Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Hà Nội tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "TP Hà Nội tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN trong và ngoài nước tiếp cận, triển khai dự án đầu tư, đảm bảo lợi ích nhà nước, người dân", đó là khẳng định của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung bên lề Hội nghị: "Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển" tổ chức ngày 17/6.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao đổi bên lề Hội nghị: ''Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển''. Ảnh: Phạm Hùng.
Thưa Chủ tịch, đây là lần thứ 3 TP Hà Nội tổ chức hội nghị, qua 2 kỳ trước, Hà Nội đã đạt kết quả như thế nào trong việc thu hút vốn đầu tư?
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy trong những năm qua TP Hà Nội đã tích cực chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư cũng như tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận các dự án trên địa bàn Hà Nội. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2016, 2017, UBND TP đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 71 dự án (năm 2016: 23 dự án, tổng vốn đầu tư là 36.919 tỷ đồng; năm 2017: 48 dự án, tổng vốn đầu tư 74.369 tỷ đồng).

Đến nay, 62 dự án đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, khởi công và xây dựng, hoạt động; 9 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Đặc biệt, đến nay đã có 23 nhà đầu tư với 34 dự án cấp nước sạch đã được phê duyệt, với tổng công suất 2.105.000 m3/ngày đêm, đã phủ được 94% diện tích cấp nước sạch cho các vùng nông thôn trên địa bàn Hà Nội.

Đến ngày 31/5/2018, đã có 52% người dân các huyện ngoại thành được cấp nước sạch theo tiêu chí nước đô thị. Trong số 135 dự án giới thiệu kêu gọi đầu tư có 21 dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư, nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu thông tin đối với các dự án còn lại.

Để thúc đẩy hoạt động thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua TP Hà Nội đã có chính sách ưu tiên nhà đầu tư như thế nào thưa Chủ tịch?

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung: Với chính sách kiên trì, kiên định, TP Hà Nội luôn luôn đồng hành với DN theo hướng công khai minh bạch các dự án kêu gọi vốn đầu tư. Khi nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến tìm hiểu dự án, UBND TP đều phân công lãnh đạo TP, lãnh đạo các ban ngành tiếp và trả lời thấu đáo những khúc mắc và những vấn đề DN cần tìm hiều về dự án.
Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội hướng dẫn nhà đầu tư thiết lập hồ sơ đầu tư một cách chặt chẽ, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể, đã yêu cầu Sở KH&ĐT rà soát lại toàn bộ các quy trình thủ tục, bên cạnh đó TP Hà Nội đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin, đến nay 100% việc đăng ký thành lập DN đều thực hiện trên mạng internet.

Nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư, UBND TP Hà Nội đã đề xuất cơ chế, khi thành lập DN chỉ cần kê khai hồ sơ qua mạng để báo cáo với Thành ủy, HĐND TP dự kiến đưa ra kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hà Nội vào đầu tháng 7/2018 thông qua. Nếu đề xuất này được thông qua thì từ ngày 1/8/2018, TP Hà Nội sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí và các dịch vụ tiện ích trong quy trình thủ tục thành lập DN. Toàn bộ thủ tục sẽ được giải quyết và chuyển kết quả qua chuyển phát nhanh về đến tận nhà của bạn.

Tại hội nghị "Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển", Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn đầu tư 397.335 tỷ đồng, vậy để các nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện những dự án này, UBND TP Hà Nội sẽ tạo điều kiện như thế nào cho các nhà đầu tư thực hiện dự án?

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung: Trong 71 dự án đầu tư được UBND TP Hà Nội trao quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư có những dự án quy mô rất lớn, đặc biệt là dự án TP thông minh tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) với vốn đầu tư lên đến 94.349 tỷ đồng của Tập đoàn Sumimoto (Nhật Bản).

Trước khi trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Sumimoto, UBND TP Hà Nội đã xem xét một cách kỹ lưỡng dự án. Ngay từ năm 2015 Tập đoàn Sumimoto đã đề xuất đầu tư vào dự án TP thông minh, sau gần 3 năm xem xét các điều kiện nhà đầu tư đưa ra, đây cũng là thời gian nhà đầu tư hoàn thiện các hồ sơ xác định, chứng minh thông qua dự án này Hà Nội sẽ xây dựng được TP thông minh.
Trong thời gian tới, TP Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các nhà đầu tư sớm hoàn tất các thủ tục giao đất và các thủ tục liên quan đền nhà đầu tư sớm khơi công dự án này. Có thể nói việc Hà Nội trao giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Sumimoto đã thực hiện một cách nghiêm túc các cam kết của Chính phủ 2 nước Việt Nam - Nhật Bản trong việc xúc tiến đầu tư kêu gọi DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam nói chung TP Hà Nội nói riêng.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tiếp đoàn DN Nhật Bản bên lề Hội nghị: ''Hà Nội 2018 - Hợp tác đầu tư và phát triển''. Ảnh Phạm Hùng
Mặc dù UBNDTP Hà Nội đã tạo điều kiện cho DN thực hiện các dự án, đặc biệt là dự án cải tạo chung cư cũ, tuy nhiên công tác giải phóng mặt bằng đã gây trở ngại không nhỏ cho DN trong quá trình triển khai dự án đầu tư. Vậy Hà Nội sẽ có chính sách như thế nào để DN đầu tư có được mặt bằng “sạch” triển khai dự án?

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung: Hiện nay quá trình phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn Hà Nội gặp nhiều vướng mắc khó khăn, tuy nhiên trong quá trình xem xét các thủ tục đầu tư, TP Hà Nội đã thực hiện chặt chẽ. Trên cơ sở đó TP sẽ công bố, truyền thông công khai dự án tới người dân qua đó tạo sự đồng thuận nhất của người dân trong quá trình triển khai các dự án.

Dự án cải tạo các chung cư cũ đã được UBND TP Hà Nội lập thành danh mục và đưa ra kêu gọi công khai các nhà đầu tư tham gia thực hiện tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 4/6/2016. Đến nay, TP Hà Nội đã thu hút 18 DN đầu tư đăng ký lập dự án 28 khu chung cư cũ, DN cũng đã hoàn thành 16 đồ án quy hoạch và đưa ra các ý tưởng thiết kế cho những chung cư cũ. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện những dự án này cũng đang gặp phải những khó khăn vướng mắc về cơ chế, hệ số bồi thường cho các hộ gia đình đang ở chung cư cũ; Thủ tục xác định thời hạn phá dỡ những tòa nhà này phải đạt cấp độ D mới có thể di dời...

Một khó khăn nữa là việc các nhà đầu tư thường đưa ra 2 phương án khác nhau, một phương án là tuân thủ đúng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn của quy hoạch xây dựng... nhưng nếu thực hiện theo phương án này lại không đảm bảo phương án tài chính của nhà đầu tư. Chính vì vậy, DN đầu tư đều đề xuất phương án giảm mật độ xây dựng nhưng tăng chiều cao... nhưng muốn thực hiện phương án này đòi hỏi Chính phủ, Quốc hội cần phải có chính sách, quy định mới phù hợp với thực tế thì nhà đầu tư mới có thể thực hiện một cách thuận lợi.

Để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới TP Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo qua đó tổng hợp ý kiến của nhà đầu tư, nguyện vọng của nhân dân... trên cơ sở đó TP Hà Nội sẽ tập hợp báo cáo đề xuất Chính phủ và Thường vụ Quốc hội các cơ chế chính sách tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đảm bảo hài hòa giữa lợi ích người dân với nhà đầu tư.

Hiện việc kêu gọi xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng đang được chú trọng thế nhưng lại không hề dễ dàng, vậy TP Hà Nội có phương án như thế nào trong quá trình xã hội hóa vốn đầu tư một cách minh bạch, công khai?

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung: Hiện nguồn vốn đầu tư công hệ thống cơ sở hạ tầng chỉ đáp ứng được 15 - 17% như vậy Hà Nội phải kêu gọi xã hội hóa vốn đầu tư cho 80 - 83% nhu cầu cần thiết.

Để đảm bảo cho mục tiêu phát triển cũng như mục tiêu đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng trên địa bàn Hà Nội đòi hỏi kêu gọi các nguồn lực đầu tư từ các DN trong nước và nước ngoài. Để thực hiện điều đó đòi hỏi phải cải cách hành chính để các nhà đầu tư trong nước và quốc tế khi có nguyện vọng đầu tư sẽ hoàn tất các thủ tục trong thời gian nhanh nhất nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư.

Để tháo gỡ vấn đề này, hiện TP Hà Nội tập hợp các vướng mắc khó khăn trên các lĩnh vực BT, BOT... qua đó đề xuất Chính phủ ban hành chính sách, quy trình mới theo hướng thông thoáng, thuận lợi cho DN nhưng vẫn đảm bảo tính chặt chẽ đảm bảo lợi ích nhà nước, người dân.

Xin cảm ơn Chủ tịch!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần