Hà Nội sẽ có bản đồ số giao thông trong năm 2017

Thu Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bản đồ số do FPT triển khai sẽ cung cấp cho người dân và cơ quan quản lý những thông tin toàn diện về tình trạng giao thông theo thời gian thực, danh mục các thiết bị hạ tầng giao thông (như bến xe, biển báo…), tích hợp với các phương tiện vận tải công cộng trên địa bàn TP Hà Nội…

Đồng thời, người dân cũng được trực tiếp phản ánh hoặc nhận thông tin về tình trạng giao thông qua cộng cụ tương tác tự động chatbot.
Đó là một trong những nội dung đề cập trong bản thỏa thuận hợp tác chiến lược về Ứng dụng CNTT và Truyền thông trên địa bàn Hà Nội được ký kết giữa Tập đoàn FPT và UBND TP Hà Nội trong khuôn khổ Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và Phát triển”. Tổng giá trị đầu tư của FPT là 2.200 tỷ đồng.
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho FPT.
Theo thỏa thuận, FPT sẽ triển khai hệ thống giao thông thông minh cho TP Hà Nội và đề xuất theo mô hình cho thuê dịch vụ CNTT. Cụ thể, FPT sẽ chịu trách nhiệm mọi khâu từ đầu tư hệ thống, đảm bảo vận hành, bảo trì, bảo dưỡng... Tổng mức đầu tư xây dựng Hệ thống giao thông thông minh TP Hà Nội của FPT dự kiến là 1.700 tỷ đồng.
Hệ thống giao thông thông minh TP Hà Nội được FPT đề xuất đáp ứng yêu cầu về 10 chức năng chính theo Thông báo 484/TB-UBND ngày 29/5/2017. Cụ thể, Hệ thống thông tin giao thông phục vụ người tham gia giao thông và cơ quan quản lý nhà nước;Hệ thống quản lý về kinh doanh, điều kiện kinh doanh và cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Hệ thống điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu; Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm bằng hình ảnh; Hệ thống an ninh thông minh; Hệ thống quản lý, giám sát ô nhiễm môi trường giao thông; Hệ thông thu phí điều tiết, hạn chế các phương tiện giao thông vào một số khu vực nội đô theo hình thức tự động không dừng; Hệ thống phần mềm chỉ huy - điều hành giao thông thông minh; Hệ thống bảo mật và an toàn dữ liệu.
Ngoài giao thông thì viễn thông và giáo dục cũng được đề cập trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác. Cụ thể, trong lĩnh vực viễn thông, FPT cũng sẽ dự kiến đầu tư 500 tỷ đồng cho việc triển khai xây dựng công trình hạ ngầm cáp viễn thông và ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung.
Trong lĩnh vực giáo dục, Đại học FPT chủ động phối hợp với Sở TT&TT Hà Nội và Sở KH&ĐT Hà Nội xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ CNTT cho cán bộ của TP; đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần