Hà Nội sẽ xử lý nghiêm các trung tâm ngoài nhà trường

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm học 2018 – 2019, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm của các trung tâm ngoài nhà trường.

Ngày 22/8, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018 – 2019 giáo dục thường xuyên – chuyên nghiệp.
Thông tin về việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2017 – 2018, Phó Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên – chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thị Thu Hương cho biết, Sở đã chỉ đạo các cơ sở GDTX trong toàn TP triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm của ngành.
 Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, các trung tâm GDNN-GDTX phải tổ chức hoạt động để trở thành nơi hấp dẫn người học.
Trong năm qua, các trung tâm GDNN-GDTX Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hoàng Mai, Nguyễn Văn Tố, Thanh Oai đã làm tốt công tác xóa mù chữ. Theo đó, đã góp phần vào kết quả xóa mù chữ đạt tỷ lệ cao, cụ thể có 947.552 người ở độ tuổi 15 – 25 biết chữ, đạt 99,99%; 1.192.068 người độ tuổi 26 – 35 biết chữ, đạt 99,96% và 1.943.780 người độ tuổi 36 – 60 biết chữ, đạt 99,94%.
Nhiều trung tâm GDNN-GDTX đã liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng và đại học tổ chức các lớp đào tạo từ xa, tại chức.
Đáng lưu ý, những học viên đầu cấp có thể vừa học văn hóa, vừa học nghề, sau khi học xong, học viên có bằng tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp. Trong năm học 2017 – 2018, 29 trung tâm GDNN-GDTX đã tổ chức liên kết cho 18.394 học viên vừa học văn hóa vừa học trung cấp nghề. Các trung tâm GDNN-GDTX đã tổ chức giảng dạy cho 3.434 lớp với 126.038 học sinh học nghề THPT và tham gia thi nghề phổ thông cho 69.825 học sinh THPT.
Đặc biệt, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp GDTX đạt 96,94%, trong đó có 2 trung tâm GDNN-GDTX đạt 100%.
Tuy rằng ngành học GDNN-GDTX đạt được những kết quả khả quan, nhưng Sở GD&ĐT Hà Nội nhận định, việc tuyển sinh loại hình bổ túc văn hóa ngày một khó khăn, nhất là các quận nội thành và các địa phương có nhiều trường ngoài công lập. Đội ngũ biên chế còn ít, hiện tượng giáo viên có kinh nghiệm xin chuyển công tác sau khi diễn ra ở một số đơn vị. Chất lượng hoạt động ở một vài trung tâm chưa toàn diện, hiệu quả chưa cao. Chất lượng đầu vào của học viên khối bổ túc THPT thấp, cơ sở vật chất một vài trung tâm còn khó khăn, trong khi định mức ngân sách đối với GDTX thấp.
Để nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động của các trung tâm GDNN-GDTX, ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ đa dạng hóa các chương trình, nội dung dạy học, chú trọng phát triển các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, giáo dục khởi nghiệp đáp ứng mọi đối tượng. 100% trung tâm GDNN-GDTX triển khai ổn định phần mềm sổ điểm điện tử. Cùng với đó, Sở GD&ĐT Hà Nội quản lý chặt chẽ toàn diện hoạt động của trung tâm GDNN-GDTX.
Trong năm học 2018 – 2019, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước đối với các trung tâm ngoài nhà trường (trung tâm ngoại ngữ, tin học, các trung tâm bồi dưỡng kỹ năng, trung tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành ngắn hạn, tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học) trên địa bàn TP trong việc chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật Việt Nam; quy chế, quy định của Bộ GD&ĐT, UBND TP Hà Nội và Sở GD&ĐT Hà Nội.
Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tăng cường rà soát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động giáo dục trên địa bàn; giám sát hoạt động trên địa bàn đối với trung tâm giáo dục ngoài nhà trường.
Đặc biệt là đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm trong việc tổ chức hoạt động đào tạo, liên kết đào tạo, kiểm tra cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. Cùng với đó sẽ kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm những quy định của pháp luật. Không để xảy ra tình trạng trung tâm hoạt động không phép, trái quy định trên địa bàn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần