Hà Nội thực hiện Chương trình 08-Ctr/TU: “Điểm sáng” cải cách tổ chức bộ máy hành chính

Bài, ảnh: Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nhìn lại 5 năm thực hiện Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ CBCCVC giai đoạn 2016-2020”, kết quả đạt được ở lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy hành chính là một “điểm sáng” trong bức tranh cải cách hành chính của Hà Nội. TP đã hoàn thành sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) công lập theo hướng vừa tinh gọn, giảm đầu mối vừa đảm bảo ổn định trong quản lý điều hành, được Trung ương đánh giá cao.

 Quyết liệt kiện toàn bộ máy cơ quan chuyên môn

Kết quả nổi bật nhất trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính Hà Nội đạt được trong 5 năm qua chính là đã triển khai quyết liệt sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo Nghị định 24/2014/NĐ-CP, Nghị định 37/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Cụ thể, TP đã ban hành các kế hoạch rà soát, sắp xếp những cơ quan hành chính thuộc TP theo chỉ đạo của T.Ư; từ đó, các sở, ban, ngành, UBND quận huyện thị xã thuộc TP đều ban hành kế hoạch triển khai và tổ chức thực hiện. Kết quả cụ thể, toàn TP đã hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy 23 sở và tương đương, sau sắp xếp giảm 1 cơ quan hành chính ngang sở (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo GPMB), giảm 65 phòng (từ 224 xuống 159 phòng), giảm 29 trưởng phòng, 120 phó trưởng phòng. Tính đến nay, số cấp phó tại các sở, cơ quan tương đương sở đã được thực hiện đúng quy định tại Nghị định 24/2014/NĐ-CP. TP cũng thống nhất tổ chức 12 phòng chuyên môn tại 30 quận, huyện, thị xã; giảm 3 phòng Dân tộc tại 3 huyện; thí điểm thành lập Đội Quản lý TTXD-ĐT trực thuộc UBND cấp huyện theo Quyết định của Thủ tướng. Đồng thời, đã kiện toàn, sắp xếp giảm từ 102 Ban chỉ đạo thuộc UBND TP còn 28 Ban chỉ đạo, giảm 72,5%.

Đáng chú ý, thực hiện Đề án 06-ĐA/TU của Thành ủy, TP tiếp tục thực hiện việc kiện toàn, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Sau kiện toàn, TP hiện có tổng số 2.379 thôn và 2.990 tổ dân phố, đã giảm 2.708 thôn, tổ dân phố. Thực hiện Nghị quyết của UBTV Quốc hội, TP cũng sáp nhập một số phường, xã có quy mô diện tích nhỏ, dân số ít, giúp giảm từ 584 còn 579 đơn vị cấp xã.

 Các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tại TP Hà Nội đều tích cực tổ chức thực hiện rà soát, sắp xếp những cơ quan hành chính trực thuộc (Ảnh: Công chức bộ phận "Một cửa" UBND phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng tiếp nhận giải quyết TTHC cho người dân)

Khắc phục cát cứ, phân tán nguồn lực

Cùng với quyết liệt sắp xếp khối cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp, TP đã tích cực sắp xếp lại các ĐVSN thuộc TP và cấp huyện, giúp khắc phục tình trạng cát cứ, phân tán nguồn lực đầu tư từ NSNN.

Ghi nhận đến thời điểm này, tổng số ĐVSN trực thuộc các sở đã giảm từ 401 còn 280 đơn vị, giảm 121 đơn vị (30,2%); ĐVSN công lập cấp huyện giảm từ 206 còn 96 đơn vị, giảm 110 đơn vị (53,4%). Hiện số cấp phó tại các ĐVSN trực thuộc TP đã thực hiện đúng quy định.  Cùng đó, TP triển khai sắp xếp các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm bảo trợ xã hội, ban QLDA quy hoạch kiến trúc, tổ chức Trung tâm Điều hành thông minh TP. Đặc biệt, đã chuyển 125 đơn vị sang tự chủ chi thường xuyên, từ đó giảm 13.665 biên chế hưởng lương ngân sách. TP cũng tiến hành nâng mức tự chủ chi thường xuyên đợt 2, nâng tổng số đơn vị tự chủ chi thường xuyên qua 2 đợt lên 296 đơn vị, vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết 19-NQ/TW Hội nghị T.Ư 6 khóa XII. Hiện Thủ tướng đã thống nhất 5 ĐVSN công lập chuyển thành công ty cổ phần giai đoạn 2017-2020.

Song song với sắp xếp kiện toàn cơ quan, đơn vị hành chính, thời gian qua, TP cũng chú trọng phân cấp, ủy quyền hợp lý và rành mạch trên cơ sở xác định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm mỗi cấp. Trong đó, đã ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế, xã hội trên địa bàn thay thế quy định phân cấp giai đoạn 2011-2015. Đến nay, TP đã ban hành 9 quyết định phê duyệt danh mục công trình phân cấp theo ngành, lĩnh vực và ban hành quy định mới về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế tiền lương, tiền công trong cơ quan hành chính, ĐVSN công lập thuộc TP. Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp Ban Cán sự Đảng UBND TP đã tham mưu Thành ủy tiếp tục nghiên cứu các nội dung phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện, cấp xã trên cơ sở Kết luận 46-KL/TW ngày 19/4/2019 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 139-KH/TU ngày 18/5/2019 của Thành ủy về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội.

 Cán bộ, công chức bộ phận "Một cửa" UBND quận Nam Từ Liêm trong giờ làm việc

Ngoài ra,  TP cũng ban hành quy định khung về chỉ số CCHC áp dụng với UBND cấp xã,; các phòng chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp huyện. Trên cơ sở đó đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã ban hành và triển khai thực hiện. Theo T.Ư đánh giá, Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong đã ban hành đầy đủ, hoàn chỉnh hệ thống bộ chỉ số CCHC theo dõi, đánh giá kết quả CCHC áp dụng với sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã, phòng chuyên môn và tương đương thuộc UBND cấp huyện. Đến nay, 100% bộ phận “một cửa” tại sở, cơ quan tương đương sở, UBND cấp huyện đạt yêu cầu hiện đại.

"Giai đoạn 2016-2020, Hà Nội thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế trong điều kiện quán triệt Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị T.Ư 6 BCH T.Ư khóa XII, được các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận tuyên truyền quyết liệt. Đội ngũ CBCCVC của TP sau khi được tuyên truyền, động viên, quán triệt đã nhận thức được vấn đề, giúp quá trình sắp xếp của TP cơ bản tốt, nhanh chóng ổn định, đội ngũ không có tâm tư nổi cộm. Cũng nhờ công tác tư tưởng tốt, chế độ chính sách được thực hiện đầy đủ, TP không có đơn thư phản ánh, khiếu nại về vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy".Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Chí Đoàn

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần