Hà Nội: Tăng trưởng 7,5% trong năm 2020 là một chỉ tiêu rất cao, cần nhiều nỗ lực mới có thể hoàn thành

Thủy Tiên - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 22/4, tại hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền nhận định, để đạt được mức tăng trưởng 7,5% cho cả năm thì 9 tháng cuối năm 2020, Hà Nội phải tăng trưởng ở mức 8,6%.

Mức tăng trưởng năm 2020 sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của cả giai đoạn 2016 - 2020
Đóng góp ý kiến đề xuất những giải pháp cụ thể nhằm vừa ứng phó với dịch bệnh Covid-19, vừa tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tạo đà phục hồi tăng trưởng kinh tế - xã hội, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, quý I năm 2020, các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh tế của thành phố đều sụt giảm, nhưng vẫn giữ được phát triển 3,72%. “Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng 7,5% cho cả năm thì 9 tháng cuối năm phải tăng trưởng ở mức 8,6%. Đây là chỉ tiêu rất cao và cần rất nhiều nỗ lực thì mới có thể hoàn thành” - Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư nói. 
 Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại phiên thảo luận. 
Ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng cho hay, nếu không đạt mức tăng trưởng trong năm 2020, thì tính chung giai đoạn 5 năm (2016-2020), thành phố cũng không đạt kế hoạch đề ra là từ 7,3 đến 7,8%. Đây là 1 trong 13 chỉ tiêu mà Đảng bộ thành phố trước đó đã đặt ra.
Trên cơ sở đó, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư đề nghị các sở, ngành, quận huyện tiếp tục tập trung vào nhóm 136 nhiệm vụ của UBND thành phố. Trong đó, đề nghị ngành nông nghiệp tiếp tục tái đàn lợn, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, trồng cây ngắn ngày.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư, đối với những ngành vẫn có khả năng tăng trưởng trong mùa dịch thì cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển như lĩnh vực thông tin truyền thông, thương mại điện tử, thanh toán online. Ngoài ra, cần quan tâm đến một số lĩnh vực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 như sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế...
Đồng thời, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư cũng đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh công tác đấu thầu đối với những dự án đã được phê duyệt. Đồng thời, thúc đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân đối với các dự án thu hút đầu tư nước ngoài.
Đối với 27 xã chưa đạt nông thôn mới, Sở Kế hoạch Đầu tư kiến nghị cho phép giao nhiệm vụ này cho Sở NN&PTNT làm việc với các địa phương để rà duyệt lại toàn bộ tiêu chí của các xã này để tham mưu đề xuất để giải quyết dứt điểm.
Cắt giảm thêm ít nhất 5% chi thường xuyên
Báo cáo của Ban Cán sự UBND thành phố Hà Nội cho thấy, trong quý I, tăng trưởng kinh tế của Thủ đô được duy trì, song hầu hết các chỉ tiêu đều thấp hơn so với cùng kỳ. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 3,72% (cùng kỳ tăng 6,95%). Mức tăng trưởng 3,72% là nhờ duy trì tăng trưởng của ngành công nghiệp-xây dựng trong tháng 1 và 2, thời điểm chưa chịu tác động của Covid-19.
 Toàn cảnh phiên thảo luận. 
Căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực trong quý I, Thành phố dự báo và xây dựng các kịch bản để phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất so với Kế hoạch năm 2020 đã đề ra (bằng khoảng 1,3 lần cả nước) với tốc độ tăng trưởng 7,5%.
Từ dự báo với các tình huống cụ thể, Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách thảo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã để tập trung thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2020.
Trong đó, sẽ tập trung xây dựng các phương án thu, chi ngân sách, đảm bảo tính khả thi và đáp ứng nhiệm vụ chi thường xuyên và chi đột xuất trong giai đoạn dịch Covid-19.
Thành phố cũng sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế. Thực hiện rà soát cụ thể, chi tiết từng dự án đầu tư công, xác định rõ khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân, tạo vốn thực hiện kích cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Cải cách triệt để các thủ tục hành chính; Đơn giản các thủ tục cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm; Thúc đẩy phát triển mạnh ngành nông nghiệp, phấn đấu giá trị gia tăng năm 2020 tăng trên 4%.
Tập trung sản xuất các sản phẩm có cơ hội phát triển, sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như: thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế (máy thở, dụng cụ xét nghiệm); dược phẩm; Thực hiện cắt giảm thêm ít nhất 5% chi thường xuyên ngoài kế hoạch tiết kiệm 10% chi từ đầu năm...