Hà Nội rộng cửa đón nhà đầu tư

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ước mơ về một Hà Nội "thông minh, xanh, giàu đẹp, văn minh” đang được hiện thực hóa trong “Quy hoạch phát triển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Với mong muốn các nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước cùng góp sức tham gia, Hà Nội đã và đang ban hành nhiều chính sách mời gọi nhà đầu tư.
Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Theo Sở QHKT Hà Nội, Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, Thủ đô Hà Nội có diện tích khoảng 3.344km2, gồm đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh cùng các thị trấn sinh thái, góp phần quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội là “Vùng đô thị đa cực – tập trung”, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, phát triển hệ thống giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh, quản lý khu vực hành lang xanh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chứng kiến Lễ trao bản ghi nhớ hợp tác và đầu tư dự án xây dựng trường Đại học quản trị châu Âu tại Hà Nội năm 2017. Ảnh: Thanh Hải
Nằm trong Vùng Thủ đô gồm 9 tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang và 5 đô thị vệ tinh, TP Hà Nội có nhiều thuận lợi và tiềm năng để phát triển đầu tư thương mại và du lịch. Trong đó, một điểm thuận lợi quan trọng là Hà Nội có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và phát triển. Sân bay quốc tế Nội Bài (cách trung tâm TP 12km) hiện có đường bay trực tiếp đến hơn 40 quốc gia; kết tất cả các vùng miền của Việt Nam. Hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông có nhiều thuận lợi. Các cảng biển Hải Phòng và Cái Lân chỉ cách Hà Nội khoảng 100km. Hạ tầng các khu công nghiệp tương đối hoàn thiện, sẵn sàng mặt bằng phục vụ DN đầu tư. Tại Hà Nội đang hình thành các ngành dịch vụ chất lượng cao như: Ngân hàng, khách sạn, bệnh viện, trung tâm y tế chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng…

"Hà Nội đang không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng tăng trưởng, cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giảm ùn tắc giao thông; chỉnh trang và phát triển đô thị. Chính các yếu tố này sẽ thúc đẩy vốn đầu tư vào Hà Nội tăng mạnh trong thời gian tới." - TS Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội


"Điều quan trọng là chính quyền TP đã rất cởi mở trao đổi về những vấn đề mình gặp phải. Từ quan điểm của mình, tôi cho rằng, Hà Nội có nhiều lợi thế để thu hút vốn từ DN nước ngoài. Chính sách thông thoáng, minh bạch sẽ tạo điều kiện cho các NĐT, DN EU trên địa bàn làm ăn, kinh doanh, lâu dài, ổn định." - Ông Nicolas Audier - Đồng Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam

Dự kiến, đến năm 2030, dân số TP Hà Nội đạt khoảng 9 - 9,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 65 - 68%. Định hướng phát triển cũng như thu hút đầu tư của Hà Nội từ nay đến năm 2030 sẽ tập trung vào một số lĩnh vực như phát triển hạ tầng đường sắt, hệ thống đường vành đai, hệ thống trục hướng tâm, bãi đỗ xe và giao thông công cộng; Xây dựng đô thị với các đô thị vệ tinh theo hướng đô thị xanh - sạch - đẹp; Giải quyết các vấn đề liên quan đến nước, xử lý rác thải; Phát triển các khu, cụm công nghiệp cũng như logistic; Quan tâm đẩy mạnh giáo dục chất lượng cao; Xây dựng bệnh viện hiện đại; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây sẽ là cơ hội rất lớn cho NĐT muốn tham gia phát triển vào các lĩnh vực, dự án của TP.

Gỡ rào cản, đa dạng hóa nguồn vốn

Trong bối cảnh ngân sách chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông, Hà Nội đã định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hơn 80% nhu cầu còn lại. TP luôn xác định nguồn lực đầu tư từ cộng đồng các DN trong và ngoài nước sẽ góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, định hướng phát triển của TP. Trong thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục ưu tiên và kêu gọi đầu tư qua các hình thức FDI, hợp tác công tư (PPP), xã hội hóa,…

Trong những năm gần đây, chính quyền TP đặc biệt quan tâm đến hoạt động thu hút đầu tư và cam kết tiên phong về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, đồng hành cùng DN. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… “TP xác định mục tiêu: Lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ, sẵn sàng tiếp đón và giải đáp yêu cầu của các DN, các NĐT đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định.

5 năm qua, thứ hạng môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội liên tục được cải thiện. TP chỉ đạo quyết liệt về xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường ứng dụng CNTT, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm thời gian, chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ cho DN. Đã cắt giảm, liên thông các thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền năng động, sáng tạo, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Người đứng đầu TP khẳng định, Hà Nội mong muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác với các quốc gia, TP, DN, NĐT các nước, luôn trân trọng từng đồng vốn của NĐT, xem đây là thước đo cho sự tin tưởng vào những nỗ lực của TP trong thu hút đầu tư. Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện để phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn đó theo đúng định hướng, mục tiêu của TP, mang lại lợi ích cao nhất cho DN và cộng đồng.

Tại Hội nghị "Hà Nội Hợp tác đầu tư & phát triển” năm 2016 - 2017, các NĐT đã cam kết hợp tác 26 nội dung thuộc 10 chương trình trong các lĩnh vực: Viễn thông, hạ tầng đô thị cấp nước, công viên, khu vui chơi giải trí, nhà ở, y tế và dịch vụ thương mại… Cũng trong 2 hội nghị, này các NĐT đã ký cam kết thực hiện 100 dự án với tổng vốn đầu tư 374.369 tỷ đồng.

Trong 2 năm qua, nhiều chương trình đã hoàn thành một phần theo kế hoạch hoặc đã đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả như Công ty TNHH AeonMall Việt Nam tặng TP 3.000 cây hoa Anh đào, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam hỗ trợ 3 xe cần cẩu cắt tỉa cây xanh; Công ty TNHH TM và DV Tân Hoàng Minh và Tập đoàn Thai Group hỗ trợ 36 xe thu gom rác đạt tiêu chuẩn quốc tế; Tập đoàn Vingroup hỗ trợ 5 xe kiểm tra an toàn thực phẩm, trị giá khoảng 40 tỷ đồng. Các DN đã phối hợp với TP triển khai xây dựng công trình hạ ngầm dây viễn thông và điện lực tại 18 tuyến phố, tổng chiều dài trên 27,5km, tổng vốn đầu tư 70 tỷ đồng, góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại…

Nhiều DN đã tích cực tham gia ủng hộ các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ kinh phí để xây dựng, sửa chữa các công trình công ích như Công ty CP Nước mặt Sông Đuống, VietinBank, Công ty CP Him Lam…

Thời gian qua, nhiều dự án công viên lớn, hiện đại đã được khởi công như công viên, hồ điều hòa tại phường Yên Hòa (Cầu Giấy); Công viên Kim Quy (Đông Anh)… Các hoạt động hỗ trợ không những phát huy hiệu quả thiết thực mà còn khuyến khích các đơn vị khác cùng tham gia thực hiện. Tập đoàn Kinderworld phối hợp với Tổ chức phẫu thuật nụ cười để thực hiện hỗ trợ chi phí phẫu thuật dị tật hàm ếch cho 383 trẻ em. Đồng thời tập đoàn này hỗ trợ thiết bị uống nước sạch tại vòi đạt tiêu chuẩn nước uống QCVN 01: 2009 của Bộ Y tế cho học sinh 6 trường công lập tại 2 huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa với quy mô công suất khoảng 3.000 lít nước uống/ngày. Không chịu thua kém, Công ty CP Đầu tư Văn Phú Invest đã hỗ trợ 40 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp, xây mới khu vệ sinh của một số trường học trên địa bàn các huyện Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức, Phú Xuyên và Ba Vì. (Lê Nam)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần