chức năng Trung ương và các tỉnh khác (đặc biệt là các tỉnh biên giới) để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường kết hợp với mục tiêu ổn định thị trường, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất, chất lượng hàng hóa và trách nhiệm đối với công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phát huy vai trò giám sát của người dân và cộng đồng đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác quản lý thương mại.

Rà soát, bổ sung nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, giáo dục chính trị tư tưởng, tác phong lề lối làm việc đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tinh thần đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng hiệu quả trong các lực lượng chức năng. Có kế hoạch luân chuyển cán bộ phù hợp. Xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai các tổ chức, cá nhân có biểu hiện lợi dụng trong thực thi công vụ…