Hà Nội tạo cơ chế để hút vốn ngoại

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù diễn biến tình hình dịch Covid-19 còn phức tạp, nhưng những tháng đầu năm 2020, TP Hà Nội có nhiều chuyển biến trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

 Nhiều dòng vốn FDI sẽ được đổ về Hà Nội trong thời gian tới đây. Ảnh: Công Hùng

Nhiều dự án tỷ USD hứa hẹn vào Hà Nội
5 tháng đầu năm nay, thu hút vốn đầu tư trực tiếp FDI của TP đạt 1,056 tỷ USD với 258 dự án. Thu hút vốn đầu tư trong nước đạt 9,16 nghìn tỷ đồng gồm 4 dự án mới và 26 dự án điều chỉnh tăng vốn.
Kết quả trên là tích cực trong bối cảnh hoạt động đầu tư trên toàn cầu và khu vực giảm mạnh. Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã có cuộc làm việc với Tổng Giám đốc AEON MALL Việt Nam Tetsuyuki Nakagawa, đại diện AEON MALL đã chia sẻ kế hoạch đầu tư Dự án bãi đỗ xe kết hợp trung tâm thương mại tại Bến xe Giáp Bát (Hà Nội).

Dòng chảy FDI vào thị trường Hà Nội sẽ tiếp tục mạnh mẽ. Việc hoàn thiện hơn môi trường đầu tư kinh doanh, hiệu quả từ cách làm đồng bộ sẽ là giải pháp quan trọng để Hà Nội thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn đối với NĐT. 

TS Nguyễn Minh Phong

Theo ông Nakagawa, nếu được chấp thuận, AEON MALL sẽ đầu tư một dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay mà Tập đoàn đã đầu tư tại Việt Nam. Thậm chí, AEON MALL đang nghiên cứu để triển khai một số dự án trung tâm thương mại khác trên địa bàn Hà Nội; hay dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu - Phát triển của Tập đoàn Samsung tại Hà Nội với số vốn 200 triệu USD là minh chứng cho sự quyết tâm, hướng tới mục tiêu tăng trưởng theo chiều sâu của giới đầu tư nước ngoài.
Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội Takeo Nakajima phân tích, nhờ có lợi thế thị trường lớn với quy mô dân số lớn, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, Uniqlo, Aeon và nhiều tập đoàn nổi tiếng khác của Nhật Bản muốn thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam. Nhiều dự báo còn cho rằng, dịch Covid-19 thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài tới Việt Nam. Các DN Nhật Bản mong muốn sẽ được hợp tác với các DN Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng trong các lĩnh vực như: Công nghiệp nhôm; Công nghiệp sản xuất ô tô; Xi măng, khoáng sản; Năng lượng; Logistics…
Cuối tháng 6 này, Hà Nội dự kiến mở hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển. Dự kiến sẽ có 100 dự án được trao chủ trương đầu tư trong hội nghị này. Trong đó, dự án đầu tư trong nước đạt 330 nghìn tỷ đồng. Trong các dự án này có 26 dự án nhà ở xã hội với số vốn 72 nghìn tỷ đồng và hơn 3 triệu m2 nhà ở xã hội để cung cấp ra thị trường cho các đối tượng thu nhập thấp trong những năm tới. Các dự án FDI dự kiến sẽ được trao chủ trương đầu tư trong dịp này khoảng 3,5 tỷ USD; tiếp tục mời các nhà đầu tư (NĐT) tham gia đầu tư vào Hà Nội những năm tiếp theo.
Chính quyền cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp 
Năm 2019, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI với số vốn đăng ký đạt trên 8,45 tỷ USD, chiếm 22,2% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đã thay đổi rất nhiều khi có các dự án lớn đổ bộ vào trong những năm qua. Hà Nội khẳng định quan điểm nhất quán và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các NĐT kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn.
Hà Nội tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục không cần thiết và phấn đấu đến ngày 30/6, 100% dịch vụ công của TP đạt mức độ 3 và 4. Trong đó có 25% đạt mức độ 4 và bảo đảm sẽ kết nối 250 dịch vụ với Cổng dịch vụ công Quốc gia ngay trong tháng 6/2020. Hà Nội chỉ đạo tăng cường hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy DN khởi nghiệp. Nâng cao chất lượng nhân lực và phát triển hệ thống DN địa phương để kết nối được chuỗi giá trị của DN FDI. Trong đó, tiếp tục hỗ trợ các chương trình đào tạo nghề và đào tạo chuyển đổi nghề, phấn đấu 75% lao động trên địa bàn TP sẽ được qua đào tạo.
TP cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cho DN phát triển khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống kho logistics và thương mại điện tử. Liên quan đến thủ tục đầu tư, các quy trình có đăng đầy đủ trên Cổng thông tin của Sở KH&ĐT Hà Nội (http://hapi.gov.vn), các DN có thể truy cập vào website để tham khảo và thực hiện.
TP tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tại Chương trình hành động số 07 của UBND TP, đồng thời triển khai thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong “trạng thái bình thường mới”. Phấn đấu năm 2020 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao hơn 1,3 lần tốc độ tăng trưởng cả nước. Tiếp tục thể hiện quyết tâm là địa phương tiên phong đi đầu trong phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh trong năm 2020, khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, ổn định cho các NĐT lựa chọn.