Hà Nội: Sẽ kiểm tra giám sát hoạt động lao động, dạy nghề

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở LĐTB&XH Hà Nội sẽ tăng cường hậu kiểm, quản lý Nhà nước, kiểm tra giám sát đối với hoạt động dạy nghề và các lĩnh vực khác.

Ngày 20/7, Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại thủ tục hành chính (TTHC) với sự chủ trì của Phó Giám đốc Nguyễn Quốc Khánh.
Theo Sở LĐTB&XH Hà Nội, hiện nay có 167 TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết tại Sở, gồm lĩnh vực Việc làm - An toàn lao động; Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội; Dạy nghề; Người có công; Bảo trợ xã hội; Bảo vệ chăm sóc trẻ em; Phòng chống tệ nạn xã hội.
Năm 2019, Sở LĐTB&XH Hà Nội tiếp nhận và giải quyết 462.276 hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC, trong đó, hồ sơ thuộc lĩnh vực việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, người có công chiếm tỷ lệ cao.
Trong những năm gần đây, số hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC ngày càng tăng, dự kiến năm 2020 sẽ có khoảng 500.000 hồ sơ.
Những năm qua, Sở LĐTB&XH Hà Nội và các đơn vị trực thuộc đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong việc giải quyết TTHC.
 Sở LĐTB&XH Hà Nội đã có 100 thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4. Ảnh: Oanh Trần.

Về giải quyết các thủ tục lao động, Phó Giám đốc Nguyễn Quốc Khánh thông tin, phần mềm trực tuyến của Cục Việc làm đang bị hacker tấn công, hiện Bộ LĐTB&XH và Bộ Công an rà soát, xử lý. Vì thế, thời gian này các DN tạm thời gửi hồ sơ qua đường bưu điện.

Đến nay, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã có 100 thủ tục được thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4. Dự kiến đến hết năm 2020, Sở sẽ thực hiện trực tuyến mức độ 3, 4 thêm 42 thủ tục và 100% TTHC phù hợp sẽ được thực hiện mức độ 3, 4.

Tại hội nghị, đại diện các tổ chức, DN, đơn vị đào tạo nghề nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các TTHC, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc chung.

Phản hồi những câu hỏi liên quan đến TTHC trong lĩnh vực lao động - an toàn lao động, Phó Phòng Việc làm - An toàn lao động Nguyễn Đình Đạo cho hay: Thực hiện Nghị định 140 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay khi giấy phép lao động hết hiệu lực, DN chỉ cần thông báo cho Sở LĐTB&XH Hà Nội biết. Người lao động nước ngoài phải có giấy phép trước khi đến Việt Nam làm việc.

Người lao động đang ứng tuyển tại phiên giao dịch việc làm lưu động. Ảnh: Oanh Trần.

Trả lời những câu hỏi liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Lê Minh Thảo cho biết: Thực hiện đơn giản hóa các thủ tục, đơn vị đào tạo nghề không phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, Sở LĐTB&XH Hà Nội sẽ tăng cường hậu kiểm, để đánh giá, xử phạt khi phát hiện vi phạm. Có một số ngành nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đăng ký trước khi đào tạo như: Chăm sóc sức khỏe, Chăm sóc sắc đẹp.
Nghệ nhân muốn được tham gia đào tạo nghề phải được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Ví dụ, nghệ nhân cấp tỉnh (được dạy nghề trình độ sơ cấp) phải được chủ tịch UBND TP công nhận mới đảm bảo quy định...
Sở LĐTB&XH Hà Nội tiếp thu những kiến nghị, đề xuất ý kiến phù hợp của DN, trường nghề để tiếp tục cải cách TTHC, cải thiện hơn nữa chất lượng phục vụ. Những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền, Sở sẽ ghi nhận, tổng hợp và gửi cơ quan có trách nhiệm giải quyết.
“Hiện nay, TP không cấm hoạt động các ngành nghề nhưng tăng cường hậu kiểm, quản lý nhà nước, kiểm tra giám sát dạy nghề và các lĩnh vực khác. Nội dung này đã được đưa vào kế hoạch của UBND TP Hà Nội và Sở LĐTB&XH Hà Nội. Chúng ta thực hiện tốt nhất việc cải thiện môi trường đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho DN. Sở LĐTB&XH cũng sẽ cố gắng hết sức mình để tạo điều kiện tốt nhất cho DN hoạt động theo quy định của pháp luật” – ông Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần