Hà Nội siết tuyển sinh trái tuyến

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 7/7, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, ông Phạm Văn Đại – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã thông tin về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và thi tuyển sinh vào lớp 10 cùng nhiều nội dung liên quan tuyển sinh. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TP Hà Nội, sẽ cấm tuyệt đối tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 1, kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc tuyển sinh trái tuyến.

 Học sinh khối lớp 1 trường Tiểu học Kim Đồng, quận Ba Đình. Ảnh: Hải Linh

Giữ ổn định trong tuyển sinh
Theo đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nhắc lại các điểm nhấn của quy chế thi tốt nghiệp THPT 2020 như việc thay đổi tên gọi kỳ thi “THPT quốc gia” thành “thi tốt nghiệp THPT”; UBND tỉnh, TP chủ trì và chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi; thanh tra của địa phương tham gia theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ...
Với trường THPT ngoài công lập và công lập tự chủ, ông Phạm Văn Đại cho hay, phương thức xét tuyển sẽ căn cứ vào điểm xét tuyển của thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập hoặc dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của học sinh ở cấp THCS; học sinh nộp đơn đăng ký dự tuyển tại trường từ ngày 1 - 31/7; xác nhận nhập học từ ngày 3 - 5/8. Học sinh trúng tuyển nộp hồ sơ nhập học từ ngày 1 - 15/8. Trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 chuyên, phương thức tuyển sinh giữ ổn định như mọi năm; tương tự là các trường hợp thí sinh tuyển sinh vào lớp 10 học chương trình song bằng tú tài tại trường THPT Chu Văn An, THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
Vấn đề tuyển sinh vào các lớp mầm non, lớp 1, lớp 6, Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tăng quy mô tuyển sinh, chất lượng công tác tuyển sinh. Đồng thời tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh/lớp; tăng số học sinh học 2 buổi/ngày. Mọi hoạt động liên quan tuyển sinh được Sở GD&ĐT TP yêu cầu 5 rõ: Tuyến tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian tuyển sinh, phương thức tuyển sinh và trách nhiệm trong công tác tuyển sinh.
Ngoài ra, thực hiện phương thức “xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do quận, huyện quy định”. Trường THCS công lập được UBND TP công nhận trường chất lượng cao, tuyển sinh vào lớp 6 không theo tuyến và có số học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực; trường xây dựng kế hoạch tuyển sinh báo cáo với phòng GD&ĐT để trình UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt.
Hạn chế tối đa tuyển sinh trái tuyến
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại, năm nay, các trường được yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc tuyển sinh trái tuyến, không tiếp nhận học sinh trái tuyến đối với các cơ sở giáo dục đã đủ chỉ tiêu; không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, tuyệt đối không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 1; tiếp tục sử dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến thông qua cổng điện tử http://tsdaucap.hanoi.gov.vn, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh. Thời gian đăng ký tuyển sinh trực tuyến được ấn định cho lớp 1 từ ngày 1 - 3/8; mầm non (5 tuổi) từ ngày 4 - 6/8 và lớp 6 từ ngày 7 - 9/8; tuyển sinh trực tiếp từ ngày 13 - 15/8.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, năm nay thi tốt nghiệp THPT có 75.465 học sinh lớp 12 (tăng khoảng 3.000 học sinh so với năm 2019), dự kiến có 80.000 thí sinh dự thi (kể cả tự do); 3.336 phòng thi, 143 phòng thi, 8.700 cán bộ coi thi, giám sát phòng thi và khoảng 1.430 bảo vệ, phục vụ kỳ thi. Đối với thi tuyển vào lớp 10 sẽ xét tốt nghiệp THCS hơn 104.000 học sinh, số học sinh đăng ký dự thi 88.928 học sinh. Tuyển sinh mầm non sơ bộ sẽ có 168.000 trẻ mẫu giáo (5 tuổi), vào lớp 1 sẽ có 167.113 học sinh (tăng 9.565 học sinh so với năm ngoái) và lớp 6 có 135.320 học sinh (tăng 6.298 học sinh so với năm ngoái).
Lý giải “con đường” học sinh sẽ đi đâu khi toàn TP có khoảng 104.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, trong đó đăng ký thi vào lớp 10 hơn 88.928 học sinh, ông Phạm Quốc Toản – Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT) cho biết, có nhiều sự lựa chọn cho hơn 15.000 học sinh dôi dư, trong đó hướng tới các trường ngoài công lập là một ví dụ. Ngoài ra, tại Hà Nội có 38 trường trung cấp trên địa bàn TP, sẽ tuyển sinh và đào tạo nghề đồng thời bổ túc văn hóa để bảo đảm học sinh khi có bằng nghề sẽ được dự thi tốt nghiệp THPT.
Tại buổi giao ban, bà Nguyễn Thu Hà – Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục TP cho hay, trong đợt dịch bệnh Covid-19, đã trợ cấp gần 1.000 giáo viên và học sinh tổng số tiền và quà trên 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, Công đoàn ngành giáo dục TP đã vận động các cơ quan chức năng hỗ trợ hơn 100 triệu đồng, 40 tấn gạo cho giáo viên mầm non khối ngoài công lập.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần