Hà Nội: Thông qua Nghị quyết quy định một số cơ chế chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Kỳ họp thứ Nhất, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 ngày 23/6, HĐND TP thông qua Nghị quyết quy định một số cơ chế chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19.

Theo tờ trình của UBND thành phố do Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà trình bày, cơ chế chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội bao gồm danh mục sau: Chế độ hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu đối với người bị cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly; Chế độ bồi dưỡng và chế độ hỗ trợ tiền ăn đối với người tham gia phòng, chống dịch Covid-19; Hỗ trợ thêm cho các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19; Hỗ trợ chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2; Chế độ đối với người phải kéo dài thời gian cách ly tại cơ sở y tế, khu cách ly tập trung; Hỗ trợ cho cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, xử lý các đối tượng nhập cảnh trái phép trên địa bàn thành phố phải thực hiện cách ly tập trung.
 Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà trình bày tờ trình
Theo Nghị quyết được HĐND thành phố thông qua, UBND các cấp có trách nhiệm bố trí ngân sách để bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người bị cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với mức chi tối đã không quá 80.000 đồng/người/ngày.

Về chế độ bồi dưỡng và chế độ hỗ trợ tiền ăn đối với người tham gia phòng, chống dịch Covid-19, đối tượng bao gồm: Người trực tiếp tham gia thực hiện việc khoanh vùng, phong tỏa cách ly ở từng mức độ theo cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh do Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 các cấp ra quyết định (tham gia trực y tế, bảo vệ khu cách ly, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự và hỗ trợ người dân tại khu vực cách ly);
Người làm nhiệm vụ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, gồm: người thuộc bộ phận thu tiền khám bệnh, chữa bệnh, bộ phận vật tư thiết bị y tế thực hiện vệ sinh trang thiết bị, máy móc, bơm tiêm điện, người làm nhiệm vụ sàng lọc và phân luồng, người làm công nghệ thông tin trực chống dịch;
Người làm nhiệm vụ thuộc các cơ sở y tế dự phòng, gồm: dược, vật tư y y tế, truyền thông, bộ phận phân tích, tổng hợp số liệu, khử khuẩn, xử lý môi trường (không bao gồm các đối tượng đã được quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8-2-2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19);
Người làm nhiệm vụ trực tiếp tham gia các hoạt động mai táng và hỏa tảng đối với người chết do mắc Covid-19;
Lực lượng tham gia các chốt kiểm soát, giám sát việc cách ly xã hội tại các cửa ngõ ra, vào Thủ đô, các tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, địa bàn, khu vực giáp ranh; Lực lượng công an trực tiếp tham gia rà soát, điều tra, xác minh các đối tượng nhập cảnh trái phép (bao gồm cả người nước ngoài, người Việt Nam) và đối tượng người nước ngoài tạm trú trên địa bàn thành phố phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19;
Người bảo vệ khu vực, địa điểm cách ly tại các địa bàn dân cư theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước....
Tất cả các đối tượng trên sẽ được hưởng chế độ bồi dưỡng chống dịch 150.000 đồng/người/ngày.
Đối với học viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học sinh các trường đào tạo hệ trung cấp khối ngành sức khỏe, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách tình nguyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19 do thành phố huy động được hưởng chế độ bồi dưỡng chống dịch: mức 300.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021; mức 200.000 đồng/người/ngày khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ.
Về chế độ hỗ trợ tiền ăn, lực lượng tham gia các chốt kiểm soát, giám sát việc cách ly xã hội tại các cửa ngõ ra, vào Thủ đô, các tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, địa bàn, khu vực giáp ranh; Người bảo vệ khu vực, địa điểm cách ly tại các địa bàn dân cư theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước; Học viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học sinh các trường đào tạo hệ trung cấp khối ngành sức khỏe, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách tình nguyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19 do Thành phố huy động được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày.
Ngoài ra, Học viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, học sinh các trường đào tạo hệ trung cấp khối ngành sức khỏe, người có chuyên môn y tế không hưởng lương ngân sách tình nguyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong thời gian phải ở lại nơi tình nguyện 40.000 đồng/người/ngày.
 Quang cảnh Kỳ họp
Đối với hỗ trợ thêm cho các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19; đối tượng được quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ được mức hỗ trợ thêm 70% mức chi chế độ phụ cấp, bồi dưỡng cho từng đối tượng tương ứng khi thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thủ trong phòng, chống dịch Covid-19. Còn đối với những đối tượng đã nêu trên, mức hỗ trợ thêm bằng 70% mức chi bồi dưỡng chống dịch quy định tại Nghị quyết này.
Về hỗ trợ chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, các đối tượng là tiếp xúc của tiếp xúc gần (F2); người có triệu chứng bệnh và có liên quan đến ca bệnh xác định; người đi, đến, ở về từ vùng có dịch hoặc bệnh nhân mắc Covid-19; người trong khu vực có ổ dịch Covid-19 được khoanh vùng, phong tỏa; người ở khu vực có nguy cơ cao theo chỉ định của cơ quan y tế... sẽ được hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế (ngoài phần chi trả của quỹ bảo hiểm y tế nếu có). Trường hợp việc xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 được đảm bảo từ nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác thì kinh phí bố trí từ ngân sách nhà nước được giảm tương ứng để tránh chỉ trùng lắp.
Về chế độ đối với người phải kéo dài thời gian cách ly tại cơ sở y tế, khu cách ly tập trung, sẽ được hỗ trợ chi phí tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày; các chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế tập trung (nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác) với tổng chi phí là 40.000 đồng/người/ngày.

Đối với việc hỗ trợ cho cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, xử lý các đối tượng nhập cảnh trái phép trên địa bàn thành phố phải thực hiện cách ly tập trung, nội dung và mức hỗ trợ như gồm: Chi phí vận chuyển, áp tải, đối tượng đến các cơ sở cách ly tập trung và thực hiện bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý sau khi kết thúc thời gian cách ly tập trung tại Việt Nam; Chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2; Chi phí tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày;
Các chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế tập trung (nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác) với tổng chi phí là 40.000 đồng/người/ngày.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần