Hà Nội sẽ có chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm vì COVID-19

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội khảo sát lao động trong doanh nghiệp dự kiến sẽ mất việc làm để có chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng này...

Sẽ hỗ trợ cho người mất việc làm
Ngày1/4, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3/2020 để đưa ra các quyết sách quan trọng mà người dân quan tâm. Phiên họp tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối tới 21 bộ, cơ quan ngang bộ, 7 cơ quan thuộc Chính phủ và Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
 Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại điểm cầu Hà Nội
Phát biểu tại điểm cầu TP Hà Nội, Chủ tịch UBND cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bám sát tình hình để chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 phấn đấu hạn chế đến mức thấp nhất việc lây lan của dịch bệnh trên địa bàn.
TP cũng chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men phòng chống dịch; đảm bảo các nhân viên y tế thực hiện nghiêm túc chống nhiễm khuẩn, chống lây chéo tại các cơ sở điều trị y tế trên địa bàn; Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn với đội ngũ công chức, viên chức, các lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch; nâng cao năng lực phòng, chống dịch nhất là trong thời gian chuyển mùa, tuyệt đối không để xảy ra dịch chồng dịch.
TP điều chỉnh phương thức hoạt động các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị phù hợp với giai đoạn dịch bệnh cũng như phục vụ mọi yêu cầu công tác khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn Thủ đô.
Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo rà soát các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, gia đình chính sách... để có biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời; rà soát dự báo cụ thể tình hình tài chính ngân sách để xây dựng kịch bản điều hành, thu chi ngân sách cố hiệu quả, kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách cũng như thường xuyên.
Rà soát cụ thể chi tiết từng dự án đầu tư công để tập trung hoàn thiện thủ tục thi công, giải ngân nhanh, tạo nguồn vốn kích thích phát triển kinh tế xã hội, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án phục vụ công tác phòng chống COVID-19, lĩnh vực giáo dục, y tế, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án ODA cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư ngoài ngân sách nhằm kích cầu đầu tư.
Tập trung cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết thủ tục, nhất là các thủ tục hành chính liên thông... Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp đảm bảo cung cấp lương thực thực phẩm thiết yếu cho nhân dân, nhất nhất là giai đoạn dịch COVID-19.
Đảm bảo tốt an sinh xã hội, đặc biệt là người trong khu vực có dịch; khảo sát lao động trong doanh nghiệp dự kiến sẽ mất việc làm để có chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng này; xây dựng phương án hỗ trợ từ ngân sách, đảm bảo chế độ cho đội ngũ cán bộ y tế; hỗ trợ tiền, lương cơ bản hoặc trợ cấp, miễn bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho giáo viên, công nhân và cán bộ quản lý giáo dục.
TP đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường nắm chắc tình hình, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo tuyệt đối an toàn trật tự xã hội, phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn, khẩn trương triển khai các chính sách đảm bảo an sinh xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng "Chúng tôi đã chuyển 370 tỷ đồng để bổ sung và đang tiếp tục chuyển tiếp 650 tỷ đồng qua Ngân hàng Chính sách để hỗ trợ cho các đối tượng bị tác động bởi ảnh hưởng dịch COVID-19".
Triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn lây lan tại ổ dịch từ BV Bạch Mai
Về công tác phòng, chống dịch Covid -19, Chủ tịch UBND TP báo cáo Thủ tướng, theo kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính đến 7h sáng ngày 1/4, Hà Nội ghi nhận 85 trường hợp xác định dương tính với Covid -19. Trong đó có 83 trường hợp được cách ly điều trị tại Hà Nội, 2 trường hợp điều trị tại các tỉnh Cần Thơ, Thanh Hóa.
  Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp
Đã có 22 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh, xuất viện và tiếp tục theo dõi tại nhà, 63 trường hợp đang điều trị cách ly tại bệnh viện, trong đó có 1 trường hợp nặng là bệnh nhân 64. Số ca mắc tại Hà Nội những ngày qua tăng theo xu hướng chung của cả nước và hiện nay có số ca mắc cao nhất cả nước. Trong đó có 38 ca từ nước ngoài về, được phát hiện, cách ly tại sân bay Nội Bài, đưa về khu cách ly tập trung, còn lại phát hiện trên địa bàn.
Hà Nội dự trữ hàng hóa cao hơn bình thường từ 300% đến 500 %
Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, TP đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị, các đơn vị của Bộ Công Thương tập hợp và làm việc với các đơn vị cung ứng nguồn gốc hàng hóa dịch vụ lương thực, thực phẩm với những mặt hàng thiết yếu, dự trữ hàng hóa cao hơn bình thường từ 300 đến 500 %, đáp ứng đủ cho người dân Thủ đô trong mọi tình huống; không để gián đoạn hay tăng giá.
Thành phố đã quan tâm chỉ đạo sát sao công tác chống dịch COVID-19; huy động mọi sự tham gia của cả hệ thống chính trị và xã hội; thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại 30 quận, huyện, thị xã. Ban Chỉ đạo thành phố đã tổ chức 30 phiên họp trực tuyến và họp đột xuất, khẩn cấp để cập nhật thường xuyên chỉ đạo của Trung ương, hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ ứng trực 24/24/7 ngày nhằm nắm sát diễn biến tình hình dịch bệnh, kịp thời chỉ đạo xử lý ngay những vấn đề phát sinh phù hợp với mức độ diễn biến dịch bệnh.
"Hiện thành phố đã và đang duy trì, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đặc biệt đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để sớm ngăn chặn, hạn chế mức thấp nhất việc lây lan dịch bệnh tại ổ dịch từ Bệnh viện Bạch Mai", Chủ tịch UBND TP khẳng định.
Kinh tế có tăng trưởng, nhưng thấp hơn cùng kỳ
Báo cáo Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết các chỉ số kinh tế của TP có tăng trưởng, nhưng đều thấp hơn so với cùng kỳ, CRDP tăng 3,72% (cùng kỳ 6,95%); trong đó dịch vụ tăng 3,2% (cùng kỳ tăng 7,1%); công nghiệp dịch vụ tăng 5.46% (cùng kỳ 7,84%); khách du lịch đạt 3,85 triệu lượt, giảm 47,2%, trong đó khách quốc tế đạt 0,96 triệu lượt, giảm 43,9%.
Đánh giá tổng quan cho thấy, các ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng lớn nhất, cơ cấu dịch vụ chiếm 64% CRDP, sự suy giảm dịch vụ tác động mạnh đến tăng trưởng và các cân đối lớm của TP.
Thu ngân sách Quý 1 trên địa bàn đạt 72.130 tỷ đồng, bằng 25,9% dự toán, tăng 9,5% (cùng kỳ tăng 30,3%); chi ngân sách địa phương cao hơn so với cùng kỳ... Những dự án dân sinh bức xúc, dự án phục vụ giáo dục, y tế, phòng chống COVID-19 được đẩy nhanh tiến độ.
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 930,3 triệu USD, thu hút đầu tư trong nước đạt 5,1 nghìn tỷ đồng, có 6.331 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký là 107,1 nghìn tỷ đồng..

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần