Hà Nội sẽ dừng cơ chế đặt hàng xây nhà ở thương mại?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, nhằm tạo lập quỹ nhà ở tái định cư cho nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân có thu nhập thấp đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, Sở đã kiến nghị TP chấp thuận dừng chủ trương nghiên cứu xây dựng và ban hành Quy định về cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại.

Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị dừng cơ chế đặt hàng nhà ở thương mại tạo lập quỹ nhà tái định cư.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2020, TP đã hoàn thành 5 dự án nhà ở xã hội, cung cấp thêm cho thị trường 550.281m2 sàn; 89 dự án nhà ở thương mại, tương ứng 6.571.944m2 sàn; 5 dự án nhà ở tái định cư, tương ứng 154.270m2 sàn.
Tính đến thơi điểm hiện tại, đã hoàn thành mục tiêu của Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2011 - 2020 của TP và tiếp tục triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025.
Trong giai đoạn tới, Sở Xây dựng sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Hoàn thành triển khai thực hiện thí điểm 5 khu chung cư cũ, hoàn chỉnh nội dung Đề án Cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ. Tập trung đôn đốc UBND các quận huyện, thị xã di dời các hộ dân ra khỏi các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; tiếp tục thực hiện đẩy nhanh tổ chức lập, phê duyệt QHCT 1/500, rà soát thực hiện kiểm định chất lượng nhà chung cư cũ phải cải tạo xây dựng lại.
Tập trung phát triển các dự án NOXH, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư các dự án mới; rà soát quỹ đất hình thành các dự án, khu nhà ở xã hội. Sử dụng nguồn tiền thu được từ giá trị quỹ đất 20%, 25% trong các khu đô thị, khu nhà ở để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua. Tập trung đôn đốc các dự án nhà ở thương mại; các dự án tái định cư dự kiến hoàn thành năm 2021.
Chủ trì, phối hợp các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư tái định cư. Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng danh sách các chủ đầu tư, ban quản trị không chấp hành các quy định.
Tổ chức tiếp nhận nhà ở diện tự quản để quản lý và cấp Giấy chứng nhận theo Nghị định số 99 của Chính phủ. Lập hồ sơ để quản lý danh mục 1.219 biệt thự. Tập huấn, hướng dẫn thực hiện Quyết định số 29 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, hiện nay, công tác quản lý nhà và thị trường BĐS trên địa bàn Thủ đô gặp nhiều khó khăn, để giải quyết vấn đề này kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng sớm ban hành các Văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý ngành Xây dựng như: sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2015/NĐ-CP; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.
Về phía TP Hà Nội, cần sớm ban hành Quy chế phối hợp về việc báo cáo, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường BĐS trên địa bàn TP; sớm hoàn thiện Chương trình phát triển đô thị để có căn cứ xây dựng Chương trình phát triển nhà ở và Kế hoạch Phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025; chấp thuận chủ trương cho phép thực hiện "Đề án thí điểm cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội" trên cơ sở hoàn chỉnh Đề án trước đây, với 05 khu chung cư cũ triển khai thí điểm.
"Sở cũng kiến nghị TP chấp thuận chủ trương ngừng việc nghiên cứu xây dựng và ban hành Quy định về cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại tạo lập quỹ nhà ở tái định cư, đồng thời không triển khai các Dự án mới (ngoài các dự án hiện nay đã có chủ trương của TP); đối với các dự án đã đầu tư xây dựng, kiến nghị TP mua lại các căn hộ để bố trí tái định cư" - ông Võ Nguyên Phong cho hay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần