Hà Nội tiếp tục lấy ý kiến vào Đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/10, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các ban Đảng, MTTQ các tổ chức chính trị - xã hội và các bộ, ban, ngành T.Ư vào dự thảo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; cùng các đại biểu đại diện các ban Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các Bộ, Ban, ngành T.Ư.
Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, việc xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị Hà Nội trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa quan trọng, phù hợp với điều kiện phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tới và đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng vào nội dung dự thảo Đề án.
Trên cơ sở sự tham gia đóng góp ý kiến tại 8 hội thảo đã được tổ chức, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Tổ soạn thảo tiếp thực nghiêm túc các ý kiến để hoàn thiện dự thảo. Đề án đã tiếp thu có chọn lọc mô hình chính quyền đô thị của các quốc gia trên thế giới thông qua việc khảo sát tại một số quốc gia, học tập kinh nghiệm tại TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng và một số địa phương khác.
Với mục tiêu xây dựng một mô hình quản lý chính quyền đô thị TP Hà Nội - đô thị đặc biệt theo hướng đô thị thông minh, phù hợp với xu hướng phát triển, trong đó tập trung vào mô hình tổ chức chính quyền tại khu vực đô thị (quận, thị xã, phường) của TP và tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền nông thôn (huyện, xã, thị trấn); thực hiện nghiêm túc Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7/11/2017 của Bộ Chính trị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp, phục vụ tốt các nhu cầu chính đáng của Nhân dân, đảm bảo thực sự là chính quyền của dân, do dân và vì dân.
 Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội thảo

“Ban Thường vụ Thành ủy rất mong muốn, với kinh nghiệm thực tiễn trong công tác quản lý, với kết quả nghiên cứu của các đồng chí căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của ban, bộ, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội T.Ư, hội thảo sẽ có những đóng góp cho TP những ý kiến quý báu. Các ý kiến của các đồng chí sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để Ban Thường vụ và Ban Chỉ đạo, Tổ soạn thảo Đề án hoàn thiện Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, để có đủ điều kiện trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để TP Hà Nội triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, xây dựng chính quyền điện tử, thông minh bảo đảm hiệu lực, hiệu quả”.
Tại hội thảo, Thành ủy Hà Nội xin ý kiến các đại biểu về quản lý mô hình chính quyền đô thị theo hướng đẩy mạnh phân cấp. Cụ thể là về phân cấp giữa Chính phủ, Bộ, ngành T.Ư với chính quyền TP Hà Nội và phân cấp giữa TP với quận, huyện, thị xã.
Ngoài ra, Thành ủy Hà Nội còn xin ý kiến các đại biểu về thí điểm mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đô thị theo hướng thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế. Điều này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước theo mô hình chính quyền đô thị TP và chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công trên địa bàn TP phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị và khu vực nông thôn đang đô thị hóa; đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và yêu cầu phục vụ Nhân dân trên địa bàn TP.
Tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đều có chung nhận định, việc thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội có ý nghĩa quan trọng, cần thiết trong tình hình hiện nay. Dự thảo Đề án đã được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo chuẩn bị công phu, khoa học, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và quyết tâm tạo bước đột phá về đổi mới thể chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Nhấn mạnh xu hướng cạnh tranh quốc gia là cạnh tranh của các khu đô thị lớn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, cần xây dựng chính quyền đô thị Hà Nội phải tạo ra môi trường cạnh tranh. Trên cơ sở đó tạo ra sức cạnh tranh cho Việt Nam với quốc tế.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị

Mục tiêu cốt lõi là minh bạch

Với 2 phương án tổ chức bộ máy chính quyền đô thị được Hà Nội đưa ra, Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng Trần Việt Hùng cho rằng, Hà Nội nên mạnh dạn chọn một phương án thí điểm, kiến nghị rõ vấn đề cần thực hiện. Việc này cũng thể hiện sự quyết tâm thực hiện của TP, tránh suy nghĩ “làm thí điểm trong thí điểm”. Cũng như vậy, nên chọn hạn chế bất cập cốt lõi nhất trong quá trình thực hiện, có đánh giá kỹ để đưa giải pháp xây dựng chính quyền đô thị.

Theo ông Trần Việt Hùng, mục tiêu cốt lõi chính quyền đô thị là đổi mới cách làm minh bạch hơn; cung cấp dịch vụ công tốt hơn để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, trong đề án cần chú ý yếu tố nông thôn của đô thị. Đây là là các yếu tố lớn tác động tổ chức thực hiện chính quyền đô thị nên cần đặt ra để có cách giải quyết tốt hơn trong thực tế.

Cũng theo ông Trần Việt Hùng, Hà Nội cần đánh giá thực trạng để thực hiện thí điểm chính quyền đô thị, về nội dung mục tiêu thí điểm cần đạt được. Cụ thể, cần đánh giá thực trạng quản lý đô thị hiện nay; vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng... Bên cạnh đó là nội dung xây dựng chính quyền điện tử cần xác định đang đứng ở mức độ nào so với tốc độ chung của cả nước.

Về lộ trình thực hiện, có ý kiến cho rằng đến năm 2021 là muộn, cần chọn một số đơn vị hành chính để triển khai thí điểm ngay từ giai đoạn 2018-2020. Nhiều ý kiến khác cho rằng, thời điểm bắt đầu thí điểm từ năm 2021 là phù hợp, bảo đảm sự thận trọng.

Nhấn mạnh việc đảm bảo tiến độ nhưng vẫn phải thận trọng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh quan tâm trong xây dựng mô hình chính quyền đô thị theo hướng đẩy mạnh phân cấp, cần phải tăng cường cơ chế quản lý giám sát để tránh lạm quyền.

Về đội ngũ cán bộ, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu khẳng định, mô hình hay đến mấy mà đội ngũ cán bộ yếu thì cũng không đạt được mục tiêu. Vì thế, Dự thảo Đề án phải nghiên cứu, viết kỹ hơn về công tác cán bộ, lượng hoá để bảo đảm mô hình chính quyền đô thị được thực hiện hiệu lực, hiệu quả.

 Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo - Tổ trưởng Tổ soạn thảo Đề án trình bày báo cáo

Tiếp tục xem xét, hoàn thiện Đề án

Đánh giá cao và tiếp thu đầy đủ toàn bộ các ý kiến của các đại biểu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội bày tỏ vui mừng khi các đại biểu đều khẳng định việc xây dựng Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, chính quyền đô thị không phải vấn đề mới, đã nêu ra tìm tòi xây dựng, thí điểm từ nhiều nhiệm kỳ, ở nhiều địa phương, nhưng chưa đạt kết quả mong muốn. Nhu cầu xây dựng chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giải quyết tốt hơn nhu cầu của người dân, có thể cạnh tranh được với các nước trên thế giới thì ở địa phương nào cũng có, nhưng để đi đến đồng thuận và thực hiện thì không dễ.

Qua các ý kiến của đại biểu, Bí thư Thành ủy cho rằng chính quyền đô thị Hà Nội là chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, minh bạch. Có đủ thẩm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đảm bảo an toàn, đảm bảo được môi trường bình yên cho người dân, đáp ứng được nhu cầu phát triển; là chính quyền điện tử, thông minh; phát huy được năng lực tiềm năng của địa phương, người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy cho biết phạm vi thí điểm là toàn TP, coi cả Hà Nội là một thực thể chính quyền đô thị chứ không có chính quyền đô thị ở nội thành bên cạnh một chính quyền nông thôn TP Hà Nội. Đồng thời, khẳng định, TP sẽ chuẩn bị kỹ hơn các nội dung liên quan đến các phương án thí điểm, có lộ trình từng bước chắc chắn, nguồn lực vật chất và con người đáp ứng nhu cầu để thực hiện Đề án.