Hà Nội: Sản xuất công nghiệp tăng hơn 9%, xuất khẩu tăng 8,1%

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Hà Nội đạt 5,890 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước.

Dây chuyền sản xuất đồ gia dụng tại Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội. Ảnh minh họa

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 5,890 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 3,129 tỷ USD, giảm 2,7%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,761 tỷ USD, tăng 23,7%.

Các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước là: Điện thoại và linh kiện đạt 147,2 triệu USD, gấp 2,1 lần cùng kỳ; giày dép đạt 136,2 triệu USD, tăng 39,8%; thủy tinh và sản phẩm từ thủy tinh đạt 167,5 triệu USD, tăng 29,8%; máy móc, thiết bị đạt 791,5 triệu USD, tăng 24,8%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 273,9 triệu USD, tăng 24,6%.

Có 2 nhóm hàng giảm gồm: Nông sản đạt 315,2 triệu USD, giảm 7,1% và xăng dầu đạt 231,5 triệu USD, giảm 38,2%.

Cũng trong tháng 5, mặc dù xuất hiện nhiều ca lây nhiễm Covid-19 nhưng TP Hà Nội đã nỗ lực khoanh vùng, kiểm soát, khống chế dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 5 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái (5 tháng đầu năm 2020 tăng 2,6%); trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 6%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 6,9%; công nghiệp khai khoáng tăng 3,4%.

Hầu hết các ngành chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng so với cùng kỳ năm ngoái và có một số ngành đạt mức tăng cao như: Sản xuất đồ uống tăng 28,1%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 19%; sản xuất xe có động cơ tăng 18,8%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 17,3%; sản xuất trang phục tăng 15,2%; sản xuất sản phẩm thuốc lá và sản xuất máy móc, thiết bị cùng tăng 15%.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng, TP đã giao Sở làm cơ quan thường trực trong việc kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 và duy trì sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, quyết tâm không để đứt gãy chuỗi sản xuất tại các cơ sở công nghiệp làm tốt công tác phòng, chống dịch tại các khu, cụm công nghiệp không để chuỗi sản xuất bị “đứt gãy” cũng là giải pháp nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, đa phần các DN hoạt động tại cụm công nghiệp của Hà Nội đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Với các biện pháp kiên quyết của các cấp, ngành, sự nỗ lực của cộng đồng DN, người lao động sẽ giúp các khu, cụm công nghiệp TP Hà Nội được bảo vệ an toàn, duy trì hoạt động sản xuất.