Hà Nội: Sẽ tăng cường thanh, kiểm tra chương trình sữa học đường

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 22/5, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá chương trình sữa học đường (SHĐ). Theo đó, các chuyên gia cho rằng, đây là một chương trình đầy nhân văn, cần nhân rộng.

Chương trình Sữa học đường triển khai luôn luôn bắt đầu từ bậc học mầm non để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho những ''mầm xanh'' thật khỏe mạnh, vững vàng lớn lên cùng năm tháng.

Hơn 1 triệu trẻ mầm non, học sinh tham gia
Thông tin tại hội nghị “Đánh giá thực hiện chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018 - 2020”, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho rằng, chương trình SHĐ đã có nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, ghi nhận của Sở GD&ĐT TP Hà Nội, trong 24 đề án SHĐ đã triển khai trên cả nước, SHĐ Hà Nội là đề án lớn nhất về quy mô và giá trị. Với số điểm trường lớn trên địa bàn rộng và số trẻ hơn 1 triệu.
Trong ngày đầu tiên triển khai đề án (2/1/2019), đã có 64% trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa. Sau 1 tuần, tỷ lệ này đã tăng đến 100% với các trẻ mầm non, học sinh tiểu học công lập và 61,8% các cơ sở ngoài công lập. Hiện tại, có 1.059.854 trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học đến từ gần 4.000 trường tham gia thụ hưởng SHĐ, đạt tỷ lệ 91,16%.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện khối mầm non và học sinh tiểu học công lập đạt tỷ lệ 100% trường và 93% trẻ đăng ký uống sữa, với khối ngoài công lập, tỷ lệ trường tham gia đạt 86,74%, tỷ lệ học sinh đăng ký uống sữa là 80,73%.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, dù đã nhận được những kết quả khả quan nhưng tỷ lệ trẻ, học sinh tham gia ở các trường ngoài công lập chưa cao và chưa đồng đều giữa các quận, huyện. Hiện có 102.000 trẻ mầm non, học sinh tiểu học trong diện tham gia chương trình nhưng chưa góp mặt. Sơ bộ đánh giá nguyên nhân, một số gia đình còn e ngại về chất lượng sữa cũng như chưa đảm bảo điều kiện kinh tế.
Đông đảo phụ huynh ủng hộ
Trao đổi tại hội nghị, bà Bùi Thị Thanh Hải - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng, Hà Nội cho hay, địa bàn hiện có 17 trường mầm non, 19 trường tiểu học, tính trên toàn huyện đã có hơn 95% trẻ mầm non, học sinh tiểu học tham gia. “Đề án đã giúp đa số học sinh tham gia, với sự ủng hộ của tuyệt đại đa số của phụ huynh. Rất nhiều phụ huynh đến trường gia công thiết bị bảo vệ chất lượng sữa do giai đoạn đầu bên cung cấp sữa chưa kịp chu cấp” - bà Hải chia sẻ.
Theo bà Hải, Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng vừa tiến hành khảo sát, đã có 95,6% phụ huynh trẻ mầm non và hơn 88% phụ huynh học sinh tiểu học đồng ý tham gia đề án SHĐ giai đoạn 2021 - 2025. Và để chương trình hiệu quả hơn, lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng đề nghị nhà sản xuất cần bổ sung một số vị như cam, dâu vào sữa để tăng sự hấp dẫn đối với trẻ, học sinh khi sử dụng.
Chia sẻ về chương trình SHĐ, bà Đỗ Thị Thanh Tâm - Hiệu trưởng trường Mầm non Tây Mỗ A, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội cho biết, nhà trường có 903 trẻ, giai đoạn đầu, trường nhận được nhiều ý kiến phản hồi không tích cực từ phụ huynh, một số phụ huynh gia đình có điều kiện cho rằng, sữa trong nước không có chất lượng bằng sữa nước ngoài, hoặc cho rằng, sữa này không bán được ở thị trường nên đưa vào sữa học đường. Do vậy, thời gian đầu chỉ hơn 47% phụ huynh ủng hộ.
Sau đó, nhà trường tổ chức nhiều chương trình lồng ghép việc tuyên truyền lợi ích của việc cho trẻ uống sữa nhằm cải thiện trí tuệ, dinh dưỡng, sự ủng hộ của phụ huynh đạt gần 100%.
Bà Tâm cho rằng, với kết quả đạt được, cần tiếp tục triển khai đề án SHĐ trong những năm tiếp theo và cần có chế độ đãi ngộ với lực lượng trực tiếp triển khai đề án để động viên kịp thời.
Trao đổi tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT cho biết, giai đoạn đầu triển khai chương trình như vậy coi như đã thành công. Để thành công hơn và bền vững, ông Đề đưa ra 4 đề xuất: Sở GD&ĐT TP cần xây dựng giải pháp truyền thông, làm nổi bật tính nhân văn của đề án; cần chú trọng công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm; không chỉ dinh dưỡng, cần kết hợp các chương trình dinh dưỡng và vận động hài hoà để tăng hiệu quả; cần quan tâm dữ liệu chi tiết để thuận lợi theo dõi, đánh giá.
Sẽ tăng cường thanh, kiểm tra để tránh sự cố
Kết luận tại hội nghị, ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho rằng, chương trình SHĐ mang đầy tính nhân văn. Với kết quả khả quan cho thấy, đã có sự vào cuộc, ủng hộ của đông đảo cơ quan, ban ngành. Tuy nhiên, theo ông Chử Xuân Dũng, có những trường thông tin chưa rõ, chưa đầy đủ tới cha mẹ học sinh. Có cha mẹ không nắm được thông tin của chương trình SHĐ. Điều đó cho thấy, công tác truyền thông tại một số trường chưa nghiêm túc. Do vậy, đề nghị các phòng GD&ĐT, chính quyền địa phương cần vào cuộc đầy đủ hơn.

“Cần nhắc nhở đơn vị không tin đầy đủ tới cha mẹ học sinh chương trình SHĐ” - ông Dũng cho hay.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đề nghị các cơ quan liên quan cần phối hợp nhịp nhàng hơn, từ việc cung cấp sữa đến việc bảo quản hoặc phương pháp tổ chức uống sữa, như uống sữa vào giờ nào, cách nào sao cho phù hợp, hiệu quả cao nhất. Đề nghị các phòng GD&ĐT cần tăng cường tổ chức thanh, kiểm tra nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình SHĐ, tránh xảy ra sai sót, sự cố trong quá trình triển khai khi liên quan đến sức khoẻ của trẻ em, học sinh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần