Hà Nội: Sản xuất, xuất khẩu hàng hóa tăng trở lại

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến công tác tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020 của UBND Thành phố.

Dự hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành. Lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn thuộc thành phố dự tại các điểm cầu.
Xuất khẩu hàng hóa tháng 5 tăng 4,7% so với tháng trước 
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Mạnh Quền báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước tháng 5, nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 năm 2020.
Theo đó, tổng thu NSNN trên địa bàn Thành phố 5 tháng đầu năm đạt 102.923 tỷ đồng, đạt 36,9% dự toán, bằng 94,8% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 23.724 tỷ đồng, đạt 23% dự toán.
  Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến công tác tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020 của UBND Thành phố.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước tính đạt 1.120 triệu USD, tăng 4,7% so với tháng trước và giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu các nhóm hàng trong tháng 5 đều tăng so với tháng trước, nhưng vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, điểm sáng trong xuất khẩu là kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng gốm sứ tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước; máy móc thiết bị, phụ tùng tăng 4,2%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 19,4%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 5.339 triệu USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5 ước tính đạt 2.248 triệu USD, tăng 2,8% so với tháng trước và giảm 18,4% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 11,2 tỷ USD, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng nguồn vốn huy động vốn tại các ngân hàng đạt 3.597 nghìn tỷ đồng, tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,6% so với đầu năm. Lượng tiền gửi đạt 3.336 nghìn tỷ đồng, chiếm 92,8% tổng nguồn vốn huy động, tăng 2,7% so với đầu năm (trong đó tiền gửi tiết kiệm đạt 1.382 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3%; tiền gửi thanh toán đạt 1.954 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8%); phát hành giấy tờ có giá đạt 261 nghìn tỷ đồng, chiếm 7,2% tổng nguồn vốn huy động, tăng 1,3%.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định của Ngân hàng Nhà nước và xem xét cho khách hàng vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 4% (cùng kỳ tăng 4,1%). Trong tháng có 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là giao thông (giảm 2,18%) và hàng ăn và dịch vụ ăn uống (giảm 0,82%); nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,89%; các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số CPI tăng hoặc giữ mức tháng trước, trong đó: đồ uống và thuốc lá tăng 0,16%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; giáo dục tăng 0,01%.

Sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 12,3% so với tháng trước
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 12,3% so với tháng trước và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

Lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp trong Tháng 5 tăng 0,5% so với tháng trước và giảm 1% so với cùng thời kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh nghiệp khu vực Nhà nước giảm 5,8%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 0,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,7%.

Vận tải hàng hóa Tháng 5 ước đạt 70 triệu tấn, tăng 49,4% so với tháng trước; khối lượng hàng hóa luân chuyển ước đạt 6.907 triệu tấn.km, tăng 45%; doanh thu ước đạt 3.612 tỷ đồng, tăng 37,9%.
 Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị
Vận tải hành khách Tháng 5 ước đạt 22,2 triệu hành khách, tăng 97,3% so với tháng trước; số lượt hành khách luân chuyển trong tháng ước đạt 578 triệu hành khách.km, tăng 49,7%; doanh thu ước đạt 1.190 tỷ đồng, tăng 110%.

Du lịch chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19

Trong Tháng 5, khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 258 nghìn lượt khách, giảm 87,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 812 tỷ đồng, giảm 88,7% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 4,13 triệu lượt, giảm 64,5% cùng kỳ.

Trong đó: khách quốc tế ước đạt 961 nghìn lượt khách, giảm 65,2% cùng kỳ 2019 (bao gồm: 692 nghìn lượt khách quốc tế lưu trú và 269 nghìn lượt khách du lịch quốc tế trong ngày); khách du lịch nội địa ước đạt khoảng 3,17 triệu lượt, giảm 63,3% so với cùng kỳ 2019 (bao gồm: 1,08 triệu lượt khách du lịch nội địa có lưu trú và 2,09 triệu lượt khách du lịch nội địa trong ngày); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 16.639 tỷ đồng, giảm 59,3% so với cùng kỳ năm trước (tương đương giảm 24.287 tỷ đồng). Công suất sử dụng phòng khách sạn trung bình đạt khoảng 32.25%, giảm 38.37% cùng kỳ.

Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh

Tập trung chỉ đạo, đôn đốc hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và tháo gỡ khó khăn; đồng thời rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, tạo môi trường đầu tư lành mạnh và bình đẳng trong tiếp cận đất đai.

Đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai thực hiện các chính sách của Thành phố về cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành công ty... Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 đạt 68,8 điểm, tăng 3,4 điểm so với năm trước, duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố.
Kết quả này tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Thành phố.

Thu hút đầu tư nước ngoài 5 tháng đầu năm đạt 1.056 triệu USD, trong đó: cấp mới 264 dự án với vốn đầu tư đăng ký 334 triệu USD; 67 lượt dự án tăng vốn với vốn đầu tư đăng ký 381,17 triệu USD; 475 lượt chấp thuận góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam với trị giá 341,5 triệu USD.

Singapore là quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất với 262,7 triệu USD, chiếm 28,3%; tiếp theo là Nhật Bản - 230 triệu USD, chiếm 24,8%; Đài Loan - 185,5 triệu USD, chiếm 20%; Hàn Quốc - 106,9 triệu USD, chiếm 11,4% và các quốc gia khác.

Thu hút đầu tư trong nước: Quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt điều chỉnh vốn đầu tư 29 dự án, tổng số vốn phê duyệt và tăng thêm 9.058 tỷ đồng.
Cấp Giấy chứng nhận 12.260 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 181,4 nghìn tỷ đồng, giảm 10% về số lượng doanh nghiệp nhưng tăng 9% vốn đăng ký so với cùng kỳ; có 1.261 doanh nghiệp giải thể, tăng 25% cùng kỳ; 7.075 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 49% cùng kỳ; 3.669 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 24% cùng kỳ.

Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đến nay đạt 290.650 doanh nghiệp. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn.

Triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên Thành phố tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 6, cụ thể như sau:

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch Covid-19, sẵn sàng ứng phó các tình huống phát sinh; đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành hướng dẫn, giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh hoạt động trở lại; triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế.

Chuẩn bị và triển khai tốt các điều kiện tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội Đảng bộ Thành phố. Chuẩn bị tốt nội dung phục vụ các chương trình làm việc của Thành ủy và HĐND Thành phố.

Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 07/CTr-UBND ngày 09/01/2020 và Chương trình công tác số 21/CTr-UBND ngày 30/01/2020 của UBND Thành phố đảm bảo đúng tiến độ. Triển khai nhanh chóng, kịp thời các cơ chế chính sách của Chính phủ và Thành phố hỗ trợ, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội do tác động của dịch Covid-19.

Rà soát tình hình tài chính, ngân sách để xây dựng kịch bản điều hành chi ngân sách hiệu quả, kịp thời đáp ứng yêu cầu các nhiệm vụ cấp bách cũng như thường xuyên. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án khởi công, hoàn thành chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố và Đại hội Đảng toàn quốc. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư. Tổ chức thành công hội nghị xúc tiến, thu hút đầu tư năm 2020 của Thành phố. Duy trì và mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 gắn với tuyên truyền, khuyến khích người dân tham gia.

Tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đảm bảo cung ứng hàng hóa; tổ chức tốt các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm của Thành phố và nông sản, thực phẩm của các địa phương trên địa bàn Thành phố. Chủ động phòng, chống bệnh dịch trên cây trồng, vật nuôi; kịp thời thu hoạch cây trồng vụ xuân; tiếp tục đẩy mạnh tái đàn lợn. Triển khai tốt công tác phòng, chống thiên tai, nhất là công tác tiêu thoát nước, an toàn lưới điện...
 Quang cảnh phiên họp

Duy trì tốt hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải trong cụm công nghiệp. Tích cực phối hợp tốt với các Bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ công tác vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hoàn thành đúng tiến độ công tác giao đất dịch vụ cho nhân dân.

Đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng các chính sách cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh trên người, nhất là sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè. Chỉ đạo, hướng dẫn các trường hoàn thành chương trình Học kỳ II năm học 2019 - 2020; hoàn thành việc kiểm tra, thi học kỳ, đánh giá, xếp loại học sinh theo quy định của Bộ GDĐT. Chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, tuyển sinh các lớp đầu cấp.

Tăng cường trách nhiệm của cấp cơ sở trong tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng, khiếu kiện tập trung đông người tiềm ẩn mất an ninh, trật tự. Đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, văn hóa, ngoại giao trên địa bàn. Tăng cường phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm có tổ chức, ma túy, tín dụng đen, xâm hại.

Đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân; chú trọng các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong những vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù của Thành phố. Thực hiện tốt các nội dung, chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thanh, kiểm tra thái độ phục vụ, thực hiện nhiệm vụ của công chức

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thành phố đang phấn đấu dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính tiếp tục cao hơn mức trung bình cả nước trong năm 2020.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, năm 2019 Chỉ số cải cách hành chính của thành phố Hà Nội đạt 84,64%, cao hơn năm 2018 0,66%, tiếp tục xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính tiếp tục duy trì hơn 80%, thấp hơn trung bình chung của cả nước 4,36%.

Để đạt được mục tiêu dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính tiếp tục cao hơn mức trung bình cả nước trong năm 2020, thành phố đã xây dựng, ban hành kế hoạch nâng cao các chỉ số nêu trên trong năm 2020, trong đó xác định rõ mục tiêu phấn đấu đối với các chỉ số, chỉ số thành phần, xác định trách nhiệm cụ thể đối với từng sở, ngành, UBND các cấp.

Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ngành, UBND các cấp tập trung tuyên truyền kết quả công tác cải cách hành chính để nâng cao nhận thức, ủng hộ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thành phố cũng giao Sở Nội vụ, Văn phòng UBND thành phố triển khai ngay các đợt thanh, kiểm tra thái độ phục vụ và việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp, trong đó trọng tâm năm 2020 là lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Cũng từ năm 2020, thành phố cũng sẽ công bố Chỉ số hài lòng của các cơ quan, đơn vị cùng với Chỉ số cải cách hành chính hằng năm.

Rà soát hệ thống cây xanh trong khuôn viên các trường 

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng cho biết, ngày 27/5 vừa qua, Sở đã yêu cầu các trường học trên địa bàn TP phối hợp với các sở ban ngành TP, các địa phương tiếp tục quan tâm về công tác phòng chống tai nạn thương tích trong khuôn viên các trường. 

  Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Chử Xuân Dũng tại hội nghị

“Năm học này khác so với những năm học khác, đáng nhẽ đây là thời gian nghỉ hè của học sinh nhưng do tình hình dịch bệnh nên năm học này kéo dài đến giữa tháng 7 đúng mùa mưa bão” – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nói và đề nghị các trường học chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý và cơ quan chuyên môn để triển khai việc rà soát hệ thống cây xanh trong khuôn viên các trường để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên, cán bộ nhà trường trong mùa mưa bão.

Ngoài ra, ngành Giáo dục cũng đề nghị các trường tiếp tục quan tâm đến công tác phòng chống đuối nước; đảm bảo an toàn giao thông, các nhà trường tuyên truyền đến cha mẹ học sinh kiên quyết không giao xe cho con khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe; cam kết thực hiện nghiêm túc việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Yêu cầu các phường cần chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy.

Tổ chức kiểm tra cơ sở vật chất của các trường như tường rào, trần, tường nhà, hệ thống cống rãnh, lưới điện, tránh gây mất an toàn cho học sinh. Tăng cường kiểm soát khách đến thăm trường, xe vào trường trong thời điểm giờ ra chơi của học sinh. Đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn…

Dư luận đánh giá cao Hà Nội phòng chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức cho biết, vừa qua, báo chí, dư luận đánh giá cao những giải pháp của Thành phố trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Cùng với đó, Thành phố Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc hỗ trợ người dân khó khăn do dịch bệnh, có thể nói, tiền hôc trợ rất nhanh chóng đến tay người dân, giúp người dân đỡ khó khăn.

  Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu tại hội nghị

Ngay sau khi kiểm soát dịch bệnh, Thành phố cũng có nhiều kế hoạch, triển khai giải pháp phục hồi kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất. Trong đó, Sở Công Thương Hà Nội và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đồng phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức “Hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020” và trưng bày sản giới thiệu sản phẩm hàng quy mô 50 gian hàng tại vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm). Đây được đánh giá là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch Covid- 19.

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị tổ chức đại hội Đảng, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị đề nghị các sở ngành, địa phương phối hợp với báo Kinh tế & Đô thị, Hà Nội mới đẩy mạnh tuyên truyền về đại hội.

Thời gian tới, Báo Kinh tế & Đô thị tiếp tục tăng cường tuyên truyền kinh tế xã hội, chính sách an sinh xã hội, các gói hỗ trợ doanh nghiệp... các chính sách, chủ trương, hoạt động của Thành phố.

Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị kiến nghị UBND Thành phố sớm triển khai sơ kết công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Trong đó, khen thưởng các đơn vị báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin phòng chống dịch.