Hà Nội: Thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin về bạo lực học đường

D. Tiêu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong nội dung Công văn số 3519/UBND-KGVX vừa ban hành, UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường và vi phạm pháp luật tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục phòng ngừa bạo lực học đường và vi phạm pháp luật với nhiều hình thức, nội dung phong phú, thiết thực phù hợp với từng địa bàn, từng cơ sở giáo dục và từng cấp học, cụ thể:
  Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, cơ quan, đơn vị, trường học, gia đình và học sinh... về quy định pháp luật của Nhà nước và các chương trình, kế hoạch hành động của UBND các cấp, các sở, ban, ngành và tổ chức chính trị - xã hội về công tác phòng, chống bạo lực học đường và vi phạm pháp luật; gắn tuyên truyền với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và các chương trình phòng, chống tội phạm, ma túy, phòng, chống mua bán người...
Thông qua các hình thức tuyên truyền trực tiếp để cảnh báo, nhất là với các em học sinh về thực trạng tình hình bạo lực học đường và vi phạm pháp luật; các mối nguy hiểm, hậu quả, điều kiện, hoàn cảnh... dễ nảy sinh các hành vi bạo lực học đường và vi phạm pháp luật; các dấu hiệu học sinh bị xâm hại sức khỏe, tình dục, tinh thần; nêu cao trách nhiệm trong công tác phát hiện, thông tin học sinh bị xâm hại hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh bị xâm hại; trang bị kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực học đường và vi phạm pháp luật và các hành vi vi phạm pháp luật,... cho toàn thể người dân nói chung, tập trung vào phụ huynh, thân nhân học sinh nói riêng; qua đó, nâng cao ý thức tự phòng, tự bảo vệ, trách nhiệm trong quản lý, giáo dục, chăm sóc con em mình.
Tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, các mô hình phòng, chống bạo lực học đường đang phát huy hiệu quả; đồng thời phản ánh, lên án kịp thời những hiện tượng tiêu cực trong bạo lực học đường, vi phạm pháp luật trên các trang web, cổng thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng nhằm vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự, phòng ngừa, phát hiện, tố giác và đấu tranh với các hành vi bạo lực học đường và vi phạm pháp luật ở cơ sở giáo dục và cộng đồng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường và vi phạm pháp luật.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của sở, ban, ngành trong thực hiện các nội dung, biện pháp phòng, chống bạo lực học đường và các hành vi vi phạm pháp luật; trong quản lý, bồi dưỡng đạo đức, nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục. Thường xuyên tổ chức đánh giá, rà soát, bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên phù hợp với chuyên môn, năng lực, đảm bảo trong cơ sở giáo dục không có cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm các quy định của pháp luật, có hành vi xâm hại tình dục, bạo lực.
Lực lượng Công an các cấp chủ động tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phòng, chống bạo lực học đường và vi phạm pháp luật; kịp thời phát hiện, giải quyết, ngăn chặn các mâu thuẫn, điều kiện nảy sinh hành vi bạo lực học đường và vi phạm pháp luật Tăng cường công tác nắm tình hình; thường xuyên kiểm tra hành chính tại các địa bàn, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự khu vực xung quanh các cơ sở giáo dục, lớp độc lập; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, giải tỏa triệt để các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm ảnh hưởng đến môi trường sư phạm, gây mất an ninh, trật tự. Khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật phải khẩn trương điều tra, kết luận và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với lực lượng Công an cơ sở thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin về bạo lực học đường và vi phạm pháp luật, đảm bảo các tin báo, tố giác tội phạm về bạo lực học đường và vi phạm pháp luật liên quan đến học sinh đều được tiếp nhận, nhanh chóng xác minh, kết luận và có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật; không để tình trạng vụ việc kéo dài gây tâm lý hoang mang cho giáo viên, học sinh và nhân dân, gây ảnh hưởng đến môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
Định kỳ, đột xuất tham mưu UBND cùng cấp thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để tổ chức kiểm tra thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, các hành vi vi phạm pháp luật và các quy định trong công tác phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở giáo dục và lớp độc lập.