Hà Nội: Quyết liệt phòng, chống dịch, không giãn cách, phong toả một cách cực đoan

Trần Long - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 10/5, Thường trực Thành uỷ làm việc với UBND TP, Ban Chỉ đạo TP về phòng chống dịch Covid-19, lãnh đạo các sở, ngành TP và quận, huyện, thị xã về Công tác phòng chống dịch Covid-19.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBDN TP Chu Ngọc Anh; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị.
Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao mức khuyến cáo phòng chống dịch
Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, tình hình dịch bệnh trên Thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, số ca mắc mới và tử vong liên tục gia tăng trong những tuần qua (số ca mới tăng tuần thứ 9 liên tiếp, số ca tử vong tăng tuần thứ 6 liên tiếp). Đến nay Thế giới ghi nhận xấp xỉ 159 triệu ca mắc và hơn 3,3 triệu ca tử vong.
 Thường trực Thành uỷ làm việc với UBND TP, Ban Chỉ đạo TP về phòng chống dịch Covid-19, lãnh đạo các sở, ngành TP và quận, huyện, thị xã về Công tác phòng chống dịch Covid-19
Tại Việt Nam, từ ngày 27/4/2021 đến nay cả nước ghi nhận 411 ca mắc mới tại 25 tỉnh, thành phố (đây là các ca mắc đã được Bộ Y tế công bố). Lũy tích từ năm 2020 đến nay ghi nhận 3.412 ca mắc, 35 ca tử vong.
Tại Hà Nội, từ ngày 29/4/2021 đến nay ghi nhận 46 ca mắc ngoài cộng đồng tại 11 quận, huyện (Thường Tín, Đông Anh, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Gia Lâm, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Ba Đình, Thanh Oai, Hai Bà trưng).
Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh trên thế giới và các nước láng giềng trong khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc và tử vong không ngừng tăng lên. Tại Việt Nam, trong đợt dịch này đã ghi nhận nhiều ca mắc tại nhiều địa phương, mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng. Chủng vi rút lần này là các biến thể của Ấn Độ, Anh, Nam Phi có tốc độ lây lan rất nhanh.
Các ca bệnh tại Hà Nội đều xác định được nguồn lây truyền, tuy nhiên nguy cơ phát sinh thêm các ca mắc mới trong công đồng trong Thành phố vẫn rất cao bởi 4 nhóm nguy cơ chính, gồm: (1) chùm ca bệnh tại Gia Lâm và các ca mắc mới có liên quan đến ổ dịch tại Thuận Thành - Bắc Ninh; (2) mầm bệnh từ các ổ dịch tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều...; (3) có số mắc mới liên tục gia tăng tại 08 địa phương có địa bàn giáp ranh (Bắc Ninh 89 ca - riêng huyện Thuận Thành có 77 ca mắc, Vĩnh Phúc 52, Bắc Giang 37, Hưng Yên 19, Hà Nam 16, Thái Bình 6, Hải Dương 4, Hòa Bình 4); (4) lượng người quay trở lại Thành phố làm việc và học tập rất lớn (theo thống kê có khoảng 20.000 người Hà Nội đến Đà Nẵng, nơi hiện nay đang ghi nhận 48 ca mắc ngoài cộng đồng).
Trước mắt Hà Nội vẫn đang triển đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh, tuy nhiên với các nhận định dự báo, Thành phố vẫn cần phải chuẩn bị các kịch bản trong trường hợp tiếp tục phát sinh, ghi nhận các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trên địa bàn Thành phố.
Tại buổi làm việc, báo cáo Bí thư Thành ủy, các quận huyện cho biết đang quyết liệt triển khai các công việc cần thiết để khoanh vùng dập dịch và kiến nghị nhiều nội dung đang vướng mắc ở địa phương.
Là 1 trong 3 điểm nóng, Bí thư Huyện uỷ Đông Anh Lê Trung Kiên đề xuất, TP sớm có vaccine tiêm diện rộng; mỗi địa bàn chỉ đạo có bệnh viện giã chiến; có nơi cách ly ở từng quận, huyện và giao quân đội phụ trách; chỉ đạo ban quản lý Khu công nghiệp chế xuất TP đảm bảo công tác phòng chống dịch tại chỗ… Chủ tịch UBND TP cho biết, TP đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức nơi cách ly tại địa bàn.
Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh kiến nghị đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm và sàng lọc ở các khu có dịch ở huyện triển khai các bước tiếp. Đối với 16 ca F1 hiện đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín, do Bệnh viện đang được xây dựng, nâng cấp nên huyện kiến nghị Sở Y tế được chuyển 16 trường hợp này về phòng khám đa khoa Tô Hiệu. Với những kiến nghị này, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đồng ý và chỉ đạo tăng tốc xét nghiệm và sàng lọc các đối tượng có nguy cơ cao trên địa bàn huyện.
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh khẳng định Gia Lâm là địa bàn có nguy cơ rất cao, do giáp ranh với vùng dịch tại huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) vì vậy huyện cần tăng tốc thực hiện các giải pháp, chốt chặn toàn bộ các đường ngang, ngõ tắt; các tổ Covid -19 cộng đồng của huyện tăng cường nắm bắt di biến động của người dân thời điểm trước, trong và sau khi huyện Thuận Thành giãn cách xã hội. Chủ tịch UBND TP chỉ đạo Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Y tế và Sở Giao thông vận tải phối hợp với huyện trong triển khai khu cách ly, tổ chức phân luồng giao thông theo kiến nghị của huyện.
Báo cáo thêm về một số nội dung quan trọng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nêu, thời gian qua các đơn vị đã quyết liệt vào cuộc theo chỉ đạo nhất quán kiên quyết, của đồng chí Bí Thư Thành ủy: Chủ động ,quyết liệt, kịp thời, linh hoạt ở tất cả các khâu; khoanh vùng hẹp, quản lý chặt theo diễn biến của dịch tễ.
Theo Chủ tịch UBND TP, các chỉ đạo không chỉ trên văn bản mà còn nhiều sáng tạo hiệu quả như: “Ở Đông Anh đã có mô hình khoanh vùng 3 lớp: vùng lõi có ca bệnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, ngoài là Chỉ thị 15, vòng ngoài cùng là Chỉ thị 19 nên đã kiểm soát hiệu quả, nhanh chóng”.
Theo chủ tịch UBND TP, các chuyên gia đánh giá, sắp tới sẽ còn gia tăng các ca bệnh, cần chú trọng nguy cơ F0 từ địa bàn các tỉnh giáp ranh với Hà Nội.
  Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại phiên họp
Chủ tịch UBND TP nêu việc, vẫn còn chỗ này chỗ kia thực hiện chưa quyết liệt như ở công viên, vườn hoa vẫn tụ tập; loại hình kinh doanh không thiết yếu như bia hơi vẫn đông người… Nên việc thực hiện khuyến cáo hiện nay cần nâng cao, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết TP sẽ có quy định cụ thể từ khoảng cách giãn cách người với người đến việc tránh tụ tập đông người. “UBND TP sẽ có công điện mới sớm nhất để chỉ đạo tiếp tục nâng cao mọi mặt công tác chống dịch”, Chủ tịch UBND TP nói.
Quyết liệt, mạnh mẽ, thần tốc hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến dũng khẳng định, trên cơ sở chủ động dự báo sớm và nhận định đúng tình hình, tính chất, diễn biến của dịch Covid-19 lần này nguy hiểm và phức tạp hơn lần trước.
Thành ủy, UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid 19 từ rất sớm. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể từ TP đến cơ sở đã chủ động, quyết liệt, đồng bộ triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế với các biện pháp triển khai bài bản, khoa học, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, phù hợp, trúng, đúng với diễn biến dịch bệnh, kể cả trong những ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5.
Bí thư Thành ủy ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành từ TP đến cơ sở; nhất là sự tâm huyết, trách nhiệm của các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch như đội ngũ y bác sỹ, công an, quân đội, phóng viên, các Tổ Covid-19 tại cộng đồng...

“Thường trực Thành ủy cũng trân trọng cảm ơn sự đồng lòng ủng hộ, vào cuộc tích cực của Nhân dân Thủ đô trong công tác phòng, chống dịch trong thời gian vừa qua”, Bí thư Thành ủy nói rõ.
Trước tình hình dịch bệnh, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các cấp, ngành từ TP đến quận, huyện, xã, phường, thôn, tổ dân phố và kêu gọi các cán bộ, đảng viên và Nhân dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan, nhưng cũng không bi quan, lo lắng thái quá.
Bí thư Thành ủy yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó cần ưu tiên phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, “thần tốc” hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Nêu rõ “Mục tiêu cao nhất vì sức khỏe, tính mạng và sự bình yên của Nhân dân”, Bí thư Thành ủy chỉ rõ các đơn vị cần tiếp tục thực hiện tốt các phương châm cách làm mà lãnh đạo TP đã chỉ đạo.
Bí thư Thành ủy nêu cách làm sáng tạo của huyện Đông Anh khi khoanh vùng ổ dịch theo 3 lớp (lớp lõi có dịch giãn cách theo Chỉ thị 16, lớp tiếp theo thực hiện theo chỉ thị 15, lớp ngoài cùng theo Chỉ thị 19) từ đó vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa không ngăn sông cấm chợ, làm đảo lộn đời sống người dân và yêu cầu nhân rộng cách làm hiệu quả này.
“TP không giãn cách phong toả một cách cực đoan ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội. Có lúc có tin đồn phong toả thành phố, làm gì có việc đó, chúng ta bình tĩnh xử lý và những giải pháp TP đang làm là đúng và hiệu quả. Không bỏ lọt các F1, F2, F3”, Bí thư Thành ủy nói rõ.
Bí thư Thành ủy nhắc nhở các đơn vị cần huy động dồn lực chuẩn bị đầy đủ, không để chậm chễ các trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh như vật tư xét nghiệm, máy thở, quần áo bảo hộ... Siết chặt các quy trình khám chữa bệnh tại các bệnh viện, không để lây lan dịch bệnh.Phát huy tốt hơn vai trò của các tổ Covid-19 tại cộng đồng...Những quận, huyện chưa có ca F0 thì cố gắng không để có ca F0.
Tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch, lơ là, chủ quan nhập cảnh trái phép... Các đoàn kiểm tra tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra công tác phòng, chống dịch và công tác bầu cử trên địa bàn TP. Đồng thời, những nơi nào làm chưa tốt cần chủ động tự khắc phục, sửa chữa ngay.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã các địa phương có dịch chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn mình. Nơi nào nếu để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình mắc bệnh Covid-19 do lỗi lơ là, chủ quan, không gương mẫu tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, không kiểm soát tốt, buông lỏng quản lý, thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm theo quy định.
  Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị
“Về cơ chế thông tin, báo cáo đề nghị các đồng chí phải thực hiện khẩn trương, tốc độ “như thời chiến”, tăng cường ứng dụng thông tin qua các kênh, bảo đảm kịp thời cho phục vụ yêu cầu lãnh đạo chính xác, hiệu quả, phải có báo cáo giờ, thậm chí từng phút theo diễn biến của dịch”, Bí thư Thành ủy chỉ đạo.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay chính là thước đo sức mạnh của hệ thống chính trị, thước đo năng lực, uy tín của tổ chức Đảng và người đứng đầu, thước đo đối với chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”.
Bí thư Thành ủy cho rằng toàn bộ hệ thống chính trị đã vào cuộc nhưng người dân không ủng hộ thì không thể khống chế dịch thành công và yêu cầu tập trung tuyên truyền để người dân ủng hộ, thực hiện các biện pháp chống dịch: “Dân biết, dân làm, dân kiểm tra; đẩy lui dịch bệnh thì người dân thụ hưởng. Đây cũng chính là thước đo trách nhiệm, hiệu quả công việc”.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy nêu rõ, từ nay đến ngày bầu cử không còn nhiều, trong khi đó diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội Thành phố cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt công tác chuẩn bị bầu cử bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thành công, an toàn, đúng luật, bầu đúng, bầu đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, thực sự là ngày hội của nhân dân Thủ đô…