Hà Nội rà soát hệ thống cây xanh trong trường học

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Để phòng chống tai nạn thương tích, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị rà soát hệ thống cây xanh trong nhà trường không để gây mất an toàn cho học sinh.

Sở GD&ĐT Hà Nội đã có yêu cầu trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã; hiệu trưởng các trường học trực thuộc Sở và giám đốc các trung tâm GDNN-GDTX tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống tai nạn thương tích và phòng chống dịch bệnh trong trường học.
Theo đó, để phòng chống tai nạn thương tích, Sở GD&ĐT yêu cầu rà soát hệ thống cây xanh trong nhà trường không để gây mất an toàn trong trường học. Trường hợp nếu phát hiện cây có nguy cơ gẫy, đổ nhưng chưa kịp xử lý nhà trường phải có cảnh báo nguy hiểm và liên hệ ngay với cơ quan chuyên môn để được xử lý trong thời gian sớm nhất.
 Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị rà soát hệ thống cây xanh trong trường học để bảo đảm an toàn cho học sinh. 
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền việc phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em; vận động các gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát con em mình, không để các em vui chơi, đi bơi, tắm ở những vùng sông, hồ, ao...Nhà trường chỉ đạo giáo viên ở các tiết học cuối trước khi học sinh tan trường, thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo các em không được chơi đùa gần sông, hồ, ao... nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; không tự ý rủ nhau đi tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng...
Các trường chủ động phối hợp với các cấp chính quyền hướng dẫn học sinh tham gia những hoạt động vui chơi lành mạnh; tổ chức các lớp học bơi, học kỹ năng an toàn phòng chống tai nạn đuối nước trong thời gian nghỉ hè.
Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các đơn vị tăng cường thực hiện Quy chế phối hợp số 505/QCPH/SGDĐT-CATP ngày 27/2/2017 giữa Sở GD&ĐT và Công an TP về phối hợp bảo đảm an ninh trường học. Cụ thể về giáo dục an toàn giao thông; tăng cường phối hợp kiểm tra và tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy nhằm chủ động, kịp thời phát hiện và khắc phục những tồn tại thiếu sót về công tác PCCC tại các nhà trường, cơ sở giáo dục.
Các trường đặc biệt chú ý đường dây tải điện trong các lớp học, phòng thư viện nhằm tránh trường hợp dùng quá tải dòng điện gây cháy, nổ, mất an toàn cho giáo viên và học sinh.
Đặc biệt là kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất của nhà trường, như tường bao, móng, trần, tường nhà, bể nước, cống rãnh, hệ thống lưới điện, hệ thống quạt, điều hòa, đèn chiếu sáng trong các nhà trường. Đặc biệt chú ý đường dây tải điện trong các lớp học nhằm tránh trường hợp dùng quá tải dòng điện gây cháy, nổ, mất an toàn cho giáo viên và học sinh.
Các trường duy trì hoạt động có hiệu quả phòng tham vấn học đường. Đồng thời thông báo đến cán bộ giáo viên và hướng dẫn học sinh sử dụng, khai thác hiệu quả kho dữ liệu, học liệu số, nền tảng số và các video clip hỗ trợ tâm lý, kỹ năng học tập, sử dụng mạng xã hội an toàn... do Bộ GD&ĐT và các đơn vị xây dựng.
Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành về tín ngưỡng, tôn giáo đến cán bộ giáo viên, nhân viên, các trường có biện pháp nắm bắt tâm tư, tư tưởng chính trị trong cán bộ, giáo viên, nhân viên để có biện pháp phối hợp giải quyết.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi; cung cấp thông tin về Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111....
Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, vì vậy các trường tiếp tục tuyên truyền đến học sinh, giáo viên những biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo mùa, dịch sốt xuất huyết, dịch sởi, cúm, tay chân miệng. Đặc biệt chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; khuyến khích cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng...
Đối với công tác ngoại khóa, các đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống, chăm sóc các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn TP và phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”.
Khi nhà trường lựa chọn địa điểm tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, tham quan, học tập ngoại khóa cho giáo viên, nhân viên và học sinh trên địa bàn Thủ đô hoặc những tỉnh lân cận phải phù hợp với lứa tuổi. Việc tổ chức phải được thống nhất và đồng thuận của phụ huynh học sinh. Cũng như, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bố trí cán bộ giáo viên, phụ huynh cùng tham gia và quản lý học sinh bảo đảm tuyệt đối an toàn khi tổ chức.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần