Hà Nội: Sớm ổn định đời sống Nhân dân vùng lũ

Trọng Tùng - Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã qua 4 ngày nắng, nhưng đời sống, sản xuất của người dân tại 2 địa phương trọng điểm chịu ảnh hưởng là Chương Mỹ và Quốc Oai vẫn đang bị đảo lộn khá nhiều vì thiên tai.

 Đoàn công tác TP Hà Nội thăm hỏi, tặng quà hộ gia đình ông Trịnh Bá Thích ở thôn Hạnh Bồ, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ
Cuộc sống đảo lộn vì mưa lũ 
Ngồi trên chiếc ca nô của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quốc Oai, chạy khoảng 10 phút chúng tôi mới tiếp cận được xóm Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu. Đây là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của huyện Quốc Oai trong đợt mưa lớn vừa qua.

Thời điểm này nước đã rút được khoảng 30cm, tuy nhiên nhiều ngôi nhà vẫn ngập sâu đến lưng chừng. Chị Nguyễn Thị Hồng vừa tranh thủ quét dọn rác thải theo dòng nước tràn vào sân, vừa trông chừng 3 đứa cháu nhỏ. Chỉ kể: Từ khi nước về, 5 sào lúa và hoa màu bị ngập, chị chỉ quanh quẩn ở nhà. Ông Bùi Đào Hoàng - Trưởng thôn Cấn Hạ cho biết, toàn xã có xóm Vôi bị ngập nặng nhất với khoảng 156 hộ bị ngập lụt. Từ khi cơn lũ ập về, hệ thống điện bị ngắt, người dân phải sống trong cảnh mò mẫm. Việc đi lại cũng chủ yếu bằng thuyền.

So với huyện Quốc Oai, huyện Chương Mỹ thậm chí còn đang chịu thiệt hại lớn hơn.
Thống kê của địa phương này cho thấy, hiện 5 xã chịu ảnh hưởng của mưa lũ vẫn còn khoảng 1.954 hộ bị nước ngập vào nhà. Do nước tràn vào ngập lưng nhà, nên nhà gia đình chị Lê Thị Hân, thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến) phải di chuyển toàn bộ đồ đạc lên gác xép rộng chừng 15m2 của gia đình. Hiện tại, sinh hoạt của 4 người trong gia đình chị, bao gồm cả ăn, ngủ, nấu nướng đều trên chiếc gác xép này. Do nước ngập nên nhiều gia đình trong thôn phải di chuyển lợn và gà vào trong làng gửi tạm. Một số hộ bị ngập sâu vẫn chưa thể trở về nhà.
 Cuộc sống người dân đảo lộn vì mưa lũ
Không chỉ đời sống, sản xuất của bà con vùng lũ cũng đang bị gián đoạn. Gia đình anh Nguyễn Văn Thường ở xã Cấn Hữu vừa thả 6 tấn cá thương phẩm xuống hồ cách đây được 2 tuần. Đến nay diện tích 2ha hồ thả cá của gia đình anh đã ngập sâu trong nước, toàn bộ lượng cá trong hồ đã theo dòng nước đi hết, ước tổng thiệt hại gần 600 triệu đồng.

Trong khi đó, anh Nguyễn Danh Mạnh ở xóm Trại Muồng, thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ) mặt buồn thiu cho hay: Gần 300 con gà của gia đình đã bị nước lũ cuốn trôi. Diện tích 4 sào hoa màu cũng bị ngập trắng. Mấy ngày qua, hai vợ chồng anh chỉ biết đi ra, đi vào. “Không biết nửa tháng tới nước lũ rút rồi, sẽ lấy gì làm kế sinh nhai đây…” - anh Mạnh thở dài.

Kịp thời hỗ trợ người dân

Những ngày mưa lũ đi qua là khi tình người được thắp sáng. Để hỗ trợ cho người dân thuận tiện di chuyển ra bên ngoài, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quốc Oai đã bố trí 1 chiếc ca nô chạy liên tục từ 5h sáng tới 19h tối phục vụ bà con nhân dân. Hàng chục chiếc thuyền của người dân cũng túc trực tại những vị trí bị ngập nước để hỗ trợ việc đi lại của người dân. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai cũng bố trí lực lượng cán bộ ứng trực khám và phát thuốc miễn phí cho bà con.
 Đoàn công tác TP Hà Nội thăm hỏi, tặng quà hộ gia đình bà Phạm Thị Toan ở thôn Hạnh Bồ, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ 
Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Đức Phương cho biết thêm, để đảm bảo sinh hoạt cho bà con, những ngày qua, địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng, ban ngành đoàn thể tập trung tiếp tế các nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con như mì tôm, nước uống, các loại thuốc về bệnh ngoài da, bệnh tiêu chảy…

Tại huyện Chương Mỹ, tính đến chiều qua, chính quyền các xã vùng bị ngập úng gồm Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ đã thực hiện cứu trợ 220 thùng mỳ tôm, 1.280 bình nước, 250 cây nến, 12 đèn pin và 7 triệu đồng tiền mặt. Hội Phật giáo huyện Chương Mỹ hỗ trợ xã Tốt Động 120 thùng mỳ tôm, 120 thùng nước, 1,2 tấn gạo. Hội Chữ thập đỏ huyện hỗ trợ 21 triệu đồng tiền mặt cho 5 xã vùng lũ. UBND huyện Chương Mỹ cũng đã trích ngân sách dự phòng cấp 750 thùng mỳ tôm, 900 bình nước và 1.000 đôi nến, hỗ trợ người dân vùng lũ.

Nhằm chia sẻ với đồng bào vùng lũ, chiều 24/7, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cùng đoàn công tác đã tới làm việc, thăm hỏi, động viên, tặng quà các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Do nước vẫn còn ngập sâu nên đoàn công tác phải di chuyển bằng ca nô để có thể tiếp cận thăm hỏi, tặng quà cho các hộ dân.

Căn nhà của ông Trịnh Bá Thích ở thôn Hạnh Bồ, xã Nam Phương Tiến, thương binh hạng ¼ đến chiều qua vẫn ngập đến ngang ngực, nằm chơi vơi giữa biển nước. Mọi sinh hoạt bị đảo lộn.

Tận tình thăm hỏi hộ ông Thích, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn mong muốn hộ gia đình ông Thích cố gắng vượt qua khó khăn trước mắt. “TP Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để người dân sớm vượt qua đợt mưa lũ này…” - Phó Bí thư Thành ủy nói.

Nhận phần quà do lãnh đạo Thành ủy - UBND TP Hà Nội trao tặng, ông Thích xúc động cho biết: Những ngày qua, gia đình gần như bị cô lập giữa dòng nước lũ. Tuy nhiên, sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền và đặc biệt là TP hôm nay, chính là nguồn động viên lớn lao để người dân có thêm động lực, vượt qua khó khăn, sớm ổn định đời sống…
 Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đánh giá cao sự vào cuộc chủ động của chính quyền và Nhân dân địa phương trong công tác ứng phó với thiên tai
Trong buổi làm việc trước đó với UBND huyện Chương Mỹ, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đánh giá cao sự vào cuộc chủ động của chính quyền và Nhân dân địa phương trong công tác ứng phó với mưa lớn. Nhờ đó, đã hạn chế được đáng kể những thiệt hại do mưa lũ có thể gây ra.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cảnh báo về khả năng thời gian tới sẽ tiếp tục có mưa, diễn biến ngập úng có thể còn phức tạp hơn. Do đó, các cấp ban ngành và chính quyền huyện Chương Mỹ cần tập trung cao độ cho công tác ứng phó.

“Nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân…” - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh. Bên cạnh nhiệm vụ trên, cần huy động lực lượng bảo đảm an toàn đê điều, các công trình thủy lợi. Đồng thời, chủ động phân lũ nếu mực nước các sông tiếp tục lên cao trong những ngày tới. Sau khi nước rút, cần tập trung phối hợp với các sở ngành trong phòng chống dịch bệnh, sớm khôi phục sản xuất cho người dân.
Ngày 24/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã đi kiểm tra đê, kè Cổ Đô, huyện Ba Vì. Đây là khu vực có chế độ thủy văn rất phức tạp, từng xảy ra sạt lở nguy hiểm năm 2017. Tại đây, Phó Chủ tịch Trường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu Sở NN&PTNT Hà Nội khẩn trương triển khai gia cố chân kè bằng lăng thể đá hộc thả rời, mái kè gia cố bằng khung bê tông cốt thép trong lát đá hộc… Đồng thời, huyện Ba Vì phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ diễn biến sạt lở, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, sẵn sàng xử lý sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần