Hà Nội sẽ ưu tiên bố trí vốn cho các dự án bảo tồn làng nghề

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đã thông tin như trên tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Phát triển ngành nghề nông thôn, do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 23/11.

Làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm tại huyện Hoài Đức
Theo Nghị định số 52, Hà Nội có 4 nhóm ngành nghề được quy định gồm: Chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; Sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh. Trong số 52 nghề được quy định của cả nước, Hà Nội cũng có đến 47 nghề.
Toàn TP hiện có 309 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện, thị xã. Những năm qua, các làng nghề có sự tăng trưởng về doanh thu và giá trị sản xuất. Thống kê có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 – 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 – 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm. Từ đó, đóng góp quan trọng vào ngân sách địa phương nói riêng và toàn TP nói chung.
Trong tổng số 309 làng nghề đã được công nhận, hiện có 36 làng nghề đã đăng ký xây dựng thương hiệu. Tập trung chủ yếu vào nhóm các làng nghề sãn xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí… Nhờ có thương hiệu, nhiều sản phẩm làng nghề đã được xuất khẩu đi nhiều Quốc gia, vùng lãnh thổ.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển ngành nghề nông thôn và các làng nghề tại Hà Nội hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Sự phát triển chủ yếu còn tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững. Quy mô sản xuất, kinh doanh còn nhỏ lẻ. Hàm lượng công nghệ áp dụng còn thấp. Tính thẩm mỹ và chất lượng sản phẩm chưa cao…
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định số 52 của Chính phủ, ông Tạ Văn Tường cho biết thời gian tới, Hà Nội sẽ tổ chức rà soát, đánh giá lại thực trạng các làng nghề trên địa bàn TP, phân nhóm ngành nghề theo quy định tại Nghị định trên. Từ đó xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn và bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ phối hợp với các sở ngành, địa phương nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nhân lực cho lao động nông thôn; đào tạo, truyền nghề và nhân cấy nghề, gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt, sẽ đề xuất UBND TP thông qua danh mục các dự án ưu tiên, vốn và nguồn vốn đầu tư theo giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống cần bảo tồn lâu dài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần