Hà Nội: Tăng trưởng kinh tế quý I/2020 được duy trì, GRDP tăng 3,72%

Thủy Tiên - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Quý I/2020, tăng trưởng kinh tế của Thủ đô được duy trì, song hầu hết các chỉ tiêu đạt thấp hơn so với cùng kỳ.

Ngày 6/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban kiểm điểm công tác quý 1 năm 2020 và giao ban Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của TP Hà Nội (phiên thứ 30).
Dự hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu; các Phó Chủ tịch UBND thành phố: Nguyễn Quốc Hùng, Lê Hồng Sơn; Ngô Văn Quý, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản và lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo 30 quận, huyện, thị xã qua hình thức họp trực tuyến.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2020 tăng 3,72%
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Quý I/2020, tăng trưởng kinh tế của Thủ đô được duy trì, song hầu hết các chỉ tiêu đạt thấp hơn so với cùng kỳ: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2020 tăng 3,72%; cùng kỳ tăng 6,95%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,44%. Kim ngạch xuất khẩu giảm 18,1%; Kim ngạch nhập khẩu giảm 21,3%. 

Khách du lịch giảm mạnh. Tổng lượng khách du lịch giảm 47,2%, trong đó, khách quốc tế giảm 43,9%; tổng doanh thu giảm 38,8%.
  Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị
Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 63,04 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% (cùng kỳ tăng 10,5%). Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 927,4 triệu USD; đầu tư trong nước 7,14 nghìn tỷ đồng. Có 6.350 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 103 nghìn tỷ đồng, tăng 1% về số lượng và tăng 98% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Thu NSNN trên địa bàn đạt 71.383 tỷ đồng, bằng 25,6% dự toán, tăng 6,7% (cùng kỳ tăng 30,3%). Thu nội địa đạt 66.564 tỷ đồng, bằng 25,4% dự toán, tăng 6,0% so với cùng kỳ.

Gieo trồng vụ xuân thuận lợi, cây trồng phát triển tốt. Dịch tả lợn Châu Phi được kiểm soát và không phát sinh ổ dịch mới trong 30 ngày. Đàn trâu, bò tăng nhẹ; đàn gia cầm tăng 17,5%, sản lượng thịt tăng 27,3%.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị được duy trì tốt, đảm bảo cung cấp điện, nước, thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường, cây xanh, chiếu sáng,... Tỷ lệ hộ dân nông thôn được cấp nước sạch đạt trên 75%. 

TP đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của các quận, huyện, thị xã; số hộ được giao đất dịch vụ đạt 78,49% (cùng kỳ đạt 66,48%). Quản lý, vận hành ổn định hệ thống quan trắc môi trường nước và không khí; số ngày và mức độ ô nhiễm khói, bụi trong không khí giảm so với cùng kỳ.

TP thực hiện tốt việc tiếp nhận, vận chuyển, quản lý và bảo đảm tốt cho công dân thuộc diện phải cách ly theo dõi dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, hiện nay dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng toàn diện đến các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, trật tự; tác động tiêu cực đến các chỉ tiêu và cân đối lớn của TP. Các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đều đạt thấp so với cùng kỳ, tạo áp lực lớn trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Chỉ số giá có xu hướng tăng cao hơn so với cùng kỳ, nhất là nhóm thực phẩm.
Tiến độ thi công một số công trình còn chậm, ảnh hưởng tỷ lệ giải ngân và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Tình hình tội phạm chuyển biến tích cực song vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Số vụ vi phạm về ma túy, tín dụng đen, vi phạm pháp luật về môi trường vẫn cao.
Vì vậy, căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực trong quý I, Sở KH-ĐT đưa ra kịch bản tăng trưởng năm 2020 của thành phố Hà Nội như sau:
Kịch bản 1: Dịch bệnh sớm được kiểm soát, quý II lấy lại đà tăng trưởng và quý III, IV có sự bứt tốc, tăng trưởng cả năm đạt 7,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra.

Kịch bản 2: Dịch bệnh được kiểm soát vào quý III nhưng tăng trưởng tiếp tục bị ảnh hưởng, không thể bứt tốc, cả năm đạt 6,42%, không đạt kế hoạch đề ra.

Kịch bản 3: Dịch bệnh kéo dài đến hết năm, tăng trưởng cả năm 2020 đạt 5,34%, không đạt kế hoạch đề ra. 

Trên cơ sở đó, UBND Thành phố sẽ ban hành "Kế hoạch hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19", giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, Ban, Ngành, và UBND quận, huyện, thị xã để tập trung thực hiện với tinh thần khẩn trương, quyết liệt và đồng bộ, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội năm 2020 và cả giai đoạn 5 năm 2016 – 2020; nhất là xây dựng các phương án thu, chi ngân sách, đảm bảo tính khả thi và đáp ứng chi thường xuyên và an sinh xã hội trong giai đoạn dịch bệnh.
Cắt giảm ít nhất 5% chi thường xuyên
TP Hà Nội tiếp tục tập trung phòng, chống dịch Covid-19, điều hành các hoạt động và sự phối hợp công tác giữa các cơ quan, đơn vị phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Bên cạnh đó, chuẩn bị và triển khai tốt công tác đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội Đảng bộ Thành phố và Đại hội Đảng toàn quốc.
Đặc biệt, TP triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế. Trong đó, cải cách triệt để các thủ tục hành chính; đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết, nhất là thủ tục hành chính liên thông. Mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 gắn với tuyên truyền để nhân dân tham gia sử dụng dịch vụ. Đơn giản các thủ tục cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm.
Tập trung sản xuất các sản phẩm có cơ hội phát triển, sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như: thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng; thiết bị y tế (máy thở, dụng cụ xét nghiệm); dược phẩm...
   Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị

Khuyến khích, thúc đẩy phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ: thông tin, truyền thông; thương mại điện tử; thanh toán online; học trực tuyến;…

Thực hiện cắt giảm ít nhất 5% chi thường xuyên; rà soát cụ thể tình hình tài chính, ngân sách để xây dựng kịch bản điều hành thu, chi ngân sách hiệu quả, kịp thời đáp ứng yêu cầu các nhiệm vụ cấp bách cũng như thường xuyên.

Duy trì tốt hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải trong cụm công nghiệp. Phối hợp tốt với các Bộ, ngành để sớm vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về đất dịch vụ, hoàn thành đúng tiến độ công tác giao đất dịch vụ cho người dân.

Đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng các chính sách cho người có công, đối tượng bảo trợ xã hội; Chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh trên người, nhất là trong thời gian chuyển mùa, tuyệt đối không để xảy ra dịch chồng dịch.

Không có hiện tượng tổ chức lễ hội tập trung đông người

Về công tác kiểm tra công vụ quý I-2020, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, các đoàn kiểm tra công vụ đã kiểm tra đột xuất 34 lượt cơ quan, đơn vị; kiểm tra xác minh 2 vụ việc theo chỉ đạo của thành phố và khảo sát tại 12 địa điểm tổ chức lễ hội...

Kết quả, cơ bản các cơ quan, đơn vị được kiểm tra đã bố trí công chức trực tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính ngay trong những ngày đầu làm việc sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Tuy nhiên còn một số tồn tại như chưa bố trí công chức trực tiếp nhận hồ sơ hành chính; chưa cập nhật kịp thời một số thủ tục hành chính đã sửa đổi bổ sung...

Đối với công tác khảo sát công tác tổ chức lễ hội không có hiện tượng tổ chức lễ hội tập trung đông người, không phát hiện cán bộ, công chức, viên chức, sử dụng xe công đi lễ hội trái quy định… Trong thực hiện kết quả kiểm tra công vụ của các cơ quan, đơn vị được kiểm tra, đã có 10 cơ quan, đơn vị báo cáo khắc phục, chấn chỉnh thiếu sót, tồn tại với 6 trường hợp bị kiểm điểm trách nhiệm và xử lý kỷ luật.

Về kiểm tra xác minh theo chỉ đạo của UBND thành phố, đối với kiểm tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường Nam Đồng (quận Đống Đa) trong công tác quản lý cách ly người có nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19, kết quả kiểm tra cho thấy Chủ tịch UBND phường Nam Đồng chưa kịp thời thực hiện các biện pháp cách ly, theo dõi sức khỏe phòng chống dịch Covid-19; không hướng dẫn, kịp thời đưa các trường hợp đến cơ sở cách ly theo quy định; phát ngôn, cung cấp thông tin chưa được cấp có thẩm quyền kiểm chứng cho báo chí.

