Hà Nội tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ

Nguyễn Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm qua, thông qua hoạt động khuyến công với một phần kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đã không chỉ hỗ trợ thiết thực hoạt động sản xuất, kinh doanh, đào tạo lao động tại các làng nghề mà còn tạo động lực khuyến khích nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Kết nối hàng nghìn biên bản ghi nhớ, hợp đồng xuất khẩu

Với nguồn kinh phí khuyến công của TP, trong năm 2016, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) đã tổ chức 110 lớp truyền nghề cho 3.850 lao động. Trong đó, có 32 làng thuần nông được truyền nghề, với các nghề như mây, tre, giang đan, may công nghiệp, mộc dân dụng, khảm trai, thêu ren... Kết quả của các lớp truyền nghề đều rất khả quan khi 100% các làng thuần nông được cấy nghề đã duy trì được nghề với số lượng lao động đạt trên 70% số lao động được cấy nghề. Các lớp truyền nghề trung bình có trên 80% lao động được bố trí việc làm tại các cơ sở sản xuất sau khi đào tạo.
 Sản xuất đồ gốm tại làng nghề Bát Tràng.          Ảnh: Công Hùng

Nhằm nâng cao năng lực quản lý cho DN, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đặc biệt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã tổ chức 5 lớp tập huấn hội nhập kinh tế quốc tế cho lãnh đạo, quản lý các DN, cơ sở CNNT trên địa bàn với giảng viên là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đến từ trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Xác định hoạt động xuất khẩu là chủ lực của ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN) TP, những năm gần đây, các hoạt động hỗ trợ cơ sở sản xuất làng nghề quảng bá giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mở rộng thị trường tiêu thụ được đặc biệt coi trọng. Một trong các hoạt động đó là việc tổ chức Hội chợ quà tặng hàng TCMN Hà Nội năm 2016 với quy mô 630 gian hàng của 245 DN Hà Nội và 29 tỉnh, TP trong cả nước đã thu hút trên 2.500 khách thương mại, trong đó có 605 nhà nhập khẩu nước ngoài đến thăm quan và giao dịch tại Hội chợ. Kết thúc Hội chợ, đã có 1.200 giao dịch, ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác, 10 hợp đồng xuất khẩu trực tiếp giá trị 300.000 USD được ký kết giữa các nhà nhập khẩu nước ngoài với các DN tham gia Hội chợ.

Ngoài ra, nhiều DN, cơ sở sản xuất CNNT được hỗ trợ tham gia các hội chợ quốc tế và trong nước về TCMN với rất nhiều hợp đồng, biên bản ghi nhớ, biên bản thỏa thuận với các nhà nhập khẩu nước ngoài đã được ký kết.

Nâng cao chất lượng sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Mẫu mã sản phẩm TCMN đã từ lâu được Sở Công Thương Hà Nội nhìn nhận là một điểm yếu khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Bởi vậy liên tục những năm qua, Sở đã có những hoạt động hỗ trợ, khuyến khích các nghệ nhân, DN, cơ sở sản xuất sáng tạo mẫu mã và đã đạt được những kết quả rất khả quan. Riêng trong năm 2016, Sở Công Thương đã hỗ trợ 14 cơ sở sản xuất ngành TCMN thuê tư vấn thiết kế gần 70 mẫu sản phẩm mới. Việc hỗ trợ đã góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm TCMN, sản phẩm thiết kế mới được các cơ sở sản xuất đánh giá cao, phù hợp sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Đặc biệt, cuộc thi “Thiết kế mẫu sản phẩm TCMN Hà Nội” dù đã được tổ chức nhiều năm, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, mỗi năm đều thu hút số lượng lớn nghệ nhân, thợ giỏi và các cá nhân tham gia với sản phẩm ngày càng đa dạng, phong phú, sáng tạo và khác biệt. Đặc biệt, cuộc thi không chỉ giúp khai phá những sản phẩm TCMN mới, mẫu mã phù hợp thị hiếu khách hàng mà còn là nguồn động viên, khuyến khích rất lớn đối với các DN, cơ sở sản xuất. Cuộc thi năm 2016 đã thu hút hơn 58 cá nhân với 201 mẫu sản phẩm mới tham gia, đã có 36 sản phẩm đạt giải được UBND TP công nhận.

Nhằm đẩy mạnh khuyến khích các DN, cơ sở CNNT đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, năm 2016, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ 10 dự án đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sau khi các đề án được triển khai và đi vào hoạt động đã giúp các DN hiện đại hóa công nghệ sản xuất; tăng năng suất sản xuất; chất lượng sản phẩm đồng đều, ít sản phẩm lỗi; tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn (gần 200 lao động mới được tuyển dụng); góp phần giảm ô nhiễm môi trường tại các làng nghề.

Bên cạnh đó, để góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cũng đã tư vấn lập báo cáo đầu tư và trình duyệt chủ trương thành lập 2 cụm công nghiệp là Cụm công nghiệp Xà Cầu, Cầu Bầu (huyện Ứng Hòa), cụm công nghiệp Xuân Thu (huyện Sóc Sơn). Hiện tại việc thành lập các cụm công nghiệp này vẫn đang chờ UBND TP phê duyệt. Cùng với đó là phối hợp với các chuyên gia tiến hành điều tra môi trường làng nghề tại 5 làng nghề bị ô nhiễm trên địa bàn 5 huyện: Hoài Đức, Phú Xuyên, Quốc Oai, Ba Vì, Ứng Hòa. Sau khi có số liệu điều tra, đã lập báo cáo điều tra và đề xuất, kiến nghị với UBND TP các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề được điều tra.

Tiếp tục hỗ trợ khoảng 1.000 lượt cơ sở sản xuất, làng nghề

Sẽ có 800 - 1.000 lượt cơ sở sản xuất CNNT, làng nghề được hỗ trợ từ công tác khuyến công. Đây là mục tiêu mà Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đặt ra trong năm 2017. Theo đó, thông qua chương trình khuyến công, sẽ tạo thêm khoảng 10.000 việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn. Góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng TCMN Hà Nội tăng 8 - 10% so với năm 2016. Tạo ra khoảng 300 sản phẩm có thiết kế mới trong lĩnh vực TCMN từ các hoạt động khuyến công.

Để đạt được những mục tiêu đó, lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cho biết sẽ sớm hoàn thiện và báo cáo Sở Công Thương trình UBND TP phê duyệt kế hoạch khuyến công địa phương năm 2017 trên cơ sở Chương trình khuyến công TP giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch tổ chức Hội chợ Quà tặng hàng TCMN Hà Nội năm 2017 và Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm TCMN Hà Nội năm 2017. Đồng thời, hoàn thiện Đề án Tổ chức Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng TCMN Hà Nội kết hợp thi sản phẩm TCMN của các nghệ nhân, thợ giỏi, doanh nhân giai đoạn 2016 - 2020 theo ý kiến của Ban Thi đua Khen thưởng T.Ư trình UBND TP xin chủ trương Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục tổ chức 100 lớp truyền nghề tiểu thủ công nghiệp cho 3.500 lao động nông thôn. Các đề án truyền nghề phải gắn với DN, cơ sở sản xuất cụ thể. Ưu tiên lựa chọn truyền các nghề TCMN có thị trường tiêu thụ sản phẩm và tiềm năng xuất khẩu. Đồng thời tổ chức 2 lớp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho 100 giám đốc, phó giám đốc các cơ sở sản xuất làng nghề. Tập trung vào các DN thành lập trong năm 2016 - 2017. Tổ chức 5 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị và điều hành DN, thiết kế mẫu mã sản phẩm. Hỗ trợ 10 DN, cơ sở sản xuất CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Các thiết bị, công nghệ phải mới được đầu tư mua sắm trong năm 2017, phải đảm bảo vượt trội về năng suất, chất lượng sản phẩm so với công nghệ, thiết bị cũ. Tiếp tục hỗ trợ các DN, cơ sở sản suất TCMN tham gia Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội năm 2017 với quy mô từ 650 - 700 và các hội chợ trong nước, quốc tế khác...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần