Hà Nội: Thành phố năng động, an toàn, đúng nghĩa là “Thành phố vì hòa bình"

Thủy Tiên - Công Thọ (Thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai sẽ diễn ra tại Hà Nội vào đúng dịp Hà Nội kỷ niệm 20 năm được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”...

Đây là dịp có “một không hai” để quảng bá hình ảnh của Việt Nam cũng như Hà Nội với thế giới. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô phối hợp với các Bộ, ngành T.Ư đang gấp rút thực hiện các nhiệm vụ để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ Hội nghị mang tầm quốc tế này. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề trên.

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung 
Cơ hội để quảng bá hình ảnh Việt Nam, Hà Nội
PV: Xin ông cho biết đôi nét về công tác chuẩn bị của Hà Nội cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai?
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Khi nhận được sự chỉ đạo của T.Ư, Chính phủ giao cho Hà Nội nhiệm vụ phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều trong thời gian ngắn. Chúng tôi đã triển khai đồng bộ mọi biện pháp, giải pháp để làm cho TP đẹp hơn từ khâu trang trí, vệ sinh môi trường, đến tổ chức phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để thực hiện nhiệm vụ phục vụ tốt nhất cho hội nghị Thượng đỉnh giữa hai nước, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho sự kiện này. Cùng với đó, đảm bảo trật tự ATGT, PCCC, công tác cứu hộ cứu nạn…
Về công tác trang trí, toàn bộ tuyến đường, xung quanh hồ Hoàn Kiếm hoàn thành trong chiều 24/2 với khoảng trên 4.000 giỏ hoa, gần 500.000 cây hoa, các cột đèn đều được treo cờ 3 nước. Liên quan đến công tác vệ sinh, TP đã yêu cầu tất cả công ty vệ sinh của TP tham gia trên diện rộng, đặc biệt là các tuyến đường chính và nơi sẽ diễn ra các hoạt động liên quan đến hội nghị.
Ngoài ra, Hà Nội được T.Ư và Thủ tướng Chính phủ giao phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ TTTT, các cơ quan thông tấn báo chí để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Việt Nam và Hà Nội với bạn bè quốc tế. 
PV: Các nhiệm vụ TP được Chính phủ giao mới chỉ thực hiện chưa đầy 2 tuần với một khối lượng công việc khổng lồ. Vậy TP Hà Nội có muốn gửi gắm thông điệp gì đến người dân để cùng tham gia chia sẻ góp phần tạo thành công Hội nghị quan trọng này?
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Đến giờ phút này, về cơ bản TP đã xây dựng một kế hoạch khoa học, chi tiết, đã được Thủ tướng thông qua. Bên cạnh đó, có nhiều nội dung công việc phát sinh, nhưng TP đã tích cực triển khai quyết liệt. Về cơ bản các nhiệm vụ Thủ tướng giao, Hà Nội đã hoàn thành. Phấn đấu, chuẩn bị mọi cơ sở vật chất để đáp ứng mọi yêu cầu, làm sao đóng góp vào sự thành công vào hội nghị thượng đỉnh hai nước và chuyến thăm Việt Nam chính thức của Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un.
Tất cả các nhiệm vụ của TP được Chính phủ giao chỉ có thể hoàn thành một cách xuất sắc khi có sự tham gia của tất cả người dân Thủ đô cũng như du khách đến Hà Nội. Đây là dịp để chúng ta thể hiện những nét đẹp về ứng xử thanh lịch, văn minh của người Tràng An, thể hiện lòng mến khách, sự thân thiện với tất cả khách các tỉnh, TP, bạn bè quốc tế. Tất cả mọi người hãy trở thành sứ giả thân thiện, mến khách. Mỗi gia đình trang trí đẹp hơn. Mỗi người tham gia giữ gìn vệ sinh tốt hơn, đặc biệt tham gia giao thông an toàn cho chính mình cũng như cho du khách.
Đưa Hà Nội trở thành một điểm đến an toàn, hấp dẫn
PV: Năm nay Hà Nội kỷ niệm 20 năm nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Xin ông có thể cho biết trong thời gian qua, TP đã nỗ lực như thế nào để xứng đáng với danh hiệu này?
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Hà Nội rất vinh dự khi là TP duy nhất ở châu Á được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình” vào năm 1999. Trong 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã nỗ lực không ngừng để luôn luôn gìn giữ danh hiệu này. Đặc biệt, hướng tới 20 năm kỷ niệm được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô thực hiện rất nhiều công việc để phục vụ sự kiện quan trọng này. Những hoạt động này không dừng lại ở việc kỷ niệm 20 năm, mà còn tiếp tục làm chương trình dài hạn để Hà Nội xứng đáng hơn nữa với danh hiệu này.
Trong thời gian vừa qua, chúng tôi tăng cường các giải pháp, biện pháp để làm cho Hà Nội xanh, sạch và đẹp hơn. Bên cạnh đó, TP đã ban hành 2 bộ Quy tắc ứng xử để người Hà Nội duy trì những nét đẹp của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Chúng tôi tin rằng, với sự nỗ lực tuyên truyền của cả hệ thống chính trị, từng bước từ người dân Hà Nội đến du khách ở các tỉnh, TP khác hoặc du khách quốc tế đã dần dần có nhiều thay đổi trong cách ứng xử tại nơi công cộng. Tất cả những việc làm đó nhằm hướng đến Hà Nội là TP thân thiện, sạch, xanh, đẹp trong mắt du khách và bạn bè quốc tế. 
PV: Ông nghĩ thế nào về tầm nhìn Hà Nội trở thành Thủ đô năng động, phát triển, tổ chức nhiều các sự kiện mang tầm cỡ quốc tế, thưa ông?  
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Trong những năm qua, Hà Nội tổ chức rất nhiều các sự kiện quốc tế lớn như các Hội nghị của APEC, ASEM, IPU-132,… nhiều sự kiện thể thao của Đông Nam Á. Những sự kiện ấy đều được bảo vệ tuyệt đối an toàn. Nhiều hoạt động, chuyến thăm của các nguyên thủ các quốc gia trên thế giới đến Hà Nội đều được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân TP phối hợp chặt chẽ với các lực lượng các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tổ chức rất tốt các sự kiện này. Chúng tôi cũng tự tin vì các sự kiện này đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Rất trùng hợp khi năm nay TP kỷ niệm 20 năm được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, chúng ta lại được lãnh đạo của hai nước Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên chọn là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa hai nước. Đây là dịp để Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng quảng bá hình ảnh của mình với bạn bè thế giới về một TP năng động, an toàn, đúng nghĩa là “Thành phố về hòa bình”.
PV: Tới đây Hà Nội sẽ làm những gì để đáp ứng thực tế yêu cầu đặt ra hiện nay, tiếp tục xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”?
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Để tiếp tục phát huy truyền thống và danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, chúng tôi đã đưa ra nhiều kế hoạch dài hạn để xây dựng một TP năng động, trở thành điểm đến yêu thích của du khách quốc tế. Những chương trình dài hạn của chúng tôi sẽ bắt đầu từ làm sạch ô nhiễm không khí; đưa ra những chương trình trồng 1 triệu cây xanh (đã hoàn thành sau 3 năm thực hiện và tiếp tục trồng 600.000 cây vào năm 2019 - 2020).
Thực hiện lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vừa qua tại Yên Bái cũng như phát động Lễ Tết trồng cây Thủ tướng Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục đưa chương trình trồng cây xanh với khẩu hiệu: Mỗi gia đình sẽ trồng một cây xanh, mỗi gia đình đều tham gia trang trí trồng cây hoa để làm đẹp phố phường và nơi ở của mình. Chúng tôi sẽ có kế hoạch trồng cây ở tất cả các khu đất xen kẹt. Bên cạnh đó, tại các diện tích phủ rừng của khu vực Sóc Sơn, Ba Vì, chúng tôi cũng sẽ có kế hoạch trồng cây toàn bộ cây xanh trong thời gian tới.
Ngoài ra, chúng tôi đang có kế hoạch phát triển các văn hóa ẩm thực, văn hóa phi vật thể của Hà Nội và các tỉnh thành khác, để khi du khách đến đây sẽ được thưởng thức những món ăn ngon và tiết mục văn hóa đặc sắc nhất. Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục đưa Hà Nội thành một điểm đến hấp dẫn. Chúng tôi vui mừng vì trong hội nghị diễn đàn Kinh tế thế giới diễn ra tại Thụy Sĩ vừa qua, Hà Nội được diễn đàn đánh giá là 1 trong 10 TP năng động nhất thế giới, đứng thứ 8. Đó là những điểm cộng để chúng ta tự tin và có trách nhiệm hơn, để trong thời gian tới tiếp tục thực hiện các biện pháp, giải pháp đưa Hà Nội xứng tầm là một thành phố xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại.
Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao, Hà Nội tiến tới trở thành thành phố thông minh. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai quyết liệt để đưa ra những ứng dụng dịch vụ công trực tuyến tốt nhất cho người dân và du khách. Trong thời gian tới, mọi người dân sẽ được dùng những dịch vụ thông minh, ngắn gọn nhất; du khách khi đến Hà Nội sẽ có những ứng dụng tốt nhất, để Hà Nội sẽ trở thành điểm đáng nhớ và người ta mong muốn quay lại.
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần