Hà Nội: Sức ép thu ngân sách do Covid-19

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng mạnh tới thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn TP Hà Nội. Những tháng cuối năm Hà Nội tiếp tục tăng tốc, thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 ở mức cao nhất.

7 tháng đạt 51,5% dự toán

Theo Cục Thống kê Hà Nội, trong tháng 7, thu ngân sách trên địa bàn TP ước thực hiện 16 nghìn tỷ đồng, giảm 40,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước chiếm 33,4%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước chiếm 14,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 12,3%; thu từ thuế thu nhập cá nhân chiếm 11,2%.

Lũy kế 7 tháng năm 2020, tổng thu NSNN ước thực hiện 134 nghìn tỷ đồng, đạt 51,5% dự toán pháp lệnh năm 2020 và giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu từ dầu thô đạt 1.785 tỷ đồng, giảm 10,1%; thu nội địa (trừ dầu thô) đạt 122,4 nghìn tỷ đồng, giảm 16%.

Đáng chú ý, thu từ khu vực sản xuất, kinh doanh giảm. Một số lĩnh vực thu chủ yếu trong tổng thu nội địa 7 tháng năm 2020 đều giảm như: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 26,7 nghìn tỷ đồng, giảm 22,9% so với cùng kỳ năm trước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,7 nghìn tỷ đồng, giảm 21,3%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đạt 22,6 nghìn tỷ đồng, giảm 30,9%.

Các khoản thu khác, ngoài thuế thu nhập cá nhân đạt 16,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2%, thu tiền sử dụng đất đạt 11,8 nghìn tỷ đồng, tăng 23,7%, còn lại như thu lệ phí trước bạ đạt 3,7 nghìn tỷ đồng, giảm 12,5%; phí và lệ phí đạt 9,1 nghìn tỷ đồng, giảm 5,3%.

 

“Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiệm vụ thu NSNN  trong những tháng sắp tới hết sức nặng nề”- Cục Thuế Hà Nội dự báo. Hơn nữa, việc áp dụng các chính sách thuế miễn, giảm, điều chỉnh mức điều tiết thu mới cũng sẽ tiếp tục làm giảm thu NSNN những tháng cuối năm khoảng 5.100 tỷ đồng... Cục Hải quan Hà Nội cũng nhận định, dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Vì vậy, số thu 6 tháng đầu năm 2020 của Cục Hải quan Hà Nội sẽ chưa có chuyển biến. Nếu dịch Covid-19 sớm được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, dự kiến cuối quý III, đầu quý IV/2020, số thu của Cục Hải quan Hà Nội mới hồi phục.

Kế hoạch những tháng cuối năm, TP. Hà Nội sẽ quyết liệt thực hiên đồng bộ hiệu quả chương trình kế hoạch cải cách hành chính trong công tác quản lý thu NSNN, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hoàn thành 100% doanh nghiệp áp dụng hoá đơn điện tử. Đồng thời, mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế, tiếp tục bù đắp số giảm thu (thu từ đất, các khoản thu khác của trung ương…). 

Lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội cho hay, cùng với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, ngành Thuế TP thường xuyên rà soát, đánh giá lại toàn bộ thủ tục hành chính, các bước công việc trong quy trình quản lý thuế để kiến nghị cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục theo hướng minh bạch, thông thoáng, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Một biện pháp khác là tăng cường phối hợp giữa cơ quan thuế với các sở, ngành, địa phương trong thu hồi nợ thuế, rà soát các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng như thương mại điện tử, viễn thông, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án hoặc chuyển nhượng bất động sản (BĐS)...

“Các đơn vị có thẩm quyền cần tăng cường phối hợp với Cục thuế Hà Nội trong việc triển khai tốt, hiệu quả đối với việc triển khai nộp thuế điện tử đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS và đăng ký trước bạ phương tiện, nhà đất…”- ông Mai Sơn - Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội chia sẻ.

Về phía Cục Hải quan Hà Nội, cơ quan này đã chỉ đạo các chi cục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là đơn vị nhập khẩu linh kiện, ô tô nguyên chiếc làm thủ tục hải quan nhằm tăng thu ngân sách. Bên cạnh đó là tăng cường chống thất thu thông qua kiểm soát chặt chẽ việc kê khai của doanh nghiệp trong thông quan; đánh giá rủi ro, lựa chọn doanh nghiệp trọng điểm để kiểm tra sau thông quan; tiếp tục ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp lợi dụng dịch bệnh để buôn lậu, gian lận thương mại...

Thực tế, trong kế hoạch, Hà Nội cũng triển khai đánh giá thực tiễn tác động của dịch bệnh Covid-19 đến thu NSNN, các kịch bản tăng trưởng kinh tế để có giải pháp chủ động trong điều hành, cân đối thu chi NSNN.

Đảm bảo tín dụng cho nền kinh tế

Cũng theo cơ quan thống kê, trong tháng 7, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp huy động vốn, đảm bảo tín dụng cho nền kinh tế. Tổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 7 ước tính đạt 3.668 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 4,6% so với thời điểm kết thúc năm 2019. Trong đó: Tiền gửi VNĐ tăng 5,6% so với thời điểm 31/12/2019; tiền gửi ngoại tệ tăng 0,4%; tiền gửi tiết kiệm tăng 4,6%; tiền gửi thanh toán tăng 5,1%.

Tổng dư nợ đến cuối tháng 7 ước đạt 2.196 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 4% so với thời điểm kết thúc năm 2019. Các TCTD đẩy mạnh triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định của NHNN và xem xét cho vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong tổng dư nợ, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1.975 nghìn tỷ đồng, chiếm 89,9% và tăng 4,4% so với thời điểm kết thúc năm 2019; đầu tư đạt 221 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% và tăng 0,4%.

Tình hình thanh khoản của các TCTD trên địa bàn được đảm bảo. Về cho vay theo các chương trình tín dụng: Đến hết tháng 7, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 180 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,1%; dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 104 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,3%; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 374 nghìn tỷ đồng, chiếm 19%; cho vay công nghiệp hỗ trợ đạt 49 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,5%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 7,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4%; cho vay chính sách xã hội đạt 8,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4%; dư nợ cho vay theo chương trình phục vụ nhu cầu đời sống đạt 382 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,3%.

Trong 7 tháng năm 2020, các TCTD tích cực nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro thông qua việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các khoản vay có vấn đề trước khi phát sinh tình trạng nợ xấu. Dự kiến đến cuối tháng 7, nợ xấu của các TCTD chiếm 1,92%/tổng dư nợ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần