Hà Nội sắp xếp đầu mối, tinh giản biên chế: Kết quả bước đầu nhưng còn nhiều vướng mắc

Bài, ảnh: Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, Hà Nội đã đạt kết quả bước đầu rất khả quan, được dư luận đánh giá cao. Dù vậy, thực tế từ cơ sở cho thấy còn không ít vướng mắc cần được tháo gỡ không chỉ bằng cơ chế, chính sách mà còn đòi hỏi quyết tâm cao hơn từ TP đến cơ sở để đạt được mục tiêu đề ra.

Bài 1: Những cách làm dân chủ, sáng tạo
 Công dân tra cứu thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Gia Lâm. 
Thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế (TGBC), cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC)”, Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị T.Ư 6 khóa XII “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Hà Nội được T.Ư đánh giá đã triển khai nghiêm túc, chủ động với nhiều cách làm dân chủ, sáng tạo; được nhiều địa phương học tập.
Giảm hàng trăm phòng, ban, đơn vị
Thực tế trước đây, hệ thống cơ quan, đơn vị của TP nhiều nơi có sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, một việc nhiều người làm. Nhất là trong không ít cơ quan hành chính, các bộ phận liên quan bị chồng chéo chức năng, dẫn đến không rõ đầu mối, không rõ người chịu trách nhiệm đến cùng. Với phương châm “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt”, Thành ủy đã sớm ban hành Kế hoạch 05 ngày 25/2/2016 thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW; UBND TP ban hành Kế hoạch 16 ngày 20/1/2016 rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) toàn TP, lập tiểu ban chỉ đạo (BCĐ) tổ chức triển khai. Đến thời điểm này, TP đã cơ bản sắp xếp, tinh gọn xong các cơ quan hành chính, ĐVSN thuộc TP.
Theo số liệu của Sở Nội vụ, toàn TP đã hoàn thành sắp xếp bộ máy 23 sở và tương đương. Sau sắp xếp giảm một cơ quan hành chính ngang sở (cơ quan thường trực BCĐ GPMB), 49 phòng (từ 208 còn 159 phòng), giảm 29 trưởng phòng, 120 phó trưởng phòng; thống nhất tổ chức 12 phòng chuyên môn tại 30 quận, huyện, thị xã. TP giảm 3 phòng Dân tộc tại huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức; thí điểm lập Đội quản lý trật tự xây dựng - đô thị (TTXD-ĐT) thuộc UBND cấp huyện; kiện toàn 102 BCĐ thuộc UBND TP còn 28 BCĐ, giảm 72,5%. Việc sắp xếp ĐVSN cũng đạt kết quả khả quan: ĐVSN trực thuộc sở từ 401 còn 280 đơn vị, giảm 30,2%; ĐVSN công lập cấp huyện từ 206 còn 96 đơn vị, giảm tới 53,4%.
TP đang hoàn thành Đề án Sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH, tổ chức Trung tâm Điều hành thông minh TP, thí điểm Văn phòng tư vấn dịch vụ hành chính công quận Long Biên. Sau sắp xếp, TP cũng đã ban hành 23 quyết định quy định chức năng, cơ cấu tổ chức các sở và tương đương; hướng dẫn mẫu chức năng, cơ cấu tổ chức các phòng cấp huyện đảm bảo “tinh gọn nhưng không bỏ sót chức năng quản lý Nhà nước.
Cùng với đó, UBND TP ban hành những quyết định phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, tiền lương trong cơ quan hành chính, ĐVSNCL; giao quyền, trách nhiệm cho thủ trưởng đơn vị; cắt giảm sau sắp xếp được 668 biên chế; chỉ đạo các cơ quan sáp nhập sớm quy định chức năng cụ thể các phòng ban, hoàn thiện vị trí việc làm; cán bộ sau sắp xếp không còn giữ chức vụ được bảo lưu phụ cấp, ưu tiên bổ nhiệm khi có điều kiện; trường hợp dôi dư được TGBC trên cơ sở nguyện vọng… Điều đáng nói, công tác sắp xếp bộ máy của TP đến nay cơ bản không xảy ra đơn thư, các đơn vị sớm ổn định để thực hiện nhiệm vụ.
Nhiều cách làm hay từ cơ sở
Khảo sát thực tế cho thấy, công tác cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước của TP đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ. Tổ chức bộ máy gọn nhẹ, từ TP đến cơ sở tinh thần “5 rõ”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt” mang lại hiệu quả hơn. Đặc biệt, từ TP đến tận xã, phường đã cơ bản giải quyết chồng chéo về chức năng nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị tới phòng, ban... Nhiều cách làm sáng tạo từ cơ sở đã góp phần tạo nên kết quả khả quan chung toàn TP.
UBND TP đã xây dựng cơ chế đặc thù khuyến khích đối tượng nghỉ tự nguyện TGBC báo cáo Thủ tướng, Bộ Nội vụ. Kết quả từ 2016 đến hết tháng 4/2019, toàn TP đã phê duyệt danh sách, kinh phí TGBC được 17 đợt cho 851 người (gồm 805 người nghỉ hưu trước tuổi và 46 người nghỉ việc do dôi dư sau sắp xếp bộ máy, sức khỏe không đảm bảo…) với tổng kinh phí 83,861 tỷ đồng. Tính chung thời điểm đầu năm 2016 trước khi thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, toàn TP có 9.408 công chức và 135.123 viên chức thì đến nay còn 8.267 công chức và 123.765 viên chức (chủ yếu do các trường hợp chuyển sang ĐVSN tự chủ chi thường xuyên, do nghỉ theo theo Nghị định 108 và Nghị định 113, do luân chuyển…).

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Gia Lâm Lưu Thị Ngọc Yến chia sẻ: Trước đây, lĩnh vực văn hóa thông tin - thể dục thể thao (VHTT-TDTT) có 3 cơ quan cùng quản lý công tác tuyên truyền là Nhà VHTT, Trung tâm TDTT, Đài Phát thanh; nay sáp nhập thành Trung tâm VHTT-TDTT, chỉ một đầu mối phụ trách tuyên truyền nên dễ thực hiện hơn. Đơn cử khi huyện muốn tuyên truyền về cải cách hành chính (CCHC), Phòng Nội vụ chỉ cần chuyển nội dung sang, Trung tâm sẽ chủ động thực hiện.
“Trung tâm vẫn có 3 bộ phận bên trong nhưng do một người chỉ đạo nên toàn diện, cụ thể, tiết kiệm hơn; các lĩnh vực được tuyên truyền sâu rộng, tính chuyên môn cao, thay vì trước kia tuyên truyền có lúc không sát ý tưởng” - bà Yến cho biết. Đáng chú ý, năm 2016 chủ động rà soát, nhận thấy một số BCĐ tại phòng chuyên môn trùng về chức năng, UBND huyện đã giao về một đầu mối. Nhất là các BCĐ về CCHC, ứng dụng CNTT, ISO có tương đồng nhiệm vụ, bởi ISO hay ứng dụng CNTT đều là một phần của CCHC, nên Phòng đã tham mưu, UBND huyện quyết định sáp nhập 3 BCĐ thành BCĐ CCHC - ISO - ứng dụng CNTT do Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban.
“Nhập các BCĐ này giúp chỉ đạo thông suốt, toàn diện cho cả 3 nhiệm vụ, giảm số người, chồng chéo nhiệm vụ, thời gian họp” - bà Yến khẳng định. 3 năm qua, huyện đã ghép những BCĐ trực thuộc theo hướng tinh gọn hiệu quả, từ 40 giảm còn 25 BCĐ. Tháng 8/2017, huyện còn thí điểm cơ cấu lại đội ngũ hoạt động không chuyên trách cấp xã, rút từ 15 chức danh với xã, 13 chức danh với thị trấn còn 7 chức danh. Từ thực tế của huyện Gia Lâm, năm 2018 được TP áp dụng tại các quận, huyện khác.
Tại Sơn Tây, Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy Đỗ Thị Lan Hương chia sẻ: Ngay khi có các nghị quyết của T.Ư, chỉ đạo của TP, UBND thị xã sớm ban hành hướng dẫn cụ thể. UBND thị xã hiện có 13 cơ quan chuyên môn, 6 ĐVSN (giảm 2 ĐVSN so với hồi tháng 9/2016). Trong đó, Trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên Sơn Tây được thành lập trên cơ sở nhập Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp và Trung tâm GD thường xuyên, từ 38 biên chế được giao trước khi sáp nhập nay còn 32 người, bộ máy hoạt động hiệu quả, đảm bảo chế độ NLĐ. Thực hiện quyết định của TP về thí điểm Đội Quản lý TTXD-ĐT trực thuộc cấp huyện, UBND thị xã cũng tiếp nhận nguyên trạng Đội Thanh tra xây dựng thị xã với 29 người, đã hoạt động ổn định.
Đối với khối sở, ngành, ngay khi nhận được văn bản chỉ đạo của Thành ủy, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các chi bộ xây dựng kế hoạch hành động gắn với nhiệm vụ chính trị của phòng, ban; chỉ đạo Phòng GD&ĐT quận, huyện, ĐVSNCL tuyên truyền nâng cao nhận thức mọi cán bộ, giáo viên. Theo đó, Sở đã giảm từ 13 xuống còn 9 phòng chuyên môn (thấp hơn quy định của Bộ). Ngay sau sắp xếp, Sở ban hành quy định chức năng, nhiệm vụ các phòng; bố trí nhân sự, kiện toàn lãnh đạo các phòng đảm bảo nguyên tắc “rõ người, kín việc, không bị chồng chéo”. Do tuyên truyền tốt, đầy đủ chế độ cho cán bộ… 3 năm qua, việc sắp xếp nhân sự tại Sở giữ ổn định; 9 phòng sau khi được tinh gọn đã tăng hiệu lực, hiệu quả rõ rệt.

(Còn nữa)