Hà Nội tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất 2018

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 24/3, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Lễ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2018 tại quảng trường Cách mạng Tháng Tám.

Cùng với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đồng loạt 63 tỉnh, TP của Việt Nam đã hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất bằng hành động biểu trưng tắt đèn và giảm thiểu sử dụng các thiết bị điện trong 1 giờ, từ 20h30 đến 21h30. Đây là sáng kiến của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF). Đến nay, có 187 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 7.000 TP và hàng tỷ người dân trên toàn thế giới đã tham gia hưởng ứng Chiến dịch.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu khai mạc buổi lễ. 

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nêu rõ, thiên tai và biến đổi khí hậu đang gia tăng, mỗi năm gây thiệt hại khoảng 1,5% GDP. Để ứng phó biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã ban hành thực thi nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm, bảo vệ môi trường, nhằm thể hiện quyết tâm của Việt nam trong việc giảm thiểu khí thải nhà kính.

Giờ Trái đất đã trở thành sự kiện tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, với số lượng người tham gia hưởng ứng lên đến hàng tỷ người trên thế giới, hàng nghìn TP, hàng trăm quốc gia. Giờ Trái đất đã trở thành sự kiện thường niên không thể thiếu. Năm 2018, với khẩu hiệu “Hôm nay tôi sống xanh hơn”, Giờ Trái đất kêu gọi mọi tổ chức cá nhân tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, xanh bền vững. Trong suốt 1 tháng qua, nhiều TP, DN, tổ chức đã có nhiều hoạt động hưởng ứng sự kiện này.

“Tôi kêu gọi các tổ chức, cá nhân, DN… tắt đèn từ 20h30 đến 21h30, cũng như tất cả những ngày trong năm khi có thể, để giảm thiểu thiên tai, biến đổi khí hậu. Tôi cũng xin cảm ơn tới các tỉnh, thành, các cơ quan thông tấn báo chí đã góp phần tuyên truyền, lan tỏa thông điệp ý nghĩa, tốt đẹp và rất thiết thực đến cộng đồng, nhân dân cả nước”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nói.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng khẳng định: Hà Nội luôn là một trong những TP đi đầu trong hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, Giờ Trái đất là chiến dịch toàn cầu, nhằm khuyến khích kêu gọi cộng đồng tham gia tắt đèn, tổ chức các hoạt động ủng hộ, hưởng ứng, tiết kiệm năng lượng, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

Hà Nội luôn là một trong những TP đi đầu trong hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất. Qua các năm triển khai Chiến dịch, ý thức của cộng đồng người dân, DN Thủ đô đã dần xây dựng nếp sống, thói quen về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng. Với Giờ Trái đất 2018, ngày từ đầu năm, Hà Nội đã ban hành kế hoạch tới các cơ quan, trường học, DN tiết kiệm nước, tài nguyên… đồng thời phát động phong trào này tới các hộ dân.

“Tôi mong muốn sự tự nguyện của các hộ kinh doanh, DN và người dân Thủ đô, tắt các thiết bị điện, trồng thêm cây xanh… góp phần bảo vệ môi trường và tiết niệm năng lượng. Với nỗ lực này, tôi tin tưởng TP Hà Nội cùng các TP sẽ vượt qua được thách thức, khó khăn về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường hiện nay”, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh.

Sự kiện đã thu hút rất đông đảo sinh viên của nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội, nhiều tình nguyện viên và người dân Thủ đô tham gia. Tiếp đó, hàng loạt hoạt động hưởng ứng đã diễn ra trong suốt tháng 3 tại khắp các tỉnh, thành trong cả nước, đặc biệt tại các TP lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Không chỉ góp phần tiết kiệm một phần sản lượng điện tiêu thụ, chiến dịch Giờ Trái đất 2018 đã góp phần nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của người dân, nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu…
Các đại biểu cùng thực hiện nghi lễ chính thức của buổi lễ.
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ HTĐ Quốc gia, sau 1 giờ tắt đèn chính thức Giờ Trái đất 2018 (từ 20h30 đến 21h30 ngày 24/3/2018), lượng điện năng tiết kiệm được trên phạm vi cả nước là 485.000 kWh, tương đương khoảng 834 triệu đồng.