Hà Nội thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW: Quyết sách đột phá trong tín dụng chính sách

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (Chỉ thị 40) ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trong 5 năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, cơ quan quản lý nhà nước đối với việc triển khai thực hiện công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Hà Nội ngày càng được tăng cường và quan tâm. Hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn TP đã có những bước ngoặt mới.

Tăng cả lượng và chất
Bám sát Chỉ thị 40, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Chi nhánh TP Hà Nội và các cơ quan liên quan tập trung có hiệu quả các nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện tốt chính sách xã hội trên địa bàn.
Sự sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện, Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư đã đi sâu vào cuộc sống, tạo nên tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách.
Chỉ thị 40 đã tạo ra sự chuyển biến rõ, bổ sung vốn cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn. Ảnh: Trâm Anh
Trong 5 năm, Ngân sách TP và quận, huyện, thị xã, Ủy ban MTTQ các cấp đã chuyển 1.776 tỷ đồng sang NHCSXH TP để bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, nâng tổng nguồn vốn ủy thác đầu tư tại địa phương qua NHCSXH Hà Nội đến 30/6/2019 là 2.874 tỷ đồng.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, Ngân sách TP và cấp huyện đã chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH Hà Nội là 517 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ Ngân sách quận, huyện, thị xã, UB MTTQ các cấp tăng 262 tỷ đồng giai đoạn 2015 - 2019, nguồn vốn nhận ủy thác từ Ngân sách TP tăng 1.514 tỷ đồng giai đoạn 2015 - 2019, riêng trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng 461 tỷ đồng.
Chỉ thị 40 đã được tuyên truyền rộng rãi và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, nhất là những đối tượng yếu thế của xã hội như đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức thu nhập trung bình của xã hội, đối tượng người mù, người khuyết tật…
Tín dụng chính sách giải ngân qua NHCSXH đã phát huy hiệu quả, ý nghĩa kinh tế - xã hội, là công cụ đắc lực góp phần thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đẩy lùi tín dụng đen trên địa bàn Hà Nội.
Tác động mạnh mẽ, tích cực
Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội, với các mô hình phù hợp, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên ở cơ sở đã tích cực vào cuộc, cùng với NHCSXH huy động, cho vay, giám sát thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 40, thông qua 17 chương trình tín dụng chính sách, trên 487.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH Hà Nội, trong đó có gần 170.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, góp phần giúp 57.000 hộ thoát khỏi ngưỡng nghèo; cho vay trên 169.000 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm, góp phần thu hút trên 186.000 lao động; giúp cho trên 17.000 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn học tập, cho vay xây dựng mới và cải tạo gần 250.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây mới, sửa chữa cải tạo 3.906 căn nhà cho hộ nghèo...
Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được củng cố, nâng cao, nợ quá hạn toàn TP đến 30/6/2019 là 3,9 tỷ đồng, giảm 3,5 tỷ đồng so với cuối năm 2014, tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 0,16% cuối năm 2014 xuống còn 0,05% thời điểm cuối tháng 6/2019; nợ khoanh là 1,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,015% trên tổng dư nợ, giảm 0,3 tỷ đồng so với cuối năm 2014.
Đại diện NHCSXH Hà Nội chia sẻ, năm 2020 là năm cuối thực hiện chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, năm về đích thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Những năm tiếp theo sẽ mở ra giai đoạn mới với chuẩn nghèo được nâng lên, đặt ra những thách thức mới, nhiệm vụ mới trong công tác giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, với tốc độ tăng dân số cao, dự báo về nhu cầu lao động, việc làm sẽ tiếp tục là vấn đề bức xúc cần quan tâm giải quyết trong những năm tiếp theo của Thủ đô Hà Nội. Thời gian tới, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả, nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị của cơ sở và người dân, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn tín dụng chính sách.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần