Hà Nội quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với mục tiêu tiến gần “chính quyền điện tử” hướng tới “một thành phố thông minh hơn”, gần đây, việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan Nhà nước từ TP đến cấp xã, phường đã đạt kết quả tích cực. Qua đó, không chỉ giúp chính quyền chỉ đạo điều hành tốt hơn mà còn mang lại hiệu quả rõ nét trong phục vụ người dân, DN.

Tăng kết nối, nâng hiệu quả điều hành
Cùng với quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, giảm tối đa thời gian, thành phần hồ sơ, đột phá lớn nhất trong cải cách hành chính (CCHC) của TP Hà Nội thời gian qua là quyết liệt ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc, thủ tục hành chính (TTHC), đã thay đổi mạnh mẽ nhận thức của cán bộ, công chức (CBCC) và người dân. TP đặc biệt quan tâm ứng dụng CNTT vào chỉ đạo, điều hành, thực hiện gửi giấy mời, tài liệu họp qua email của cơ quan và email công vụ của thủ trưởng cơ quan; kết nối hạ tầng phục vụ họp giao ban trực tuyến đến tận xã, phường…
Trong hàng loạt nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ, nổi bật năm qua là Hà Nội tiếp tục mở rộng dịch vụ đỗ xe thông minh qua phần mềm đồng loạt tại các quận. Đồng thời thí điểm vận hành cửa hàng, máy bán hàng tự động tại điểm công cộng, đẩy mạnh thanh toán điện tử tại cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại… TP cũng đã điện tử hóa các quy trình xử lý công việc để giải quyết TTHC trên phần mềm một cửa điện tử liên thông dùng chung.
Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa quận Thanh Xuân. Ảnh: Thanh Hải
Trưởng phòng CCHC (Sở Nội vụ) Phạm Tuấn Anh đánh giá, tăng ứng dụng CNTT vào giải quyết hồ sơ các lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, đăng ký kinh doanh được TP rất quan tâm, nhất là cải cách thủ tục đăng ký thành lập DN. Tại Sở KH&ĐT, thời gian thực hiện đăng ký thành lập mới DN qua mạng hiện chỉ còn 2 ngày làm việc (rút một ngày so với Luật DN), trả kết quả chỉ sau 2 tiếng từ khi nhận hồ sơ giấy tại cơ quan đăng ký kinh doanh. “Nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNTT, giải quyết TTHC tại Sở gần đây rất nhanh, thuận tiện cho DN. Công chức cũng phục vụ nhiệt tình” - chị Võ Thị Như Hoa (Công ty Luật TNHH ATD) lấy kết quả hồ sơ tại bộ phận một cửa Sở KH&ĐT chia sẻ.
Thực tế cho thấy, nhiều chỉ tiêu trong kế hoạch ứng dụng CNTT đồng bộ của TP Hà Nội khi triển khai đạt kết quả cao hơn Chính phủ giao. Trên cơ sở đó, TP đã ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT năm 2019 với mục tiêu 100% UBND cấp xã được giao ban trực tuyến kết nối với UBND TP và sở, ngành, UBND cấp huyện; 80% cuộc họp triển khai nhiệm vụ, tổng kết... của TP và 30% cuộc họp có nhiều thành phần để giải quyết công việc từ sở, ngành, UBND cấp huyện đến xã được thực hiện trực tuyến...
Để cán đích mục tiêu này, TP đang tập trung đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức người dân về Thành phố thông minh, từng bước triển khai một số thành phần cơ bản của Thành phố thông minh như Trung tâm điều hành thông minh TP, giao thông, du lịch thông minh..
Bắt đầu từ “công dân điện tử”
Không chỉ tăng hiệu quả chỉ đạo điều hành, một kết quả quan trọng từ việc ứng dụng CNTT vào CCHC là Hà Nội triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tới cấp xã, dần hình thành những “công dân điện tử”, xây dựng “chính quyền điện tử”. Đến nay, toàn TP có 1.031 DVC đạt 55% TTHC của TP được cung cấp mức 3, 4, trong đó 138 DVC mức 4.
Để đạt mục tiêu đến 2020 có 100% TTHC thực hiện mức 3, 4, hướng tới xây dựng Thành phố thông minh, TP đã kết nối mạng diện rộng đến 584/584 xã, phường; triển khai Cổng DVCTT dùng chung cung cấp DVC mức 3, 4 trên nền tảng đồng bộ tại mọi quận, huyện, xã, phường.
Tại quận Đống Đa, xác định đẩy mạnh DVCTT mức 3, 4 là điều kiện quan trọng tăng hiệu quả CCHC, quận đã nâng cấp hạ tầng internet, mạng LAN tại trụ sở và BPMC quận đảm bảo đường truyền tốc độ cao; lắp wifi miễn phí hỗ trợ công dân giao dịch hành chính. Qua rà soát, quận đã bổ sung trên 60 máy tính, máy scan, máy in tốc độ cao cho UBND các phường, nâng cấp máy tính cho CBCC phòng chuyên môn đáp ứng cao nhất yêu cầu giải quyết hồ sơ trực tuyến.
Phó Trưởng phòng Nội vụ quận Đống Đa Vũ Trà Vinh cho hay: Nửa năm qua, việc giải quyết TTHC, DVCTT trên toàn quận đã được thống nhất trên hệ thống một cửa điện tử TP dùng chung 3 cấp. Đặc biệt, năm nay quận sẽ hoàn thành dự án “Cải tạo, nâng cấp hệ thống CNTT quận và BPMC 21 phường đáp ứng yêu cầu DVCTT mức 3, 4”, hứa hẹn nâng cao hiệu quả triển khai DVCTT.
Với quận Hai Bà Trưng, nhiều phường đã đạt 100% hồ sơ hành chính tư pháp thực hiện ở mức 3. “Thông qua thường xuyên cải tiến DVCTT mức 3, UBND phường luôn đạt 100% hồ sơ giải quyết đúng hạn, 98% công dân bày tỏ hài lòng. Đặc biệt, triển khai DVCTT giúp giảm đáng kể thời gian trả kết quả đối với thủ tục liên thông khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT và thời gian đi lại của công dân, vì có thể nộp hồ sơ tại bất cứ đâu có thiết bị kết nối internet” - Phó Chủ tịch UBND phường Bách Khoa Hoàng Thị Tuyết Lan nói.
Còn nhớ, khi mới triển khai DVCTT mức 3 cấp xã hơn 2 năm trước, nhiều người dân còn rất bỡ ngỡ nên CBCC thường phải làm thay, nay tỷ lệ tự nộp hồ sơ trực tuyến trung bình toàn TP đã đạt trên 70%. Không chỉ các quận - nơi cơ sở vật chất đã đồng bộ, mà nhiều địa bàn nông thôn cũng có bước tiến đáng kể trong thực hiện DVCTT. Tại BPMC xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, bà Nguyễn Thị Tỉnh vừa nhận đăng ký khai sinh cho cháu phấn khởi nói: “Tôi nhờ người hướng dẫn cách đăng ký khai sinh trên máy tính. Chỉ 2 hôm sau, đã nhận được cả giấy khai sinh, đăng ký thường trú, thẻ BHYT. Đúng là áp dụng DVCTT tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức, ở nhà cũng nộp được hồ sơ”.
Mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu song, nhiều cán bộ cơ sở phản ánh, triển khai phần mềm một cửa dùng chung 3 cấp trong cung cấp DVCTT vẫn gặp một số vướng mắc. Lãnh đạo phường Bách Khoa cho biết, thực hiện cấp sổ đỏ lần đầu khi công chức phường nhập dữ liệu vào phần mềm này thì chưa liên thông được với Phòng TN&MT quận. Do đó, các đơn vị chức năng cần sớm tháo gỡ, xử lý phần mềm thông suốt giúp CBCC thuận lợi giải quyết TTHC.
Bên cạnh đó, Phó Trưởng Phòng VHTT huyện Hoài Đức Nguyễn Viết Thanh cho rằng, ở khu vực ngoại thành chủ yếu tuyên truyền DVCTT mới bằng trực quan nên hiệu quả thấp, ít công dân tự nộp trực tuyến, trong khi huyện có nhiều Fanpage, Facebook… với số thành viên, lượng truy cập rất lớn. Sở TT&TT cần sớm có ý kiến về việc dùng các hình thức này để tuyên truyền DVCTT mức 3, 4 có đúng quy định không, giúp địa phương đa dạng phương thức, tăng hiệu quả tuyên truyền đến người dân.

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, năm nay TP sẽ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên các lĩnh vực cải cách theo hướng hiện đại hóa quản lý, điều hành và phục vụ của cơ quan Nhà nước, song song với tăng chất lượng cung cấp DVCTT, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của TP xây dựng chính quyền điện tử.