Hà Nội tiếp nhận 18 thiết bị quan trắc chất lượng không khí của Đức

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Văn phòng UBND TP cung cấp thông tin về một số hoạt động chỉ đạo - điều hành nổi bật từ ngày 16-20/9/2019. Trong đó, TP đã đồng ý tiếp nhận 18 thiết bị quan trắc chất lượng khộng khí của Đức hỗ trợ.

Hà Nội tiếp nhận 18 thiết bị cảm biến quan trắc chất lượng không khí của Đức
Nhận được Thư đề nghị của Cơ quan hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Hà Nội, để tiếp tục triển khai các hoạt động cải thiện chất lượng không khí cho Thành phố, UBND TP đã đồng ý tiếp nhận 18 thiết bị cảm biến quan trắc chất lượng không khí do GIZ hỗ trợ lắp đặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
 Phiên họp tập thể UBND TP tháng 9/2019. 
UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị đầu mối tiếp tục phối hợp với tổ chức GIZ, UBND quận Hoàn Kiếm và các đơn vị liên quan hiệu chỉnh dữ liệu 18 thiết bị cảm biến theo các trạm quan trắc cố định của Thành phố đảm bảo dữ liệu chính xác; công bố dữ liệu chất lượng không khí của các trạm cảm biến trên trang http://moitruongthudo.vn và các ứng dụng điện thoại thông minh, các bảng thông tin điện tử tại các trụ sở, khu vực công cộng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm sau khi các thiết bị đã hoạt động ổn định. UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, tổ chức GIZ và các đơn vị liên quan trong quá trình triển khai lắp đặt tại các vị trí đã khảo sát trên địa bàn.
Tập trung thực hiện công tác phòng, chống xâm hại trẻ em
Báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019, 6 tháng đầu năm 2019, TP Hà Nội đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, trong đó một số chỉ tiêu cơ bản về bảo vệ, chăm sóc trẻ em đều đạt kết quả cao như tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp đạt 99,3%; 545/584 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đạt 93,3%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; hoàn thành chương trình Trung học cơ sở đạt trên 99%; đảm bảo duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế… Tính đến ngày 30/6/2019, Thành phố có 1.852.454 trẻ em, chiếm 24,9% dân số. Trên địa bàn không có trẻ em đang độ tuổi đi học nhưng không được đến trường, phải tham gia lao động trái pháp luật; không có trẻ bỏ nhà đi lang thang, không có nơi cư trú ổn định.
Về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 16/01/2018 về ngăn ngừa và trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn Thành phố, yêu cầu các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em phải được phát hiện và giải quyết kịp thời, dứt điểm theo quy định pháp luật; 100% trẻ em trong các vụ việc được phát hiện, can thiệp, trợ giúp hiệu quả.  Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về việc xảy ra các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em trong nhà trường; Công an Thành phố chịu trách nhiệm về tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn; UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm việc xảy ra các tình trạng không kịp thời can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn. UBND các địa phương xảy ra các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em nghiêm trọng có trách nhiệm báo cáo ngay sau khi vụ việc xảy ra bằng điện thoại, email và báo cáo bằng văn bản về kết quả giải quyết vụ việc chậm nhất sau 03 ngày vụ việc được phát hiện (trước tháng 01/2018, UBND Thành phố đã có văn bản số 4740/UBND-LĐCSXH ngày 25/06/2010 chỉ đạo các quận, huyện, thị xã về việc quy định chế độ báo cáo là 05 ngày). Theo đó, chế độ quy định báo cáo của UBND Thành phố đã rút ngắn 02 ngày so với trước, khẳng định UBND Thành phố đã tích cực và quyết liệt chỉ đạo quy định chế độ báo cáo kịp thời đối với các địa phương xảy ra vụ việc về trẻ em bị xâm hại.
5 năm qua, UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, chính sách liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em như Luật Trẻ em năm 2016 với nhiều hình thức đa dạng, phong phú tổ chức tập huấn, hội thảo, Diễn đàn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, chiến dịch truyền thông, in ấn và cấp phát các sản phẩm truyền thông... Thực hiện nghiêm túc công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố. Chỉ đạo đấu tranh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc có tính chất phức tạp, nghiêm trọng, phương thức thủ đoạn man rợ, thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng…gây bức xúc, hoang mang trong dư luận xã hội.
Về việc xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm xâm hại trẻ em, từ năm 2015 đến tháng 6/2019, toàn Thành phố đã xử phạt hành chính về xâm hại trẻ em: 23 vụ = 42 đối tượng. 06 tháng đầu năm 2019: 04 vụ = 12 đối tượng. Khởi tố vụ án, bị can: 245 vụ, 257 bị can. Các trường hợp chưa đến mức khởi tố, xử phạt hành chính đều được nhắc nhở, yêu cầu cam kết không tái phạm.
Triển khai các biện pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh Cúm gia cầm
Nhằm kiểm soát, khống chế không để dịch bệnh Cúm gia cầm (CGC) xảy ra và lây lan trên diện rộng; chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh bảo và các giải pháp phòng, chống; tạo điều kiện cho việc xây dựng thành công các vùng, các chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh, hướng tới mục tiêu 100% các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh CGC giai đoạn 2019 - 2025; ngăn chặn không để các nhánh, các chủng vi rút mới nguy hiểm xâm nhiễm vào và lây lan trên địa bàn Thành phố; tổ chức tiêm phòng đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn gia cầm thuộc diện tiêm; xây dựng các cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh,
UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 211/KH-UBND ngày 19/9/2019 chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2025, yêu cầu các đơn vị tập trung triển khai 11 giải pháp sau: (1) Vận hành hiệu quả Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh cúm gia cầm các cấp. (2) Phân vùng nguy cơ để có cơ sở kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. (3) Tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi. (4) Giám sát dịch bệnh. (5) Tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm. (6) Kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; quản lý, kiểm soát chợ buôn bán gia cầm sống. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông cũng như tại các địa bàn, cơ sở có nguy cơ cao và tại các chợ buôn bán gia cầm sống. (7) Kiểm soát giết mổ gia cầm. (8) Kiểm soát ấp nở gia cầm. (9) Vệ sinh tiêu độc, khử trùng. Định kỳ tổ chức 05-06 đợt vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, tụ điểm buôn bán, giết mổ gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm. Thực hiện các đợt tiêu độc, khử trùng môi trường do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động (khoảng 2-3 đợt/năm). (10) Xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn bệnh cúm gia cầm, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 3-5 vùng an toàn dịch bệnh, 20 cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh. (11) Xử lý ổ dịch cúm gia cầm.
Xử lý và giải tỏa các bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép ven sông
Nhằm chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng các bến thủy nội địa, bãi tập kết, trung chuyển vật tư, vật liệu xây dựng không phép ven sông, UBND Thành phố đã ban hành văn bản số 4025/UBND-ĐT ngày 16/9/2019 chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc việc quản lý, sử dụng đất làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông trên địa bàn Thành phố; thu hồi hoặc đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền thu hồi đối với đất sử dụng sai mục đích. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác cát trên địa bàn và phối hợp xử lý tại vùng giáp ranh với tỉnh, quận, huyện khác; trường hợp vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo cấp trên để xử lý theo quy định của pháp luật và theo Quyết định số 1393/QĐ-UBND ngày 21/3/2018 của UBND Thành phố về phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn.
Một số sở, ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau: (1) giao Sở Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra các bến thủy nội địa, nhất là các bến thủy tập kết, trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng hoạt động không phép, trái phép. (2) Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Chi cục đê điều và Phòng chống lụt bão, các hạt quản lý đê thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển chính quyền địa phương quyết định xử lý; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ. (3) Công an Thành phố tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát sỏi, phương tiện khai thác, vận chuyển cát sỏi; phối hợp với công an các tỉnh giáp ranh kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm lợi dụng địa bàn giáp ranh, lẩn trốn gây khó khăn cho lực lượng chức năng. (4) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện việc đấu giá đối với các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông đảm bảo các điều kiện hoạt theo chỉ đạo của UBND Thành phố; rà soát việc giao đất, cho thuê đất. Đối với các dự án khai thác cát sỏi, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc khai thác cát, sỏi lòng sông.
Trước ngày 5/10/2019, báo cáo kết quả giải quyết 10 vụ vi phạm pháp luật về đê điều phát sinh trong tháng 8/2019
Xét báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong tháng 8/2019, trên địa bàn Thành phố phát sinh 10 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, tăng 4 vụ so với tháng 7/2019; trong đó quận Bắc Từ Liêm: 4 vụ, huyện Ba Vì: 2 vụ, các huyện Sóc Sơn, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thanh Oai mỗi huyện phát sinh 01 vụ. Phân loại theo tính chất vi phạm: xây nhà cấp 4, móng: 2 vụ; xây tường chắn: 01 vụ; lều quán, lán tạm: 2 vụ; chứa chất thải lên phạm vi bảo vệ đê: 4 vụ; đào, xẻ đê, xây dốc: 01 vụ. Các vụ việc đã được Hạt quản lý đê lập Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đê điều (6 vụ) và lập Biên bản kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đê điều (4 vụ).
Trước thực trạng trên, tại văn bản số 4062/UBND-KT ngày 19/9/2019, UBND Thành phố chỉ đạo Chủ tịch UBND các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thanh Oai tập trung chỉ đạo, kiên quyết xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm pháp luật đê điều xảy ra trong tháng 8/2019 theo đúng quy định, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 5/10/2019.
Tháng 9/2019, Lãnh đạo UBND Thành phố tiếp 49 lượt công dân
Ngày 17/9/2019, tại Trụ sở Tiếp công dân Thành phố, lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố đã chủ trì tiếp công dân định kỳ tháng 09 năm 2019 theo quy định của Luật Tiếp công dân. Kết thúc ngày làm việc, các đồng chí chủ trì đã tiếp 49 lượt (108 người) là công dân các quận, huyện: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân, Long Biên, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Gia Lâm, Ứng Hòa, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phú Xuyên và Thanh Oai; 3 đoàn khiếu kiện đông người: đoàn 15 công dân đại diện cho các hộ kinh doanh tại chợ Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy; đoàn 10 công dân đại diện cho các hộ dân ở chung cư Hancom, phường Xuân La, quận Tây Hồ và đoàn 30 công dân ở tổ dân phố số 2, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm; nhận 65 đơn.
Căn cứ các nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân, các đồng chí chủ trì buổi tiếp yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung xem xét, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo đúng thẩm quyền, trình tự quy định của pháp luật và ý kiến kết luận, chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố. Đối với các vụ khiếu kiện đông người, cần tập trung rà soát, tổ chức tiếp, đối thoại với công dân, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, không để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị vượt cấp, kéo dài; kiểm tra, rà soát giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng; đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần