Hà Nội: “Sốt” hàng bưởi quý trước Tết Nguyên đán

Bài và ảnh Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất năm 2019 vừa diễn ra giữa tháng 12 đã giới thiệu sản phẩm bưởi đỏ. Không chỉ đẹp về mẫu mã mà giá cả tại vườn đang cao ngất ngưởng, nhà vườn không còn để bán.

Bưởi quý “sốt” hàng
 Bưởi đỏ được trưng bày tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất năm 2019.
Lần theo lời giới thiệu của huyện Mê Linh từ Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất năm 2019, phóng viên đã tìm hiểu về giống bưởi đỏ Bánh men tại gia đình ông Võ Văn Luỹ thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Ông cho biết: Những ngày gần đây rất nhiều người đến vườn đặt hàng mua bưởi đỏ. Đặt tại vườn, lái buôn đã mua đến 150.000 đồng/trái. Bán lẻ giá dao động từ 100.000 – 200.000 đồng/trái. Riêng bưởi tổ trái to đẹp đã có người đặt hàng ông Luỹ mua với giá 2 triệu đồng/3 trái. Mỗi năm thu nhập từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng/năm, tuỳ theo thời điểm bán. Nếu bán ăn thì giá không cao, nhưng bán Tết thì giá có thể gấp 2 – 3 lần bán ăn bình thường.
 Ông Lương Văn Phương, GĐ HTX Đông Cao, xã Tráng Kiệt chia sẻ với khách hàng về bưởi đỏ Bánh men. 
 Cây bười có tuổi đời 50 năm của gia đình ông Phương.
Ông Dương Đình Tiếp, ở huyện Phù Ninh, tỉnh Vĩnh Phúc là khách hàng đến mua bưởi đỏ Bánh men của Tráng Việt, chia sẻ: Ông đến đây mua bưởi giống về trồng. Trước đây, ông thấy bưởi đỏ có mẫu mã đẹp và chất lượng ngon đã mua về trồng. Một số cây đã cho thu hoạch và bán được giá, rất đông người mua. Ông mua thêm cây về trồng để phục vụ bà con Vĩnh Phúc trong dịp Tết có trái bưởi đẹp để thờ.
 Đến gần Tết Nguyên đán khi bười chín, trái đỏ như sơn son. Nhiều khách hàng lùng mua để thờ.
Xây dựng thương hiệu bưởi đỏ

Cách đây 50 năm, gia đình tôi đã mua về trồng 1 - 2 cây bưởi đỏ. Thời điểm trước đó có gia đình đã trồng nên không biết giống cây bưởi đỏ có từ khi nào. Sau đó mới nhân giống dần, đến nay, gia đình tôi trồng được trên 30 cây. Chúng tôi rất muốn chính quyền địa phương cùng các đơn vị cơ quan hỗ trợ để xây dựng thương hiệu bưởi đỏ cho vùng đất này. Ông Luỹ chia sẻ thêm.
 
Ông Nguyễn Thành Đô - Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết: Trong những năm qua UBND huyện rất quan tâm đến phát triển cây trồng. Huyện đang triển khai xây dựng các diện tích cây ăn quả, hình thành cánh đồng mẫu lớn. Trong đó, có giống bưởi đỏ quý Bánh men của Tráng Việt đang được nhân rộng, theo thống kê 500 cây giống gốc. Để thúc đẩy phát triển cây bưởi đỏ, Phòng kinh tế đã đề xuất với UBND huyện xây dựng nhãn hiệu hàng hoá có chỉ dẫn địa lý, xây dựng quy trình sản xuất ViteGap và cấp giấy chứng nhận, cấp mã QR code. Hiện nay huyện vẫn đang hướng dẫn bà con ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất sản phẩm bưởi đỏ và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu thông qua xúc tiến thương mại.
 Đến nay Mê Linh đã có khoảng 500 cây bưởi đỏ Bánh men.
Được biết, giống bưởi đỏ được bảo tồn và phát triển theo Quyết định số 4924/QĐ-UBND ngày 24/9/2014 UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn Đa dạng sinh học thành phố Hà nội đến năm 2030. Trong đó, Phối hợp bảo tồn và phát triển hệ thống bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật quốc gia tại Trung tâm tài nguyên thực vật cũng như quy hoạch bảo tồn và phát triển tại chỗ hoặc chuyển chỗ một số giống cây ăn quả đặc sản của các huyện Chương Mỹ, Hoài Đức, Ba Vì .... Với định hướng đó, năm 2018 Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội phối hợp với Trung tâm Tài nguyên thực vật triển khai nghiệp vụ: ‘Bảo tồn, phát triển một số giống bưởi đỏ trên địa bàn huyện Mê Linh thành phố Hà Nội”.