Hà Nội tích cực tham gia chống ô nhiễm chất thải nhựa

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “TP Hà Nội cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện để các tổ chức triển khai hiệu quả bộ Quy tắc ứng xử chống ô nhiễm chất thải nhựa”.

Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng tại buổi ký kết Quy tắc ứng xử về chống ô nhiễm chất thải nhựa vào ngày 4/6 tại Hà Nội của lãnh đạo của 22 đại sứ quán và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng phát biểu tại buổi lễ.
Đây là sự kiện hưởng ứng kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới (5/6). Các đại sứ và trưởng đại diện của 41 tổ chức quốc tế, trong đó gồm 25 đại sứ quán và 16 tổ chức, quỹ, chương trình và các cơ quan chuyên ngành của Liên Hiệp Quốc hoạt động tại Việt Nam đã cùng nhau ký bản quy tắc chung.
Được khởi xướng bởi Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, hoạt động này hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức về những hậu quả của ô nhiễm chất thải nhựa, đồng thời vận động thay đổi trên các cấp độ hành vi, thể chế và chính sách, nhằm giảm chất thải nhựa tại Việt Nam.
Bà Ping Kitnikone - Đại sứ Canada tại Việt Nam, chia sẻ: "Với bộ quy tắc này, chúng tôi kêu gọi một quy tắc chung trong các hoạt động để giảm thiểu rác thải nhựa và khuyến khích các bên liên quan cam kết thực hiện và chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường tại Việt Nam cho thế hệ tương lai".
Thông qua hành động này, các cơ quan đối tác quốc tế cam kết đánh giá hiện trạng sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại văn phòng cơ quan và bắt đầu thay đổi các thức hoạt động để giảm thiểu chất thải nhựa. Đồng thời, các bên tham gia cũng nhất trí sẽ vận động nhân viên giảm chất thải nhựa và khuyến khích các đối tác của mình áp dụng các giải pháp nhằm hạn chế hoặc không tạo ra chất thải nhựa.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, là một trong 2 thành phố lớn nhất Việt Nam, có tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân số cao, Hà Nội cũng đang phải đối mặt với các thách thức về môi trường và các tác động của biến đổi khí hậu. Nhiều dự án, công trình xử lý môi trường đã được chú trọng đầu tư trong thời gian qua nhưng chưa đáp ứng được tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình trọng điểm, tập trung vào các vấn đề về tiêu dùng tiết kiệm, bền vững, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, khuyến khích sử dụng năng lượng, công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, thu gom rác thải điện tử và hạn chế sử dụng túi nilon, kiểm soát ô nhiễm không khí và nước, xây dựng nền kinh tế xanh thấp carbon, hướng đến một Hà Nội xanh và bền vững, khỏe mạnh và đáng sống. “Đây được coi là sự tiên phong, là cam kết mạnh mẽ từ phía các tổ chức quốc tế và hi vọng sẽ được lan tỏa tới từng tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, để cùng chung tay hành động vì một Thành phố khỏe mạnh và đáng sống, vì một Việt Nam xanh tươi và hòa bình” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh.
Đồng thời cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện để các tổ chức triển khai hiệu quả bộ Quy tắc ứng xử chống ô nhiễm chất thải nhựa. Các cơ quan chuyên môn của Thành phố sẽ luôn sát cánh cùng các tổ chức, triển khai các dự án, chương trình hành động, xây dựng các hành lang pháp lý để giải quyết hiệu quả các vấn đề về ô nhiễm môi trường, trong đó có chất thải nhựa.
Theo các nghiên cứu, Việt Nam là một trong 5 quốc gia có lượng chất thải lớn nhất với gần 19.000 tấn rác thải nhựa thải ra mỗi ngày, góp phần gây ra 8 triệu tấn chất thải nhựa đổ vào các đại dương trên toàn thế giới mỗi năm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần