Hà Nội tăng cường xử lý các công trình vi phạm

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 1781/UBND-ĐT về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 26/5/2016 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô.

Trong thời gian gần đây, trên địa bàn TP còn tồn tại nhiều vi phạm trật tự xây dựng, chủ yếu ở 4 nhóm: Công trình dự án do chủ đầu tư là doanh nghiệp, cá nhân hộ gia đình, vi phạm trên đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ và phát sinh đối với trật tự xây dựng nhà “siêu mỏng siêu méo”.
Thêm nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng. Ảnh: Mai Vân
Những vi phạm này diễn ra trong thời gian dài ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, có nhiều công trình gây bức xúc trong dư luận. Đáng chú ý, có các công trình vi phạm từ rất lâu nhưng chưa được xử lý, hoặc công trình không những không bị xử lý mà còn phát sinh vi phạm mới.
Nguyên nhân để xảy ra các tình trạng vi phạm trên, tại phiên giải trình về công tác quản lý trật tự xây dựng do Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức mới đây, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh đến trách nhiệm của các Đội quản lý trật tự xây dựng ở các quận, huyện, thị xã.
Để thực hiện nghiêm túc các kết luận chỉ đạo của Chủ tịch HĐND TP, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi các Sở, ngành của TP, Công an - Thanh tra TP và UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu siết chặt lại kỷ cương, trật tự xây dựng trên địa bàn.
Các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị phối hợp chặt chẽ với UBND xã, phường, thị trấn phải tăng cường chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát trách nhiệm; đảm bảo tất cả các công trình xây dựng phải được kiểm tra kiên quyết, xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, không để công trình vi phạm xây dựng hoàn thiện đưa vào sử dụng mới xử lý, cưỡng chế.
TP chỉ đạo không xem xét cấp mới, điều chỉnh giấy phép xây dựng, giấy phép quy hoạch đối với công trình, dự án có vi phạm trật tự xây dựng khi chủ đầu tư chưa chấp hành các quyết định xử phạt. UBND các xã, phường, thị trấn tập trung xử lý dứt điểm các công trình vi phạm tồn đọng; các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp gây bức xúc dư luận; các công trình “siêu mỏng, siêu méo".
UBND TP cũng yêu cầu các địa phương phải rà soát, thống kê đầy đủ, phân loại vi phạm, xác định rõ trách nhiệm, công khai danh mục công trình vi phạm; nêu rõ tiến độ xử lý đối với 197 công trình vi phạm trên đất nông, lâm nghiệp và 132 công trình “siêu mỏng, siêu méo”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần