Hà Nội sẽ ban hành 10 chương trình công tác toàn khoá vào ngày 17/3/2021

Trần Long - Thuỳ Linh - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 11/3, tóm tắt, tiếp thu các ý kiến thảo luận tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVII), Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ TP thống nhất giao Ban Thường vụ Thành ủy ký ban hành 10 chương trình công tác này vào ngày 17/3/2021 - đúng kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng bộ TP Hà Nội…

Theo đó, tổng hợp các ý kiến thảo luận góp ý vào Dự thảo 10 chương trình công tác toàn khóa được trình bày tại Hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo - Tổ trưởng Tổ Thảo luận số 1 cho biết: Với 24 ý kiến thảo luận, đa số đại biểu trong Tổ ghi nhận công tác chuẩn bị dự thảo các chương trình công tác được tiến hành có bài bản, công phu với đề cương chi tiết nên dễ nghiên cứu, so sánh, theo dõi, đánh giá. 
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị.
So với nhiệm kỳ trước, các đại điểu cho rằng các chương trình công tác của khóa này thể hiện chi tiết, tỉ mỉ hơn với cơ sở thực tiễn cao để đưa các chương trình sớm đi vào cuộc sống. Từ đó, đại biểu mong muốn các dự thảo chương trình sớm được hoàn thiện, thông qua, tổ chức triển khai đến các cán bộ, đảng viên và sớm được cụ thể hóa. Đồng thời, Tổ thảo luận số 1 cũng đánh giá cao tên và nội dung các chương trình, song đề nghị bổ sung những chỉ tiêu có tính chất thực hiện và chỉnh sửa một số chỉ tiêu còn chung chung. Bên cạnh đó, một số đại biểu là người đứng đầu cấp ủy sở, ngành cũng đề xuất những giải pháp cụ thể về cơ chế chính sách để triển khai thực hiện chương trình.
Tại Tổ 2, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành uỷ Hoàng Trọng Quyết cho biết, với 25 ý kiến, cơ bản đại biểu thống nhất cao dự thảo các chương trình và khẳng định các chương trình xây dựng chất lượng, bài bản, khoa học, bám sát Nghị quyết Đại hội Đại biểu TP lần thứ XVII, tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Ngoài ra, các chương trình đặt ra đã gắn với thực tiễn và yêu cầu phát triển của Thủ đô; mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp đặt ra phù hợp và có tinh khả thi cao. Tuy nhiên, mong muốn quá trính thực hiện các cấp, ngành của TP cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để sớm hoàng thành mục tiêu đề ra.
 Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo trình bày tổng hợp các ý kiến thảo luận góp ý của Tổ 1 vào Dự thảo 10 chương trình công tác.
Đi vào nội dung cụ thể, các đại biểu bày tỏ thống nhất dự kiến các chương trình và nội dung đã được bổ sung, chỉnh sửa. Tuy nhiên, đề xuất điều chỉnh một nôi dung tại Hội nghị lần thứ 4 về thực hiện Nghị quết 97 về thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị nên triển khai thành một chuyên đề để thực hiện.
Đối với 10 chương trình công tác, cần cập nhật, xác định rõ nhiệm vụ giải pháp để hoàn thành quy hoạch đô thị, vùng nông thôn để tạo thuận lợi trong quản lý, tổ chức thực hiện. Một số chỉ tiêu đặt ra ở các chương trình có sự đan xen với chương trình khác, có sự chênh lệch nên đề nghị rà soát lại tạo sự thống nhất.
Đối với việc thực hiện chỉ tiêu trong các chương trình, nhất là xây dựng 5 huyện thành quận, các đại biểu đề nghị thành lập một Ban chỉ đạo chung của TP để chỉ đạo thống nhất và quan tâm đầu tư, thao gỡ khó khăn trong thực hiện.
Đối với vấn đề chỉnh trang đô thị, cần quan tâm có giải pháp cụ thể hơn để giải quyết đồng bộ hạ tầng giao thông, kết nối giao thông, ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, nước thải. Đồng thời, kết hợp xử lý tập trung và phân tán để giải quyết vấn đề trước mắt, lâu dài.
Trong xây dựng Nông thôn mới, cần gắn xây dựng NTM với xây dựng định hướng phát triển đô thị văn minh. Song song với đó cần thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
 Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành uỷ Hoàng Trọng Quyết trình bày tổng hợp các ý kiến thảo luận góp ý của Tổ 2 vào Dự thảo 10 chương trình công tác.
Trong khi đó, Tổ trưởng Tổ thảo luận số 3 - Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức cho biết: Tổ có 18 ý kiến tham góp, đều thống nhất Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy, cơ quan thường trực các Chương trình đã tập trung quyết liệt, triển khai công việc nhanh, có trách nhiệm, bám sát các chỉ đạo của cấp trên. Bố cục, kết cấu, nội dung cơ bản thể hiện sự tương đồng giữa các chương trình. 
Thống nhất đề xuất của Ban Thường vụ về điều chỉnh bổ sung một số nội dung, các đại biểu góp ý: Về kết cấu, các chương trình tuy có đồng nhất thống nhất nhưng trong mỗi chương trình trong phần đánh giá kết quả, tồn tại, giải pháp còn có một số điểm chưa đồng nhất, cần rà soát để hoàn thiện; một số chỉ tiêu giữa các chương trình chưa đồng nhất; các chương trình cùng chỉ đạo về một chỉ tiêu nhưng trong phần phân công nhiệm vụ còn chưa thống nhất; các danh mục đề án, dự án tại một số chương trình còn thể hiện vụn vặt… Cũng tại tổ, các đại biểu đề xuất nhiều vấn đề lớn, trong đó có việc thành lập thị xã Ba Vì và TP Sơn Tây.
Còn Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương - Tổ trưởng 4 cho biết, 21 ý kiến trong tổ đều bày tỏ thống nhất về sự công phu, chất lượng của Dự thảo 10 chương trình công tác. Tuy nhiên, các đại biểu cũng kiến nghị việc xác định cơ chế, chính sách trong mỗi chương trình cần có sự quan tâm đúng mức hơn. Tiếp tục rà soát các mục tiêu đảm bảo sự thống nhất và xác định mục tiêu chính của các chương trình, không để sót các mục tiêu quan trọng. Đồng thời, các đại biểu cũng bày tỏ ủng hộ chủ trương ban hành sớm các chương trình để tạo cơ sở thực hiện.
 Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức trình bày tổng hợp các ý kiến thảo luận góp ý của Tổ 3 vào Dự thảo 10 chương trình công tác.
Tóm tắt, tiếp thu các ý kiến thảo luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết: Tổng số đã có 88 lượt ý kiến góp ý tại 4 tổ thảo luận trong cả buổi sáng và chiều. Trong đó, các tổ đều thống nhất cao đánh giá 10 chương trình công tác được xây dựng có bố cục khoa học, bài bản, công phu; đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy trong việc triển khai xây dựng các chương trình với tính cầu thị cao. Nhiều chương trình trong quá trình xây dựng còn được lấy ý kiến chuyên gia và các chủ thể có liên quan nhằm tăng tính thực tiễn, khoa học. Đồng thời các chương trình đều tiếp thu những vấn đề lớn trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Trên cơ sở biên bản của các tổ thảo luận, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ TP, Ban soạn thảo các chương trình sẽ tiếp thu nghiêm túc để xem xét điều chỉnh trong 10 chương trình công tác cho phù hợp. Trong đó, lưu ý tiếp thu ý kiến của các tổ thống nhất đề nghị rà soát các chương trình để đảm bảo kết cấu, độ dài, lộ trình thực hiện cho đảm bảo tương thích giữa các chương trình. 
Riêng về ý kiến đề nghị tổ chức hội nghị riêng triển khai thực hiện Nghị quyết 97 của Quốc hội về thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định sẽ xem xét đưa vào chương trình hoạt động trong năm nay của TP.
 Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương trình bày tổng hợp các ý kiến thảo luận góp ý của Tổ 4 vào Dự thảo 10 chương trình công tác.
“Ban Chấp hành Đảng bộ TP thống nhất giao Ban Thường vụ Thành ủy ký ban hành 10 chương trình công tác này vào ngày 17/3/2021 - đúng kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng bộ TP Hà Nội” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.