Hà Nội sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế: Đẩy mạnh chuyển sang cơ chế tự chủ

Bài, ảnh: Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2017, Hà Nội tập trung kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế (TGBC), đến nay đạt kết quả rõ nét.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% biên chế, TP còn rất nhiều việc phải làm, nhất là trong thực hiện chính sách tự chủ tại các đơn vị.

Tinh giản hơn 1.200 biên chế

Theo Sở Nội vụ, từ đầu năm đến nay, TP đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết của HĐND TP về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2017. Cụ thể, đã sắp xếp xong 70 ban quản lý dự án (BQLDA) thành 41 BQLDA, tổ chức lại Quỹ đầu tư phát triển TP trên cơ sở hợp nhất 3 Quỹ. Với đơn vị sự nghiệp cấp huyện, đã sáp nhập trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, trung tâm thể thao và đài truyền thanh huyện thành trung tâm Văn hóa thông tin & Thể thao; sáp nhập các trung tâm phát triển cụm công nghiệp vào BQLDA huyện, sáp nhập ban bồi thường GPMB 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng vào BQLDA quận; sáp nhập ban bồi thường GPMB và chi nhánh phát triển quỹ đất thành trung tâm phát triển quỹ đất thuộc UBND huyện...

Công chức bộ phận một cửa UBND huyện Mê Linh giải quyết TTHC cho người dân.

Đặc biệt, về TGBC, đến thời điểm này, TP đã tinh giản được 1.267 biên chế, gồm 282 công chức và 668 viên chức do sắp xếp tổ chức bộ máy, 317 biên chế theo phương án chuyển đơn vị sự nghiệp sang công ty cổ phần. Đồng thời, đã giải quyết 551 trường hợp nghỉ tinh giản theo Nghị định 108. Để đẩy mạnh TGBC làm cơ sở cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), UBND TP cũng xây dựng xong cơ chế đặc thù khuyến khích đối tượng nghỉ tự nguyện TGBC, báo cáo Thủ tướng, Bộ Nội vụ.

Chấm dứt tư duy ỉ lại

Từ kết quả đã đạt được, TP vừa có văn bản đề xuất, để quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ biên chế được giao năm 2018, cần tăng tuyên truyền, thực hiện tốt Nghị quyết 39-NQ/TƯ, các nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 (Khóa XII). Cùng với hoàn thành sắp xếp các đội thanh tra xây dựng, các chi cục thuộc Sở NN&PTNT, Trung tâm Điều hành - giám sát CNTT TP. Đáng chú ý, TP đề xuất đẩy mạnh chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp (nhất là giáo dục, y tế) sang cơ chế tự chủ theo Nghị định 16 của Chính phủ, chuyển sang mô hình công ty cổ phần theo Quyết định 22 của Thủ tướng.

Xác định đẩy mạnh tự chủ kinh phí chi thường xuyên để giảm chi ngân sách, giảm biên chế là giải pháp căn bản quyết định kết quả tinh giản 10%, TP cũng chỉ đạo Sở Nội vụ ban hành công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị đăng ký kế hoạch tự chủ giai đoạn 2017 - 2021. Trong đó, định hướng tập trung chuyển sang tự chủ với các bệnh viện tuyến TP, trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng; đơn vị văn hóa, nghệ thuật… Với UBND cấp huyện, cần chuyển tự chủ các trường chất lượng cao khối THCS, tiểu học, mầm non (6 trường/quận; 3 trường/huyện, thị xã). Đến nay, toàn TP có 208 đơn vị đăng ký tới 2021 sẽ thực hiện tự chủ chi thường xuyên, với gần 16.300 biên chế, trong đó, 19 đơn vị y tế (7.478 biên chế), 85 đơn vị giáo dục (4.051 biên chế), còn lại các lĩnh vực khác. Ngoài ra, có 10 đơn vị đăng ký tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư (899 biên chế).

Tuy nhiên, Hà Nội dù có hàng trăm đơn vị sự nghiệp công lập nhưng năm nay mới có thêm 5 đơn vị tự chủ kinh phí thường xuyên, với 1.145 biên chế, nâng số đơn vị đã chuyển sang tự chủ lên 95, với 6.635 biên chế viên chức. Việc thực hiện tự chủ vẫn chậm, có nơi còn tư duy ỷ lại, trông chờ bao cấp. “Chúng tôi đang yêu cầu mọi đơn vị giáo dục chuyên nghiệp, đơn vị y tế tuyến tỉnh đăng ký trong năm 2018 chuyển sang tự chủ hết. Đồng thời, đã giao các quận, huyện (với trường chất lượng cao), toàn bộ BQL chợ cũng phải chuyển đổi. TP và bản thân tôi rất kiên quyết, nên các đơn vị phải rất sẵn sàng” - Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng nhấn mạnh. Đồng thời đề nghị, HĐND TP tiếp tục đưa vào nghị quyết tới đây có cơ chế làm cái “gậy” cho các cơ quan, đơn vị quyết liệt đẩy nhanh tự chủ.

“Với khối sở ngành, nơi nào được tăng nhiệm vụ và UBND TP thấy cần thiết thì có thể tăng biên chế hoặc không cắt giảm; nhưng nơi nào do yêu cầu, ứng dụng được CNTT, có thể giảm thì cần giảm nhiều. Với những quận mới chưa nên cắt biên chế; chỉ xem xét giảm ở những quận, huyện đã ổn định. Đặc biệt, với số viên chức, đề nghị đẩy nhanh tự chủ hóa tại các đơn vị sự nghiệp công lập, kiện toàn đơn vị đã hợp nhất để cắt giảm, nhất là tại 5 BQLDA”.

Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam