Hà Nội tăng cường phòng, chống dịch Covid-19: Việc trong tầm tay

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/1/2020, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã có các văn bản chỉ đạo việc tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày 6/1, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ban hành Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 6/1/2021 yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành của thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh việc khẳng định với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát tốt, Thường trực Ban Bí Thư, Thủ tướng Chính phủ cũng cảnh báo nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan ở Việt Nam vẫn rất cao, nhất là từ người nhập cảnh tại các nước dịch bệnh đang bùng phát và nhập cảnh trái phép không được kiểm soát qua đường mòn, lối mở... Trong khi đó, trong cộng đồng vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Từ nhận định trên, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các bộ, ngành trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng các cơ quan chức năng tiếp tục chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp ngăn chặn, phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là trong thời điểm cả nước chuẩn bị chào đón Xuân Tân Sửu và diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Để thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh các biện pháp mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc thực thi một cách quyết liệt thì có cũng những công việc mà sự thành công phụ thuộc rất lớn vào nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành vi của người dân thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng.

Thực tế việc phòng chống đại dịch Covid-19 ở Việt Nam trong năm 2020 vừa qua cho thấy, vai trò của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng là rất quan trọng với việc thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng, cụ thể là việc thực hiện Thông điệp 5K của Bộ Y tế. Vậy mà trong thực tế hiện nay không khó thấy tình trạng người dân chủ quan, không thực hiện các biện pháp phòng chống theo hướng dẫn của ngành y tế, đặc biệt là việc đeo khẩu trang nơi công cộng.

Nhận rõ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp tự bảo vệ phòng chống dịch bệnh, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định kể từ ngày 15/11/2020 mức phạt cho hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng là từ 1 - 3 triệu đồng. Có thể nói đó là mức xử phạt hành chính khá nặng. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng đã tiến hành các hoạt động tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu mỗi người dân thực hiện đeo khẩu trang nơi công cộng. Tuy nhiên, cũng phải thấy rõ một thực tế là việc nhắc nhở, xử phạt cũng chỉ là những biện pháp mang tính vận động, hành chính, rất khó để thực thi một cách triệt để. Để thực hiện thật tốt các biện pháp tự bảo vệ phòng chống dịch, quan trọng nhất vẫn là nhận thức, sự tự giác của mỗi người dân, cộng đồng.

Năm 2020 vừa qua, mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng đều đã có những trải nghiệm đầy khó khăn do tác động của dịch Covid-19, đặc biệt là trong những thời điểm cách ly toàn xã hội. Và chắc mỗi chúng ta cũng đều cảm thấy hạnh phúc khi được sinh hoạt, làm việc, học tập trong trạng thái bình thường mới hiện nay, ở thời điểm nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đang phải thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly trước làn sóng thứ 3 của đại dịch Covid.

Để bảo vệ những thành quả nói trên, có thể nói việc đầu tiên mỗi người có thể và cần làm là hãy tự bảo vệ bằng việc thực hiện khuyến cáo của ngành y tế, mà trước hết là đeo khẩu trang nơi công cộng như bến xe, nhà ga, sân bay, siêu thị, bệnh viện… Cũng cần nói thêm, đó là những biện pháp không mấy tốn kém, rất dễ thực hiện và nằm trong tầm tay của mỗi chúng ta!