“Đây là thời gian vàng để chuẩn bị chứ không phải nghỉ ngơi”

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng các kết quả tăng trưởng trong quý I/2020 đạt được là do địa dư tăng trưởng năm 2019, từ các nguồn thu ngân sách thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp, tiền thu đất…

Trước diễn biến khó lường, chưa biết điểm dừng của dịch COVID-19, Chủ tịch UBND TP nhận định, thời gian tới, TP sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cần phải nhìn rõ nguy cơ để đề ra những biện pháp kịp thời nhằm hạn chế đến mức tối đa ảnh hưởng của dịch đến phát triển kinh tế - xã hội của TP.

“Trong giải quyết công việc cần thực hiện đúng quy trình nhưng phải nhanh, dứt khoát, tránh tư tưởng lừng khừng, đùn đẩy trách nhiệm, làm sao để đẩy nhanh các quy trình thủ tục, tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp” - Chủ tịch UBND TP nêu rõ.

Đây là khoảng “thời gian vàng” để các đơn vị chuẩn bị đầy đủ nguồn vật lực, mua sắm các trang thiết bị y tế chống dịch, đồng thời đồng thời chuẩn bị các giải pháp để phục hồi phát triển kinh tế. Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: “Mặc dù thực hiện cách ly xã hội nhưng các cơ quan của thành phố phải tích cực làm việc phục vụ người dân”.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch tại từng cơ quan, đơn vị, khu dân cư, hộ gia đình. Trong tuyên truyền, cần thường xuyên cập nhật những yếu tố, diễn biến mới của tình hình và các biện pháp phòng tránh dịch bệnh đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người dân.

   Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu kết luận hội nghị

Các quận, huyện, thị xã phải tổ chức tốt việc cách ly xã hội bởi đây là biện pháp quyết định để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Cùng với công tác phòng, chống dịch phải đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất nông nghiệp và rà soát lại các trang thiết bị phòng, chống thiên tai để tăng tỷ lệ tăng trưởng nông nghiệp. Bên cạnh đó, tập trung làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, các đối tượng thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và con em của họ.

Các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã cần tiếp tục đôn đốc, triển khai 237 dịch vụ công đạt mức độ 4, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, tăng cường tuyên truyền để người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.

Chủ tịch UBND TP yêu cầu, các quận, huyện, thị xã và ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện, đồng thời rà soát chi tiết các dự án chưa triển khai, không đề xuất dự án mới. Tháo gỡ khó khăn tại các dự án của doanh nghiệp tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài. Tập trung đôn đốc thi công các công trình thiết yếu với yêu cầu bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian thi công.

Đặc biệt, các địa phương cần tích cực chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp. Các đơn vị của TP thực hiện cắt giảm thêm ít nhất 5% chi tiêu thường xuyên đến hết quý II/2020, đặc biệt không chần chừ cắt giảm chi cho các chuyến công tác nước ngoài, các hoạt động hội họp không thiết yếu.

Chủ tịch UBND TP cũng lưu ý Công an TP và Bộ Tư lệnh Thủ đô tăng cường công tác bảo đảm an ninh - quốc phòng. Các DN trực thuộc TP rà soát hoạt động để đánh giá tác động của dịch COVID-19, chủ động xây dựng lại quy trình quản lý, cắt giảm chi phí. Sở Nội vụ và Thanh tra TP tiếp tục triển khai kiểm tra công vụ đột xuất, nhất là trong công tác phục vụ người dân, giải quyết thủ tục hành chính.

Ngành Giáo dục TP cần tập trung các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, kiến thức phòng, chống dịch để học sinh đi học trở lại khi đủ điều kiện; thống kê con em hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và các giáo viên bị ảnh hưởng bởi dịch để đề xuất chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP giao Sở Nội vụ tổ chức thi, xét tuyển chỉ tiêu giáo viên, bảo đảm đủ giáo viên khi học sinh đi học trở lại.

Sở Công Thương làm tốt công tác kết nối cung cầu với các địa phương, doanh nghiệp để tạo điều kiện cung ứng sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế tăng tốc sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước, nếu đủ rồi có thể đề xuất với Chính phủ hướng đến xuất khẩu.

Sở Y tế, Công thương họp bàn lại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất hoặc nhập khẩu nhu yếu phẩm, thiết bị y tế phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. “Khâu chuẩn bị rất quan trọng, đây là thời gian vàng để chuẩn bị chứ không phải nghỉ ngơi”, Chủ tịch nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần