Hà Nội thực hiện 16 mục tiêu cho chương trình vì sự phát triển bền vững

Như Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Kế hoạch số 242/KH-UBND về Kế hoạch hành động của TP Hà Nội thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 Vì sự phát triển bền vững.

Kế hoạch yêu cầu quán triệt quan điểm, mục tiêu, định hướng của Chương trình Nghị sự 2030 Vì sự phát triển bền vững; gắn nhiệm vụ triển khai Kế hoạch hành động với quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện có hiệụ quả các giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động, báo cáo kết quả thực hiện định kỳ và theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội.
 
16 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của TP Hà Nội gồm: Chấm dứt mọi hình thức nghèo trên địa bàn; Bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; Đạt được bình đẳng giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái; Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người; Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người; Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và làm việc tốt cho tất cả mọi người. Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới; Giảm bất bình đẳng trong xã hội. Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn; phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng. Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững; Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai. Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất. Thúc đẩy xã hội hòa bình, dân chủ, công bằng, bình đẳng, văn minh vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp. Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đổi tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần